Hạ Long (Quảng Ninh): Họ hàng cạn tình chỉ vì rãnh thoát nước

(PLO) - Báo PLVN nhận được đơn kiến nghị của bà Hoàng Thị Thanh (tổ 5, khu 11, phường Việt Hưng, TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh) phản ánh việc gia đình ông Vũ Công Vương (hàng xóm) xây tường, chiếm rãnh thoát nước của gia đình bà. Điều đáng nói, dù phần đất trên đã nằm trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của bà Thanh nhưng khi xét xử tranh chấp, TAND TP Hạ Long bác yêu cầu khởi kiện của gia đình bà.
Gia đình ông Vương cho người xây bịt kín phần rãnh thoát nước nằm giữa tường hai nhà.
Gia đình ông Vương cho người xây bịt kín phần rãnh thoát nước nằm giữa tường hai nhà.
Tranh chấp rãnh thoát nước
Theo đơn kiến nghị, năm 1986 vợ chồng bà Thanh được UBND xã Việt Hưng (nay là phường Việt Hưng) cấp cho một mảnh đất có diện tích 156m2, nay là thửa số 17, tờ bản đồ số 99 tại địa chỉ tổ 5, khu 11, phường Việt Hưng. Lúc đó, UBND xã Việt Hưng xác nhận diện tích này thuộc diện quy hoạch làm nhà ở, không phải đất canh tác và đã trình lên UBND huyện Hoành Bồ xem xét. Năm 1987, vợ chồng bà Thanh chuyển về đây sinh sống, làm nhà tạm và đến năm 1994 thì được cấp giấy phép xây dựng (GPXD) nhà kiên cố. Từ đó đến nay, ông bà sử dụng đất ổn định và hàng năm vẫn đóng thuế đất theo đúng quy định của pháp luật. 
Bên cạnh thửa đất của nhà bà Thanh là thửa đất số 16 có diện tích 187,7m2 của gia đình ông Vương, bà Hải (nhận chuyển nhượng từ anh trai ông Vương và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) năm 1998). 
Bà Thanh cho biết, khi xây nhà, gia đình ông đã lấn sang đất của gia đình bà gồm: 4,2m2 đất rãnh thoát nước giữa 2 thửa đất, phần mái tầng 1 là 0,4m2  và mái tầng 2 là 1,5m2 . Toàn bộ diện tích xây chiếm trên không nằm trong sổ đỏ mà ông Vương được cấp. Tuy nhiên, vì có quan hệ họ hàng nên gia đình bà Thanh cũng không làm to chuyện mà chờ khi được cấp sổ đỏ sẽ phân định chính thức. Năm 2003 Nhà nước đo đạc đất để làm sổ đỏ, các hộ đều ký giáp ranh và xây tường rào cố định. Năm 2005 thì gia đình bà Thanh được UBND TP Hạ Long cấp GCNQSDĐ cho mảnh đất 156m2  trên và hai gia đình không có tranh chấp gì.
Năm 2010 gia đình ông Vương phá bức tường rào ngăn cách giữa 2 nhà và xây mới 1 tường rào dài 15m bao chiếm rãnh thoát nước của gia đình bà Thanh. Quá bức xúc, gia đình bà Thanh viết đơn đề nghị UBND phường Việt Hưng giải quyết và hòa giải nhưng không thành.
Do vậy, tháng 7/2013 gia đình bà Thanh làm đơn khởi kiện ông Vương, bà Hải ra TAND TP Hạ Long với mong muốn đòi lại phần rãnh nước bị xây chiếm và yêu cầu gia đình ông Vương cắt bỏ phần mái đổ bê tông cốt thép đua sang diện tích đất của bà. 
UBND TP Hạ Long khẳng định sổ đỏ cấp đúng
Tháng 10/2014, vụ án được TAND TP Hạ Long xét xử sơ thẩm và nhận định rằng, ranh giới đất giữa 2 hộ gia đình chưa được xác định chính xác và việc xác định hai hộ không có tranh chấp vào năm 2005 (thời điểm gia đình bà Thanh được cấp sổ đỏ) là chưa đúng. Tại Bản án số 33/2014/DT-ST (ngày 06/10/2014) TAND TP Hạ Long đã không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của gia đình bà Thanh, chấp nhận đơn phản tố của gia đình ông Vương về việc hủy GCNQSDĐ số AĐ 182136 do UBND TP Hạ Long cấp cho gia đình bà Thanh.
Bà Thanh cho rằng việc xét xử trên là không công bằng, gây thiệt hại cho gia đình bà. “TAND TP Hạ Long đã xác định đất của 2 gia đình đang sử dụng là đúng với GCNQSDĐ, không cấp chồng chéo lên nhau. Vậy thì phần rãnh nước có diện tích trên GCNQSDĐ mà gia đình tôi được cấp phải thuộc quyền sử dụng của tôi”. Đây cũng là quan điểm của đại diện UBND TP Hạ Long tại phiên tòa. Tuy nhiên, đại diện UBND phường Việt Hưng lại cho rằng do sai sót của đơn vị đo vẽ dẫn đến việc xác định ranh giới giữa 2 hộ không đúng nên xảy ra tranh chấp.
Bà Thanh cho biết thêm: “Tại phiên tòa, gia đình ông Vương, bà Hải khăng khăng rằng diện tích gia đình ông bà được cấp sổ đỏ là 187,7m2 , còn phần dư đang sử dụng là 318m2. Gia đình ông Vương chỉ thực hiện nghĩa vụ thuế, lệ phí trước bạ với phần diện tích đất 187,7m2  trên. Vậy phần diện tích dư ra mà họ đang sử dụng và không được cấp sổ đỏ có phải là nguyên nhân chính dẫn tới việc tranh chấp giữa hai gia đình không thì Tòa án lại không chỉ rõ”. 
Bà Thanh cũng khẳng định việc TAND TP Hạ Long căn cứ vào giấy phép xây dựng cấp năm 1994 cho gia đình bà để xác định diện tích đất bà được sử dụng là chưa có cơ sở. 
Nhận thấy quyền lợi chính đáng của gia đình không được bảo vệ, bà Thanh tiếp tục kháng cáo lên TAND tỉnh Quảng Ninh để xin phúc thẩm lại nội dung bản án của TAND TP Hạ Long và làm đơn “Yêu cầu xem xét thẩm định tại chỗ”.
Ngày 24/5/2015, Thẩm phán Đinh Quang Nghĩa và cán bộ TAND tỉnh Quảng Ninh có về thẩm định nội dung đơn và xác định chân móng tường rào giữa 2 gia đình. Tuy nhiên, gia đình ông Vương không hợp tác. Từ đó đến nay, bà Thanh nhiều lần gửi đơn đề nghị giải quyết vụ việc và giám định móng tường giữa hai gia đình để đảm bảo khách quan, công bằng nhưng sự việc vẫn “dậm chân tại chỗ”.
Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh cần sớm xử lý dứt điểm tranh chấp của hai gia đình, tránh tình trạng khiếu kiện, khiếu nại kéo dài.

Đọc thêm