Kỳ 1:
Chỉ cách trung tâm Biên Hòa (Đồng Nai) mươi cây số, 10 năm nay, hàng ngàn nông dân sống trong cảnh lầm than. Người sống không còn nơi dung thân, mò ốc bắt còng sống qua ngày; người chết cũng không nơi chôn cất. Cuộc sống điêu tàn, oán thán chất chồng.
Xóa trắng xã lập khu đô thị “chui”
Câu chuyện bắt đầu từ những năm 2007, khi “Khu đô thị sinh thái kinh tế mở Long Hưng” ra đời, gồm ba dự án: Đồng Nai Water Front (366,7 ha), Aqua City (304,9 ha), Khu dân cư Long Hưng (227,7 ha), tại xã Long Hưng, huyện Long Thành (xã Long Hưng nay đã chuyển về TP Biên Hòa). Mục tiêu, theo giấy chứng nhận đầu tư, là “đầu tư xây dựng và kinh doanh khu đô thị”.
Năm 2008, UBND Đồng Nai ra các quyết định phê duyệt phương án thu hồi đất 2.532 hộ dân, trong đó 1.130 hộ bị giải tỏa trắng. Dù đây không phải là dự án công ích, dân vẫn bị áp giá với mức có khi chỉ 35 ngàn đồng/m2. Tính theo thời giá, mỗi m2 đất ăn được hai đĩa cơm sườn.
Chưa bàn đến các vấn đề pháp lý chi tiết, chưa bàn đến việc dự án thương mại có được áp giá và thô bạo cưỡng chế hay không, dự án nhanh chóng bị kết luận là dự án “chui”. Người dân đâm đơn khiếu nại tố cáo khắp nơi, không chấp nhận giao đất với giá rẻ mạt để nhà đầu tư bán lại với giá gấp hàng trăm lần. Đầu năm 2010, Bộ Xây dựng đã có văn bản khẳng định “dự án khu đô thị mới có quy mô sử dụng 200 ha trở lên phải được Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận”. Có nghĩa Đồng Nai khi đó đã cấp phép trái thẩm quyền.
Bộ Xây dựng lưu ý “khu đô thị quy mô sử dụng đất từ 200 ha trở lên là dạng hoạt động kinh doanh đặc thù và có nhiều điểm khác như sử dụng diện tích đất lớn, liên quan đến nơi sinh sống hàng vạn người dân và các lĩnh vực khác như giáo dục, thể thao, y tế, văn hóa… Ngoài ra việc đầu tư xây dựng khu đô thị mới còn phải đáp ứng các yêu cầu về xây dựng đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, bảo đảm phù hợp về kiến trúc, quy hoạch vùng, quy hoạch ngành, các vấn đề kết nối hạ tầng khu vực…”.
Cuối tháng 3/2010, Văn phòng Chính phủ có văn bản truyền đạt ý kiến Thủ tướng yêu cầu UBND Đồng Nai nghiêm túc kiểm điểm việc cấp phép đầu tư dự án. Tuy nhiên trước hành động “tiền trảm hậu tấu” của Đồng Nai, văn bản này vẫn cho phép tiếp tục triển khai các dự án trên, và “phải thực hiện đúng quy hoạch và tiến độ, thực hiện các cam kết về bảo đảm an sinh xã hội tại địa phương”.
Cuộc sống hàng ngàn hộ dân xã Long Hưng từ khi đó chính thức rơi vào cảnh oán thán. Nhưng trời thì cao, đất thì dày, oán thán ai nghe?
|
Bảy năm qua, cứ mỗi lần nhắc lại ngày bị thô bạo cưỡng chế nhà, ông Hoa lại uất ức bật khóc. |
Cuộc cưỡng chế “thí điểm”
Bảy năm qua, ông Phan Văn Hoa (SN 1959, từng ngụ ấp An Xuân) không có một giấc ngủ ngon. Từ một nông dân cần mẫn gây dựng nên nhà cao cửa rộng, vườn cây ao cá, ruộng lúa mênh mông, bỗng chốc mất tất cả. Mồ hôi nước mắt nhiều đời gây dựng bị cưỡng chế đập phá thành bãi đất trống phân lô bán nền cho các “đại gia”.
Tính tới đứa cháu đang nằm nôi, nhà ông sáu đời cư ngụ ở đất Long Hưng, cái tên có nghĩa “con rồng mạnh mẽ, trí tuệ, sung túc”. Năm 1977, ông Hoa lập gia đình, thừa hưởng ruộng vườn gia đình. Gom góp, đi lượm từng thanh sắt, làm được bao nhiêu để dành mua gạch đá, hàng đêm vợ chồng xuống sông xúc cát trữ sẵn. Mất bốn năm trời ròng rã mới xây xong căn nhà năm 1991.
Khoảng vườn 1.700m2 đất thổ cư, ông đào ao thả cá, trồng cây ăn trái. Diện tích 1,6 ha đất ông vừa trồng lúa, trồng cây lâu năm. Mỗi năm bình quân ông thu lãi 80 triệu đồng, thời điểm đó tương đương 6 – 7 lượng vàng. Từ năm 1995 đến 2009, ông hết nhận được xã, huyện, tỉnh Đồng Nai công nhận “nông dân sản xuất giỏi”. Những tưởng cuộc sống ấm no hạnh phúc, con cái lớn lên dựng vợ gả chồng cho mỗi đứa ít đất ra riêng, làm căn nhà nhỏ. Ai ngờ tan nát hết.
Năm 2008, ông được gọi ra xã nghe phổ biến dự án “Khu đô thị sinh thái kinh tế mở Long Hưng”. Biết đây là dự án thu đất giá rẻ bán lại giá cao, không phải vì công ích, ông không đồng ý. Chính quyền vẫn cho người kiểm đếm tài sản. Mồ hôi nước mắt sáu đời, cả nhà đất 1.700 m2 và cây trái, ao cá chỉ được bồi thường 854 triệu. Ông không đồng ý nhận tiền, không đồng ý giao đất.
Nhà ông Hoa ở đầu làng nên trở thành “mục tiêu” đầu tiên cho cuộc cưỡng chế “thí điểm”. “Không họp hành, không gặp mặt, không thuyết phục động viên. Đầu tiên không nghĩ họ bạo lực đến vậy, nhưng hóa ra họ làm bất chấp vì nhà tôi là trường hợp đầu tiên. Nếu cưỡng chế được, đó là biện pháp thị uy, cảnh cáo các nhà khác, làm tê liệt ý chí phản kháng cả xã”, ông Hoa nói. Hôm đó, ông nhớ rất rõ, ngày 19/10/2011.
|
Vợ ông Hoa quỳ lạy lực lượng cưỡng chế (Hình cắt từ clip) |
“Hóa chất lạ” trấn áp những lời van xin
Sáng tinh mơ hôm ấy, cả xã Long Hưng bừng tỉnh bởi tiếng xe cảnh sát, cứu hỏa, cứu thương... Những nông dân chưa từng thấy cảnh tượng hàng trăm công an, trật tự đô thị, bảo vệ dân phố, cán bộ... vây một căn nhà. Trong căn nhà ấy, không có tội phạm, cũng không tiềm ẩn nguy hiểm gì. Đó là gia đình nông dân gồm một ông bố, một bà mẹ, ba đứa con và mấy đứa cháu. Ông Hoa kể lại: “Tôi chỉ lập một bàn thờ Bác Hồ và cờ Tổ quốc đặt trước sân. Đất nước độc lập tự do hạnh phúc là giữ cho dân mảnh đất mình khai phá. Cứ tưởng họ không dám phá nhà”.
Người dân đến rất đông, nín thở im lặng theo dõi. Những người già thì lên tiếng phản đối. “Gia đình tôi khóa cổng, hi vọng lực lượng cưỡng chế niệm tình thương xót, nhưng không tình, không lý. Họ tấn công...”, ông Hoa kể lại.
Trong clip người dân xã Long Hưng ghi lại, người ta thấy cảnh những người nông dân không có ý định chống đối, chỉ biết kêu gào van xin. Vợ ông Hoa quỳ sụp xuống đất, chắp hai tay trước ngực lạy lục. Lực lượng cưỡng chế chia thành nhiều mũi. Mũi đứng trước cổng vô cảm bắc loa đọc thông báo trong tiếng phản đối của dân, tiếng khóc thét kinh sợ của trẻ con. Mũi khác “đột kích” vào nhà, mở màn bằng làn khói bao trùm cả một góc vườn, không rõ là lựu đạn khói hay hóa chất gì? Tiếng chân chạy huỳnh huỵch, tiếng quát nạt, tiếng người bị quật xuống đất, tiếng trẻ ré lên rồi lịm đi. Máy xúc tiến vào giơ gầu quật liên tiếp. Mồ hôi công sức chắt chiu bao đời tan nát.
Ông Hoa kể lại: “Con trai tôi khi đó uất quá la lên. Họ lao đến lôi con tôi ra đường. Tôi hoảng quá, lôi lại, bị đè sấp mặt xuống đất. Họ bẻ gô tay cha con tôi ném lên xe thùng, chở ra sân ủy ban xã giữa trời nắng đến chiều rồi đưa về trại giam công an”. Đói, khát, giận dữ, tuyệt vọng. Vợ ông sợ hãi ngất xỉu, tỉnh lại cũng bị giải ra ủy ban.
Cơ ngơi bao đời sau ít phút chỉ còn đống xà bần. Lực lượng cưỡng chế bỏ đi mang theo gia đình ông Hoa bị còng trên xe thùng, phía sau lưng là những ánh mắt sợ hãi bàng hoàng.
Chiều muộn, vợ ông Hoa mới được thả về. Bước thấp bước cao trên con đường quen, một hàng xóm chặn lại: “Nhà thành đống gạch vụn rồi, về làm gì nữa”. Nhà bị phá, chồng con bị bắt, người phụ nữ hóa cái xác vô hồn để người ta dìu sang nhà người quen tá túc qua đêm, rồi sáng hôm sau gom chút sức tàn gượng lên Công an Biên Hòa… đóng tiền phạt.
Lập chòi tá túc cũng bị cưỡng chế
Ông Hoa và các con bị giam cho đến khi vợ lên đóng phạt mới được về. Người đàn ông ngậm ngùi: “Ngày xưa bom đạn Mỹ không tàn phá, không gây oán thán nhiều như vậy”. Ông bảo với nhà ông, nay thời bình mà quá chiến tranh, có đất có nhà nhưng thành bần cùng chỉ trong phút chốc.
Nuốt nước mắt cúi đầu chịu nhục trước bất công, ông Hoa nhặt nhạnh vật liệu từ đống xà bần, dựng cái chòi mới tá túc. “Nhưng họ đâu có tha. Lần thứ hai họ tiếp tục cưỡng chế. Họ bảo tôi xây trái phép trên đất dự án”. Hai lần dựng chòi trên nền đất nhà cũ đều bị phá, ông chuyển sang đất vườn. Túp lều sau đó cũng cùng số phận. Ông chuyển ra dựng chòi trên đất ruộng, chốn dung thân này cũng bị giật sập. Những cuộc cưỡng chế kiểu “đuổi cùng giết tận” này, theo ông, vẫn là một cách “khủng bố tinh thần”, “dằn mặt” dư luận xã.
Cuối cùng ông chuyển ra dựng chòi trên đất ruộng của một hàng xóm chưa bị giải tỏa thì mới được tạm yên. Ông lý giải không phải vì muốn tỏ ra “rắn mặt”, mà chỉ đơn giản vì ông là nông dân. Nông dân không đất như cá rời nước, sống bằng gì. Dựng chòi ngoài ruộng trồng luống rau, cấy ít lúa, mới có miếng ăn sống qua ngày.
Kể từ ngày bị cưỡng chế mất nhà, gia đình ông tan đàn xẻ nghé. Mấy đứa con ra ở trọ hoặc tá túc mỗi nhà người quen ít hôm. Ông Hoa nói: “Người ta bảo dự án này giúp dân an cư, ổn định đời sống, nhưng tôi thấy nó đi ngược lại. Nó khiến chúng tôi nghèo đi, mất hết đất sản xuất thì ổn định kiểu gì. Nông dân như tôi, chân tay vầy đây, chữ nghĩa không biết, không ruộng, đi làm công nhân có ai nhận sao?”.
Dù sống cảnh bần cùng, ông Hoa vẫn cương quyết không ký giấy nhận bồi thường, không tiếp tay cho dự án sai, không chấp nhận cảnh vô lý. “Dự án tư nhân thu lợi cá nhân mà áp đặt đền bù, cưỡng chế lấy đất là trái luật. Dù nhà bị đập, vườn ruộng bị san phẳng, tôi vẫn tin vào pháp luật, vẫn tin Đảng và Nhà nước sẽ biết câu chuyện, phân xử đúng – sai”.
Không may mắn như bác nông dân 59 tuổi này còn sức khỏe, còn quyết tâm đi tìm công lý; vì dự án “Khu đô thị sinh thái kinh tế mở Long Hưng”, đã có những gia đình bị đẩy vào hố sâu bần cùng, mẹ ngơ ngẩn, con mất mạng, gia đình không chốn dung thân lay lắt trong “ngôi nhà” tự chế neo trên dòng kênh đen. Mời bạn đọc đón đọc kỳ sau.