Dự án “trang mới cuộc đời”

(PLVN) - Tại TP. Hồ Chí Minh hiện nay vẫn còn rất nhiều trẻ em không có giấy khai sinh. Thiếu giấy khai sinh, các em không thể hoàn thành thủ tục hành chính để đi học ở các cơ sở công lập, không được hưởng các chính sách bảo hiểm, y tế và các chính sách phúc lợi khác mà các em xứng đáng được hưởng. 
Chị Phan Thị Hồng Nhung chia sẻ niềm vui được nhận giấy khai sinh.
Chị Phan Thị Hồng Nhung chia sẻ niềm vui được nhận giấy khai sinh.

Khi lớn lên các em cũng không được cấp chứng minh nhân dân, phải làm những công việc không chính thức, thậm chí là nguy hiểm, bất hợp pháp; không thể đăng ký giấy kết hôn, và như vậy con cái sinh ra cũng lặp lại vòng hoàn cảnh bế tắc của cha mẹ: không được khai sinh.

Có rất nhiều các nguyên nhân, hoàn cảnh khác nhau khiến trẻ em không có giấy khai sinh: bố mẹ không biết cách làm, quá nghèo, không biết chữ, chính bố mẹ cũng không có giấy tờ tuỳ thân, nhiều em mồ côi, trẻ khuyết tật, bố mẹ bỏ đi, không rõ nguồn gốc, trẻ đường phố...

Trẻ em không thể tự làm giấy khai sinh, và nhiều gia đình, người thân cũng không biết cách, hoặc không thể hỗ trợ trẻ làm giấy khai sinh khi không đáp ứng những quy trình, giấy tờ thông thường được yêu cầu bởi cơ quan chức năng.

Niềm vui có giấy khai sinh

Năm 2014, Dự án “Trang mới cuộc đời” do Trung tâm Nghiên cứu Quản lý và Phát triển Bền vững (MSD) phối hợp với Sở Tư pháp TP. Hồ Chí Minh, Trung tâm Trợ giúp Pháp lý TP. Hồ Chí Minh và các tổ chức xã hội, mái ấm, cơ sở bảo trợ được hình thành và thực hiện nhằm thúc đẩy quyền được khai sinh cho những đứa trẻ như vậy.

Trong giai đoạn từ 01/6/2019 đến 31/12/2020 dự án “Trang mới cuộc đời” nhận sự hỗ trợ tài chính từ Quỹ Thúc đẩy Sáng kiến tư pháp (JIFF) - một hợp phần của Dự án ODA “Tăng cường pháp luật và tư pháp tại Việt Nam – EU JULE” do Liên minh Châu Âu tài trợ với mục tiêu làm giấy khai sinh cho 100 trẻ em.

Sau hơn 1 năm thực hiện, dù chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, dự án “Trang mới cuộc đời” đã hoàn thành 80 giấy khai sinh cho các gia đình, bao gồm cả trẻ em và cha mẹ trên địa bàn thành phố và hơn 20 trường hợp đang được thực hiện, dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm 2020.

Bên cạnh đó, dự án cũng giới thiệu cuốn sổ tay “Chúng em có quyền có giấy khai sinh” bao gồm những hướng dẫn cụ thể, tạo cơ sở cho các tổ chức và cá nhân tham khảo trong quá trình hỗ trợ làm giấy khai sinh cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.

 “Trong quá trình thực hiện dự án, chúng tôi đã gặp rất nhiều câu chuyện, những hoàn cảnh éo le, với nhiều vướng mắc, nhưng tựu trung lại, vì thiếu tấm giấy khai sinh, các em đã mất đi rất nhiều cơ hội và không được hưởng các quyền mà các em đáng được hưởng. Hơn 140 ca có hoàn cảnh khó khăn đã được tiếp nhận, khoảng 80 tấm giấy khai sinh đã được hoàn thành.

Điều này chỉ có thể có được bởi chúng tôi có sự đồng hành, tạo điều kiện, hỗ trợ pháp lý của các Bộ, Sở Tư pháp TP HCM và các sở ban ngành liên quan. Cứ thêm một sự đồng hành, là trẻ em có hoàn cảnh khó khăn lại có thêm một hy vọng, cơ hội được đi học, có bảo hiểm y tế và có hành trang để bước vào trang mới cuộc đời” - bà Nguyễn Phương Linh – Giám đốc MSD chia sẻ tại buổi tổng kết dự án giai đoạn 2019 – 2020 và đối thoại “Thúc đẩy quyền được khai sinh cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt tại TP.Hồ Chí Minh”.  

Là một trong những trường hợp nhận được tấm giấy khai sinh từ dự án, chị Phan Thị Hồng Nhung xúc động cho biết: “Bản thân tôi không có giấy tờ gì cả, rất thấm thía các khó khăn của một người không có giấy khai sinh, không có giấy tờ gì. Tôi rất mong muốn con gái không phải như vậy nhưng 6 năm trời không biết cách làm thế nào để giúp bản thân mình, giúp con. Rất may là mẹ con tôi đã được dự án “Trang mới cuộc đời” hỗ trợ, giờ tôi cũng có giấy khai sinh, con thì vừa 5 tuổi có giấy khai sinh để đăng ký đi học. Tôi thực sự chỉ biết nói lời cảm ơn sâu sắc”.

Gỡ vướng pháp lý

Theo những chuyên gia thực hiện dự án “Trang mới cuộc đời”, hiện nay còn những vấn đề vướng mắc khiến hành trình thúc đẩy quyền được khai sinh cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt trở nên khó khăn, kéo dài hơn.

Tại phiên đối thoại thúc đẩy quyền được khai sinh cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt tại TP. Hồ Chí Minh, đại diện các cơ quan quản lý và các tổ chức xã hội đã cùng nhau chia sẻ thẳng thắn về những vướng mắc trong thủ tục hành chính khi làm giấy khai sinh cho trẻ có hoàn cảnh đặc biệt và đưa ra những đề xuất xây dựng hệ thống tư pháp thân thiện nhằm đảm bảo mọi trẻ em Việt Nam sinh ra đều được khai sinh.

Đơn cử, về phía thủ tục tư pháp đó là việc hỗ trợ các gia đình xác minh nhân thân, chứng minh việc sinh qua các bằng chứng, cam đoan, cam kết, Bộ, Sở Tư pháp hiện cần sớm có hướng dẫn cho các cán bộ hộ tịch phường xã thực thi hiệu quả, đúng theo quy định, không yêu cầu các gia đình các xét nghiệm ADN nếu không cần thiết.

Sở Tư pháp và các Phòng Tư pháp cần tiến hành rà soát và hỗ trợ làm giấy khai sinh không chỉ cho trẻ em dưới 5 tuổi mà còn cho trẻ em trên 5 tuổi tới 16 tuổi và cả người lớn, để đảm bảo tất cả các trẻ em đều có giấy khai sinh. Việc rà soát nên kết hợp với cán bộ tổ dân phố và cả các cán bộ tổ chức xã hội để có thể tiếp cận được những trường hợp đặc biệt mà chính quyền địa phương có thể không tiếp cận được hoặc dễ bỏ sót… 

Về phía ngành Y tế, cần sửa đổi Thông tư 53/2017/TT-BYT của Bộ Y tế để việc lưu trữ hồ sơ sinh trẻ được lâu hơn, tới 20 năm hoặc vĩnh viễn, hướng dẫn các bệnh viện, cơ sở y tế cung cấp giấy chứng sinh cho trẻ trong bất cứ trường hợp nào để đảm bảo quyền được đăng ký giấy khai sinh cho trẻ.... 

“Hơn ai hết, trẻ em là đối tượng xã hội yếu thế, dễ bị tổn thương và rất cần sự quan tâm, bao bọc, bảo vệ để được sống và phát triển. Vì vậy, Đảng và Nhà nước ta đang từng bước hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật để đảm bảo hơn quyền con người, quyền công dân trong mọi lĩnh vực, đặc biệt là quyền khai sinh và quyền quốc tịch của trẻ em.

Dự án “Trang mới cuộc đời” vô cùng ý nghĩa để giúp các trường hợp có hoàn cảnh khó khăn làm giấy khai sinh, những trường hợp đặc biệt mà các cơ quan quản lý nhà nước như chúng tôi khó tiếp cận. Chúng tôi rất vui được đồng hành cùng dự án và cam kết tiếp tục đồng hành và hỗ trợ dự án” - Bà Trần Thị Hồng Yến - Phó Trưởng phòng Hộ tịch, Sở Tư pháp TP.Hồ Chí Minh. 

Đọc thêm