Dự án sản xuất vật liệu tại Nghệ An: Có phù hợp với Quy hoạch tổng thể của Chính phủ?

(PLO) - Do cách hiểu khác nhau nên hiện đang có ý kiến trái chiều về việc UBND tỉnh Nghệ An chấp thuận chủ trương cho Cty Cổ phần Trung Đô đầu tư Dự án xây dựng khu liên hợp sản xuất vật liệu tại xã Nghi Văn, huyện Nghi Lộc…
Dự án xây dựng khu liên hợp sản xuất vật liệu của Cty CP Trung Đô được phê duyệt trên diện tích 278.569m2.

Vi phạm vì chạy đua với... “thời tiết”!

Dự án xây dựng khu liên hợp sản xuất vật liệu của Cty CP Trung Đô (dự án) được UBND tỉnh Nghệ An chấp thuận chủ trương đầu tư tại xóm 1, xã Nghi Văn, huyện Nghi Lộc có diện tích 278.569m2, trong đó 92.015m2 đất lâm nghiệp (đất rừng sản xuất) do các hộ gia đình đang quản lý sử dụng, 86.554m2 đất nông nghiệp và đất bằng chưa sử dụng là đất khai hoang, khó giao, chưa được cấp Giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất do UBND xã quản lý. 

Đầu tháng 5/2018, Cty CP Trung Đô tiến hành san gạt mặt bằng trong khi đất chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất nên bị chính quyền địa phương đã xử phạt hành chính và đình chỉ thi công. 

Trao đổi với PLVN, Chủ tịch UBND huyện Nghi Lộc Nguyễn Tiến Dũng cho biết: UBND huyện đã chỉ đạo các phòng chuyên môn cùng Công an huyện xuống hiện trường phối hợp với Chi cục Kiểm lâm vùng 2, Chi cục Kiểm lâm Nghệ An, Hạt Kiểm lâm Nghi Lộc… kiểm tra, xác minh. 

Tại buổi kiểm tra ngày 29/5, đoàn công tác đã xác định 12,54 ha có biến động về đất rừng sản xuất, trong đó Cty CP Trung Đô đã san ủi 2,12 ha, diện tích mới khai thác cây cối là 8,80 ha, diện tích đất trồng là 1,62 ha. Đối với diện tích có keo, tràm, bạch đàn tại khu vực triển khai dự án được Cty CP Trung Đô và các hộ dân khai thác theo đúng quy định tại Thông tư 21/2016/TT – BNNPTNT, không có việc phá rừng trái pháp luật tại khu vực dự kiến triển khai dự án.

Về sự việc này, ông Trần Văn Sao, Chủ tịch UBND xã Nghi Văn cho biết: “Sau khi sự việc xảy ra, chúng tôi đã lập biên bản đình chỉ, xử phạt 3 triệu đồng; Yêu cầu đưa máy móc ra khỏi hiện trường, nhưng đơn vị này xin được để lại vì thiết bị nặng, đưa ra khá vất vả. Hiện Cty CP Trung Đô đã dừng hẳn việc san ủi mặt bằng dự án”.

Thừa nhận việc dự án mới được chấp thuận đầu tư, chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất, đại diện Cty CP Trung Đô cho biết: Sau khi người dân khai thác hết cây và giao lại đất, Cty đã đào gốc cây và tranh thủ thời tiết khô ráo để san lấp trên diện tích 2,12ha nhằm tạo mặt bằng để lựa chọn thời điểm khởi công công trình, khi thủ tục đầu tư hoàn thành. Việc san gạt mặt bằng khi chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất nông, lâm nghiệp sang đất sản xuất công nghiệp là chưa đúng quy định. Tuy nhiên, thời tiết miền Trung rất khắc nghiệt, việc san lấp sẽ rất khó khăn, thậm chí không thực hiện được nếu gặp trời mưa (theo quy luật tháng 7, tháng 8 thì Nghệ An là mùa mưa bão). Hơn nữa, sau khi bị UBND xã Nghi Văn ra quyết định xử phạt, Cty đã nhận thấy khuyết điểm và rút kinh nghiệm.

Quy hoạch tổng thể của Chính phủ, hiểu thế nào cho đúng?

Đại diện Cty Trung Đô còn cho hay, dự án nằm ở vùng nông thôn miền núi nên theo Luật Xây dựng 2014 thì dự án không thuộc nhóm phải xin giấy phép. Theo chấp thuận chủ trương đầu tư, Cty được giao theo đề xuất khu vực đất có diện tích 278.569m2 chứ không phải 32ha. Sau khi được chấp thuận chủ trương đầu tư, Cty đã thỏa thuận đền bù với các hộ dân có đất nằm trên dự án. Phần diện tích Cty nhận chuyển nhượng lại từ người dân theo đúng trình tự pháp lý, người dân đã xin khai thác tận thu cây trồng (khu vực người dân xin khai thác 100% là keo, bạch đàn) đem bán và đồng ý giao đất cho Cty thực hiện dự án. 

Lý giải việc UBND tỉnh Nghệ An chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án, Sở Xây dựng Nghệ An cho biết, địa phương đã căn cứ các quy định về quản lý phát triển vật liệu xây dựng do Chính phủ và UBND tỉnh ban hành. Tại Quyết định 1469 (về Quy hoạch tổng thể phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030), Chính phủ đã chỉ đạo: “Nghiên cứu, phát triển các loại vật liệu mới đáp ứng nhu cầu sử dụng da dạng của thị trường và nền kinh tế; từng bước hội nhập khoa học công nghệ sản xuất vật liệu quốc tế, nâng cao trình độ nghiên cứu trong nước, rút ngắn khoảnh cách về công nghệ với thế giới” (điểm e khoản 1 Điều 1); “Phát triển gạch đất sét nung có giá trị kinh tế cao phục vụ xây dựng trong nước và xuất khẩu. Nghiên cứu, phát triển sản xuất gạch đất sét nung bằng nguyên liệu đất đồi và phế thải công nghiệp” (điểm e, khoản 3, Điều 1).

Từ các căn cứ trên, việc UBND tỉnh Nghệ An chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án tại xã Nghi Văn với mục tiêu, quy mô, công suất, diện tích đất sử dụng, công nghệ và hiệu quả kinh tế là phù hợp với chỉ đạo của Chính phủ tại Quy hoạch 1469 và không trái với ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại Hội nghị toàn quốc về vật liệu xây dựng năm 2017: “Dừng đầu tư mới, đầu tư mở rộng các cơ sở sản xuất gạch đất sét nung;…”, bởi kết luận này không đồng nghĩa với việc dừng đầu tư mới các cơ sở sản xuất gạch đất sét sử dụng nguyên liệu là đất đồi như Quy hoạch 1469.