Dự báo thời tiết sai, hậu quả ai chịu?

Những thông tin dự báo thời tiết là yếu tố quan trọng hàng đầu, góp phần hạn chế thiệt hại đối với tính mạng của con người, tài sản của Nhà nước và nhân dân. Tuy nhiên, suốt một thời gian dài qua, công tác dự báo thời tiết đã có nhiều dự báo sai, gây tổn thất nghiêm trọng

Còn nhớ  vào mùa hè năm 2006, khi cơn bão ChanChu đổ bộ vào Việt Nam, hàng chục ngư dân ở Quảng Nam và Quảng Ngãi đã phải bỏ mạng giữa biển khơi, một phần là do công tác dự báo về cơn bão này quá thiếu chính xác.

Bão Chanchu không đổ bộ vào đất liền nhưng thiệt hại về nhân mạng thì vô cùng to lớn bởi lẽ thay vì cho tàu chạy đến những nơi mà bão sẽ không quét qua thì chỉ vì tin vào nhà đài, hàng trăm tàu thuyền của ngư dân lại chạy “trước mặt bão” để rồi bị chính cơn bão ấy nhấn chìm.

Hình minh họa (Internet)
Hình minh họa (Internet)

Một lần ăn bão “khói”

Nhân câu chuyện về công tác dự bão thời tiết về cơn bão số 8 mấy bữa nay nóng trong dư luận, mấy anh em nhà báo chúng tôi chuyên theo dõi về mảng môi trường điện thoại hỏi thăm nhau và cùng chợt cười nghẹn khi nhớ về lần đón bão hụt của mình.

Chuyện xảy ra vào năm ngoái, khi đó bản tin Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia dự báo Cơn bão Nock – Ten (bão số 3), với gió giật cấp 13, sẽ đổ bộ sớm vào Hải Phòng tới tỉnh Hà Tĩnh. Vậy là mấy anh em lên ô tô, thay nhau lái chạy về Nghệ An, Hà Tĩnh. Dọc đường đi, chứng kiến công tác chuẩn bị phòng chống bão lụt diễn ra hết sức khẩn trương ở các địa phương.

Thỉnh thoảng lại thấy những chiếc xe thiết giáp lội nước, xe tải chở bộ đội chạy xuôi ngược, tăng cường vào vùng tâm bão giúp dân, anh em ngồi trên xe cứ nóng rực người khi nghĩ đên giây phút căng mình trong mưa gió viết bài về công tác phòng chống của chính quyền và nhân dân. Chiếc radio trên xe liên tục được bật để cứ 30 phút, mọi người kịp thời theo dõi bản tin thời tiết liên tục được cập nhật qua làn sóng phát thanh.

Thế nhưng, đến nơi dự kiến vùng tâm bão đổ bộ, vào đúng ngày giờ theo dự báo, trái ngược những gì được nghe, trước mắt chúng tôi là làn gió mát lạnh nơi bãi biển Cửa Lò, xen lẫn vài hạt mưa nhỏ. Chạy qua địa phận Hà Tĩnh, tình hình cũng chả có gì khác. Mấy đứa đứng lặng trong làn mưa nhẹ nhìn nhau lắc đầu chán nản. Có ông buông tiếng: “Thế là công toi!”

Chợt nhớ hình ảnh bà cụ già đang đẵn gốc chuối dưới con đê Hội Thống, bần thần nhìn những giọt nhựa ứa ra từ gốc, nói giọng tiếc rẻ: Các ông nhà đài dự báo ra răng mà hôm qua mệ đẵn mất mấy buồng chuối non. Để đến nửa tháng nửa là chín rồi. Trông cảnh đó, người đồng nghiệp khi nãy nói “công toi” kia hiểu rằng chuyến công tác tưởng “hụt” này đã cho mình  nhiều điều cần biết hơn trong công việc của mình

ChanChu, Sơn Tinh… và giờ là bão số 8

Được dự báo là cơn bão mạnh, bão số 8  (dự báo đổ bộ vào đất liền vào ngày 19/9)sau khi được bản tin thời tiết thông báo, các địa phương đã có những động thái tích cực trong công tác phòng chống. Nhiều hoạt động xã hội đã được dừng, học sinh nghỉ học, làng quê căng mình gia cố nhà cửa, tích trữ lương thực.

Tuy nhiên tất cả những hoạt động ấy bỗng chốc trở nên vô nghĩa, đảo lộn mọi sinh hoạt đời sống xã hội vì cơn bão đã tan từ ngoài biển và sớm hơn bản tin dự bão. Sáng ngày 19, suốt dải đất miền Trung nắng đẹp chan hòa trong hoàn cảnh những ngôi trường vắng ngắt học sinh, cơ quan ban ngành cũng trống vắng vì xuống hết các địa phương chống bão “hụt”.

Hậu quả của việc dự báo quá thiếu chính xác về cơn bão số 8 vừa qua không lớn, song nó phản ảnh một sự lặp lại về những sai số đáng trách trong nhiều năm qua chung quanh công tác dự báo bão của các đài khí tượng từ cấp quốc gia đến các đài khu vực.

Còn nhớ  vào mùa hè năm 2006 , khi cơn bão ChanChu đổ bộ vào Việt Nam, hàng chục ngư dân ở Quảng Nam và Quảng Ngãi đã phải bỏ mạng giữa biển khơi, một phần là do công tác dự báo về cơn bão này quá thiếu chính xác. Bão Chanchu không đổ bộ vào đất liền nhưng thiệt hại về nhân mạng thì vô cùng to lớn bởi lẽ thay vì cho tàu chạy đến những nơi mà bão sẽ không quét qua thì chỉ vì tin vào nhà đài, hàng trăm tàu thuyền của ngư dân lại chạy “trước mặt bão” để rồi bị chính cơn bão ấy nhấn chìm.

Sau sự kiện Chan Chu, Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn T.Ư (KTTVT.Ư) liên tiếp để xảy ra những dự báo sai. Ðầu tiên, phải kể đến cơn bão số 7. Trưa 29-9-2008, chỉ một ngày trước khi bão đổ bộ, bản tin dự báo của Trung tâm dự báo Khí tượng-Thủy văn Quốc gia dự báo chiều 30-9, bão đổ bộ đất liền.

Tuy vậy, cơn bão đã đến trước đó vào buổi sáng, do vậy đã gây ra tổn thất rất lớn về người và của làm hàng chục người chết và mất tích, hàng nghìn ngôi nhà bị sập và tốc mái và hàng trăm con thuyền đã chìm xuống làn nước biển do tin vào bản tin dự báo không kịp thời gian chạy vào bờ

Mới vừa năm ngoái thôi, ngành khí tượng thủy văn lại có thêm “thành tích” trong công tác dự báo về cơn bão Sơn Tinh trong việc  dự báo đường đi và cường độ bão đã không sát với diễn biến, dẫn đến việc tổ chức phòng, chống bão nảy sinh nhiều bất cập, đặc biệt là việc kêu gọi tàu thuyền về nơi trú tránh. Và rồi sau mỗi lần xảy ra những dự đoán sai lầm vậy, ngành khí tượng lại tổ chức họp thông báo với dư luận về những nguyên nhân dự  báo sai.

Nào là hướng đi phức tạp, sai số cho phép, hệ thống máy móc không đồng bộ…. nhưng rồi thời gian sau, công tác dự báo thời tiết vẫn chưa có những biến chuyển nhiều trong công tác chuyên môn, dẫn đến nhiều sai lầm tiếp diễn trong công tác dự báo của mình

Vẫn biết, thiên tai vốn khắc nghiệt, thiệt hại là điều khó tránh khỏi. Trong dự báo thời tiết, khó tránh khỏi những sai sót. Do vậy không thể đòi hỏi những thông tin cực kỳ chính xác, nhưng cũng không thể cho phép những sai số quá lớn.

Thiết nghĩ, ngành dự báo nên cần thiết cải tổ lại bộ máy con người và công nghệ sao cho phù hợp đáp ứng được yêu cầu của xã hội. Bên cạnh đó, cần làm rõ những sai sót gì thuộc về lỗi con người để công tác dự báo thời tiết bớt đi nhiều dự báo ‘trên giời”  trong thời gian tới…

Sơn Bình

Đọc thêm