Suốt một năm bộn bề công việc, Tết là chiếu nghỉ của hành trình cuộc sống, vì thế, mọi suy nghĩ và hành động, tinh thần và vật chất ở những ngày cuối năm này, người ta đều hướng đến Tết, dành cho Tết. Và, ý nghĩa nhân văn nhất của Tết chính là đoàn viên, sum họp, đầm ấm và vui tươi, hướng tới tương lai.
Xã hội chúng ta ảnh hưởng và chịu tác động từ ý nghĩa nhân văn của Tết, từ nhiều năm nay đã chung tay, góp sức để cả cộng đồng cùng hưởng Tết yên vui. Không khí Tết được bắt đầu bằng từ những chủ trương của Nhà nước chăm lo cho đồng bào đón Tết, thông điệp được gửi đi cho tất cả các lĩnh vực: “Không để cho bất cứ một người nào không có Tết”.
Nghĩa là, từ tinh thần đến vật chất, từ tiền lương, tiền thưởng đến phương tiện giao thông, từ trang trí đường phố đến thực phẩm mỗi nhà, từ đảm bảo sức khỏe mỗi người đến an ninh trật tự toàn xã hội... đều phải được quan tâm quán triệt. Ví dụ, ngành Giao thông đảm bảo “không để một ai phải đón giao thừa ở bến tàu, bến xe”, các doanh nghiệp đừng để nợ lương công nhân và quên món tiền thưởng, ngành Bảo hiểm xã hội đã thành thông lệ, cứ dịp Tết là phát 2 tháng lương cùng một lúc,...
Đặc biệt và đáng hoan nghênh nhất là tấm lòng của cả cộng đồng hướng tới người nghèo, trẻ em, người già không nơi nương tựa hay cả với những công nhân không thể về nhà đón Tết. Bắt đầu tháng Chạp âm lịch là những chuyến xe của các đoàn thiện nguyện lên đường, đến những nơi xa xôi, hẻo lánh nhất, không chỉ mang quà mà còn “chở” cả niềm vui. Chính quyền, đoàn thể chăm lo không chỉ với những gia đình đối tượng chính sách mà còn quan tâm đến những hộ nghèo, tặng quà, biếu tiền.
Tết yên vui, đầm ấm, chan chứa nghĩa tình và thời khắc đón xuân trở nên ý nghĩa chính là nhờ các hoạt động này.
Người ta đón Tết theo nhiều cách khác nhau, tùy theo sự giàu nghèo hay quan niệm sống. Nhưng, chung quy lại, chiếc bánh chưng hay hộp mứt trưng tết của người nghèo thì niềm vui cũng chẳng kém gì đại gia cúng con gà Đông Tảo ba chục triệu. Chỉ có sự giao hòa mới mang lại niềm vui trọn vẹn chứ không phải sự sang trọng, đắt tiền. Vì thế, Tết còn có ý nghĩa nữa là chia sẻ! Mặt khác, có gia đình ra nước ngoài đón Tết, đó cũng là một cách thưởng Tết, nhưng phần nhiều sự hân hoan nhất là “Tết này các con về đủ”, giá trị tinh thần của Tết sum vầy là vậy.
Giờ giao thừa điểm, cả nhà quây quần, thắp lên nén hương kính nhớ tổ tiên rồi chúc nhau sức khỏe, nói với nhau những điều tốt lành, ông bà chúc phúc cho con cháu, con cháu mừng thọ ông bà. Lúc thời khắc thiêng liêng chuyển giao trời đất này trong ấm áp yêu thương gia đình, chính là nguồn dinh dưỡng tinh thần quý giá để người ta tiếp tục những bước đi tiếp của cuộc đời mình, tuổi già hay con trẻ cùng trong tâm thế ấy!
Đất trời vào xuân và lòng người cũng vậy. Khởi đầu một năm mới với bao dự cảm tốt lành!