[links()]Cơn bão số 8 đã qua nhưng những thiệt hại không đáng có của nó lại khiến dư luận băn khoăn, nghi ngờ khả năng dự báo quá chênh lệch của Trung tâm Dự báo khí tượng Thuỷ văn Trung ương (TTDBKT-TVTƯ). Ông Bùi Minh Tăng, Giám đốc TTDBKT-TVTƯ mới trả lời báo chí xung quanh vấn đề này.
Ông Bùi Minh Tăng, Giám đốc TTDBKT-TVTƯ |
- Dư luận đang đặt dấu hỏi về khả năng dự báo thông tin cơn bão số 8 sai lệch khá lớn về cường độ cũng như thời gian đổ bộ, ông giải thích việc này như thế nào?
- Cần phải nói rõ thêm, ranh giới xác định cấp bão là hết sức mong manh. Chúng tôi xác định cấp bão dựa trên cơ sở là sự mạnh lên của những vòng xoáy mây, đạt đến độ nhất định những vùng áp thấp đó sẽ chuyển thành bão. Khẳng định rằng chỉ có duy nhất chúng tôi phát cảnh báo là bão trong khi các đài trung tâm khí tượng lớn trên thế giới như Nhật, Mỹ…, đều chỉ xác định đó là vùng áp thấp nhiệt đới chứ không phải bão.
Hoặc lấy một ví dụ khác là cơn bão số 5, xảy ra vào năm 2006 trên thế giới chỉ có phát cảnh báo là áp thấp. Trong khi đó, duy nhất đài khí tượng của Việt Nam là xác định nó là một cơn bão. Nói như vậy để cho thấy rằng đã có nhiều trường hợp dự báo khí tượng của Việt Nam xác định tốt hơn thế giới. Riêng về cơn bão lần này chúng tôi cũng xác định vùng mưa khá chính xác.
- Vậy xin ông cho biết, công tác dự báo khí tượng thuỷ văn nói chung và trong cơn bão số 8 nói riêng có những vướng mắc, khó khăn nào?
- Đã là dự báo bão thì bao giờ cũng khó khăn. Chúng tôi làm nghề dự báo, cũng như ông thầy bói, bói người còn khó chính xác hoàn toàn, bói Trời thì càng không thể chính xác tuyệt đối. Hơn nữa, nước ta còn thiếu các phương tiện hiện đại, đặc biệt là các trạm phao trên biển để chúng ta có số liệu cụ thể và đối chiếu mực gió trên biển.
Thực tế trong cơn bão số 8 vừa qua, có một điểm đáng tiếc đó là hoàn toàn không có trạm quan trắc nào ở khu vực đó. Hiện tại trong công tác dự báo chúng tôi không có hệ thống phao nổi để so sánh độ chính xác của bão. Đáng chú ý là việc dự báo lần này chúng tôi hoàn toàn phải đưa ra những kết luận độc lập, hoàn toàn tự lực và không hề có bất kỳ sự tham khảo nào từ phía thông tin dự báo quốc tế.
- Trở lại việc có một số ý kiến cho rằng công tác dự báo có sự chênh lệch thời gian khá dài, gây ra những hệ lụy đáng tiếc, chẳng hạn như có một số địa phương khi nhận được tin bão đổ bộ đã quyết định cho toàn bộ học sinh nghỉ học từ chiều 18/9 đến hết ngày 19/9, trong lúc ở thời tiết lúc đấy lại không có gì bất thường. Ông đánh giá điều này như thế nào?
- Trong các cuộc họp Ban chỉ đạo với Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, chúng tôi đều khẳng định đây là một cơn bão chứ không phải một vùng áp thấp. Cường độ và hướng di chuyển chúng tôi cũng xác định hoàn toàn chính xác.
Cơn bão số 8 vừa rồi tâm gió mạnh nhất rơi vào khoảng 22h, nghĩa là tâm bão sẽ gần bờ trong khoảng từ 12h ngày 18 đến 1h ngày 19. Những thông tin dự báo sai lệch do một số cơ quan truyền thông đăng tải trước đó có thể là do các đồng chí đó có sự nhầm lẫn, căn cứ vào bản tin dự báo đầu tiên chúng tôi phát. GĐ Đài Khí tượng thủy văn khu vực Trung Trung Bộ - ông Trần Quang Chủ trước đó khi trả lời trước dư luận cũng có những sai sót, nắm bắt thông tin chưa thực sự là chuẩn.
Việc dự báo bão hoàn toàn sát với thực tế, trong các nguyên tắc về dự báo từ trước đến nay hoàn toàn chỉ mang tính chất tham khảo. Chúng tôi làm công tác dự báo kỹ thuật do vậy dự báo càng chính xác càng tốt việc một số địa phương cho học sinh nghỉ học hoàn toàn không thể đổ lỗi do chúng tôi. Thông tin chúng tôi chỉ mang tính chất dự báo, tham khảo quyết định sao là do các địa phương.
Đường đi của cơn bão số 8 như giun bò, bởi ranh giới giữa bão và áp thấp nhiệt đới rất mong manh. Hơn nữa, thời điểm đổ bộ của bão số 8 không thể xác định chính xác vào một giờ cụ thể, mà chỉ có thể xác định trong khoảng thời gian: Sáng, trưa, chiều, hay chiều tối, đêm.
Về mặt lý thuyết nếu dự báo trong khoảng thời gian ba ngày thì chỉ có một ngày là có thể tin tưởng được. Hay nói cách khác việc cập nhập liên tục, khoảng 2 tiếng/bản tin, càng bám sát thì sự chính xác càng cao. Do đó, để có sự chuẩn bị và kịp thời phòng tránh, người dân cần theo dõi sát các bản tin mà Trung tâm phát. Cùng với đó, các địa phương cũng phải chủ động trong việc cảnh báo, truyền tải thông tin tới người dân, đặc biệt là các địa phương ven biển.
Luyện Hùng (lược ghi)