Dự án tiền tỷ cho... cỏ mọc

(PLO) - Năm 2012, huyện Ngọc Hồi (Kon Tum) đã đầu tư xây dựng lò giết mổ gia súc tập trung với mức đầu tư lên đến cả triệu USD. Tuy nhiên, hoàn thành gần 2 năm qua, công trình vẫn chưa một lần sử dụng, hoang phế đến mức cỏ mọc vây kín lối đi. Nhìn cả đống tiền bị bỏ không mà xót ruột...
Một phần khu lò mổ cỏ mọc hoang phế
Tiền tỷ mặc cho cỏ mọc
Điểm giết mổ tập trung được huyện Ngọc Hồi xây dựng ở khá xa khu dân cư, giữa rừng cao su. Đường vào thực chất là đường mòn của người dân, quanh co, khó tìm. Điểm giết mổ được huyện Ngọc Hồi đầu tư ban đầu gần 5 tỷ đồng, từ nguồn ngân sách địa phương, trong đó có 1 tỷ đồng đền bù, giải toả mặt bằng. Đầu tư lớn là vậy nhưng thực tế những gì chứng kiến khiến người ta xót ruột, tiếc tiền. 
Bên ngoài cỏ mọc kín, che hết 4 phía của lò mổ. Tại đây chỉ có hai căn phòng nhỏ xây dựng đơn sơ, diện tích chưa tới 20m2. Bên ngoài là một dãy nhà mái tôn, khung sắt, không có vách, dài khoảng 20m. Dưới mái hiện là hệ thống gồm 10 chuồng nhốt gia súc được xây dựng sơ sài, mỗi chuồng cũng chỉ khoảng 10m2 gồm nền xi măng, tường cao 1m. Cạnh đó vài vòi nước nhựa. Bên ngoài có hai bồn nước Inox… Sơ sài là vậy nhưng công trình trên có giá hàng tỷ đồng? 
Theo thiết kế, mỗi ngày lò có thể giết từ 72-108 con lợn, 6-10 con bò. Vậy nhưng suốt từ ngày hoàn thành đến nay, nơi đây dường như chưa một lần sử dụng. Thực tế tính đến thời điểm này, theo phản ánh của người dân, tất cả công trình đều bỏ hoang. Cỏ vây kín mặt tiền, bắt đầu mọc vào sân. Rác, bụi bặm, mạng nhện giăng khắp nơi. 
Điểm giết mổ tiền tỷ gần như bỏ hoang, còn các tiểu thương lại chọn phương án giết mổ tại nhà. Một tiểu thương hoạt động ở chợ trung tâm thị trấn Plei Kần cho biết: “Bà con chúng tôi vào trong đó xa quá, đường sá lại không thuận tiện. Chúng tôi không thể tập trung vào trong đó được nên phải mổ ở nhà”. 
Tìm hiểu về thực tế lò mổ bỏ hoang, nhiều tiểu thương đang kinh doanh trong chợ này cho rằng có phần lỗi của chính quyền. “Thực tế trước khi xây lò giết mổ tập trung, chính quyền không có họp hành gì, tự dưng xây lên như thế. Muốn xây như thế phải họp dân. Xây như thế cũng không thể triển khai việc giết mổ gia súc tập trung được bởi vì dân ở đây cho mổ tràn lan. Ví dụ ở chợ trung tâm, có thể cho mổ tập trung được nhưng còn ở các vùng như 732, Sa Loong, Bờ Y họ cũng mổ tại nhà hết. Nếu ở đây vô đó cái gì cũng tính thuế nên giá bán sẽ mắc, khó bán. Một công trình lớn xây lên như vậy mà không hoạt động thì quá lãng phí”, một tiểu thương cho biết. 
Chính quyền vẫn tiếp tục rót thêm tiền vào… “bãi hoang” 
Các tiểu thương chưa mặn mà với lò giết mổ tập trung trên nên họ có rất nhiều lý do để từ chối vào lò mổ tập trung để làm ăn. Tuy nhiên, chính quyền huyện Ngọc Hồi lại đang tiếp tục đầu tư thêm gần 20 tỷ đồng khác từ nguồn ngân sách địa phương để cố phát huy hiệu quả và biến thành công trình triệu đô. 
Cụ thể, theo số liệu từ ông Nguyễn Tài Thu - Phó Chánh Văn phòng UBND huyện Ngọc Hồi cung cấp, huyện đang đầu tư thêm hơn 14,5 tỷ đồng từ nguồn ngân sách của huyện để làm một con đường… đất dài 800m vào lò mổ. Con đường có quy mô cấp 4 miền núi, nền đường đất rộng 20m. Hiện tại con đường đã hoàn thành và đưa vào sử dụng. 
Mặc dù thế, thời điểm phóng viên (PV) vào hiện trường, công trình lò mổ trên vẫn chẳng có một bóng người. Thực chất con đường không giúp ích nhiều cho việc thuận tiện đi lại. Từ đường cái muốn vào tới công trình phải đi đường đất, quanh co, rất dễ trơn trượt, nguy hiểm. Trong khi nếu theo đường mới, hành trình sẽ dài hơn đường cũ, điểm bắt đầu lại xa trung tâm. 
Ngoài ra, theo đánh giá của huyện, bà con tiểu thương chưa mặn mà là do vướng mắc chưa có đường điện vào lò mổ. Vì thế, huyện sẽ tiếp tục trích ngân sách thêm gần 4,5 tỷ đồng nữa để kéo điện vào. Theo dự kiến công trình sẽ hoàn thành trong năm nay. Bên cạnh đó, huyện cũng sẽ tiếp tục đầu tư hệ thống nước cung cấp cho lò mổ và cũng dự kiến hoàn thành trong năm nay. Tuy nhiên, thực tế tại hiện trường, PV cũng chưa ghi nhận trường hợp thi công nào ở công trình trên. 
Trong lúc chờ thời gian để có câu trả lời về tính hiệu quả của công trình trên thì “bãi hoang” trở thành “miếng mồi” của các đối tượng xã hội. Theo một bảo vệ khu lò mổ cho biết: “Tôi làm bảo vệ ở đây được 10 tháng. Công trình mất cắp rất nhiều đồ nên rất lo. Khu vực cũng hẻo lánh nữa, ở trong lô cao su nên rất sợ những đối tượng nghiện ngập vào lấy cắp vật tư của đơn vị”. 
Dư luận đặt câu hỏi, không hiểu sao ở một huyện biên giới nghèo như Ngọc Hồi, dân số ít, mức tiêu thụ hạn chế lại có thể đầu tư đến hàng chục tỷ đồng để xây dựng lò giết mổ tập trung? Phải có người chịu trách nhiệm việc sử dụng ngân sách nhà nước không hiệu quả, gây lãng phí như vậy...

Đọc thêm