Làm đường cho dự án rồi bỏ hoang
Nằm ở thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, DA Khu nghỉ dưỡng Bãi Chuối được UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cấp giấy phép lần đầu cho Công ty TNHH Một thành viên Bãi Chuối Việt Nam để xây dựng các villa - resort - khách sạn. Sau khi DA được cấp phép, năm 2012, một con đường dài 6km được đầu tư với 40 tỷ đồng từ vốn ngân sách được hoàn thành, nhưng đến nay DA vẫn chưa khởi công hạng mục nào.
Hay như DA Khu du lịch Diana Resort của CTCP Dịch vụ Đầu tư và Thương mại Việt được cấp 20ha đất và khởi công năm 2007, dự kiến hoàn thành vào năm 2010. Nhưng đến nay, DA chỉ mới xây xong 1 phòng bảo vệ (?!). DA Khu nghỉ dưỡng ven biển Lăng Cô của Cty TNHH Pegasus Fund 2- Việt Nam được cấp giấy phép năm 2006 với tổng số vốn đăng ký 4,8 triệu USD. Sau hơn 10 năm cấp phép, DA chỉ mới xây được hệ thống tường rào, nhưng cũng bị gãy đổ ngổn ngang.
Không đủ năng lực vẫn “giữ chỗ” để kiếm lời
Đi cùng các DA “treo” là những khu tái định cư (TĐC) được đầu tư xây dựng với kinh phí hàng chục tỷ đồng ở KKT CM-LC cũng đang bỏ hoang, gây lãng phí. Khu TĐC Lộc Vĩnh nằm trên tuyến đường dẫn ra Cảng Chân Mây được đầu tư để bố trí TĐC cho các hộ dân bị ảnh hưởng do GPMB để thực hiện các DA ở xã Lộc Vĩnh, hoàn thành cuối năm 2017 nhưng sau gần 1 năm đưa vào sử dụng vẫn chưa có hộ dân nào đến ở.
Ông Dương Đăng Trung - Chủ tịch UBND thị trấn Lăng Cô - cho biết, các DA chậm triển khai vừa qua tỉnh cũng đã có thu hồi. Phía địa phương đã nhiều lần kiến nghị nếu nhà đầu tư nào có đủ năng lực thì tiếp tục đầu tư trở lại, còn DA nào không triển khai thì nên trả lại đất để dân sản xuất.
Theo ông Hoàng Việt Trung - Phó Giám đốc Sở KH&ĐT tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho biết, các DA “đắp chiếu” vì một số nguyên nhân như: một số nhà đầu tư thua lỗ trong hoạt động kinh doanh, không còn đủ khả năng triển khai DA; một số nhà đầu tư không đảm bảo năng lực để triển khai DA nhưng vẫn đăng ký để giữ chỗ, chờ chuyển đổi DA để kiếm lợi; nhiều DA đăng ký đầu tư với sản phẩm đầu ra tương tự trong khi khả năng hấp thụ nền kinh tế địa phương không cao dẫn đến khó đảm bảo hiệu quả DA…
Song khi các DA “đắp chiếu” thì người dân vùng DA không có đất sản xuất, phải đi làm thuê kiếm sống, không được tu sửa nhà cửa vì thuộc diện giải tỏa, cuộc sống bấp bênh vì không biết sẽ bị lấy đất bất cứ lúc nào. “Tại các cuộc tiếp xúc cử tri từ cấp địa phương đến TƯ, nhiều lần người dân trong thị trấn đã liên tục phản ánh về việc các DA “treo” khiến cuộc sống của người dân gặp nhiều khó khăn... nhưng đến nay vẫn không có động tĩnh gì” - bà Trần Thị Hồng (thị trấn Lăng Cô) cho hay.