Du dịch góp phần phát huy văn hoá cồng chiêng

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Dưới chân núi LangBiang (thị trấn Lạc Dương, huyện Lạc Dương, Lâm Đồng), mà còn là “cần câu cơm” giúp bà con đồng bào K’ho nơi đây phát triển kinh tế. Nhiều năm qua các đội, nhóm dịch vụ du lịch cồng chiêng đã góp phần bảo tồn, phát huy giá trị của loại nhạc cụ truyền thống này.
Du dịch góp phần phát huy văn hoá cồng chiêng

Dịch vụ sinh hoạt cồng chiêng phục vụ du khách

Cồng chiêng trong văn hóa của các dân tộc Tây Nguyên chính là công cụ thể hiện quyền uy, sự giàu sang của gia đình, dòng tộc, bản làng. Cồng chiêng còn mang ý nghĩa tâm linh sâu sắc, là cầu nối giữa người sống với tổ tiên, thần linh. Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đã được UNESCO công nhận là kiệt tác văn hóa phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại. Nhưng với sự phát triển của xã hội hiện đại, việc duy trì không gian văn hóa cồng chiêng đã trở thành một bài toán lớn, khi sức hút của nó ngày càng mờ nhạt dần.

Để phát huy thế mạnh về giá trị văn hóa bản địa đặc sắc của dân tộc mình, đồng bào dân tộc K’ho Lạch dưới chân núi Langbiang, thuộc thị trấn Lạc Dương đã mở ra các dịch vụ sinh hoạt cồng chiêng, để thu hút và phục vụ du khách, mang lại nguồn thu nhập đáng kể.

Đây là một cách làm sáng tạo, không những tạo công ăn việc làm cho người dân ở địa phương, mà còn giúp duy trì, quảng bá văn hóa sinh hoạt cồng chiêng tới du khách. Ông KraJan Tham (51 tuổi, trú Bon Đơng 1, thị trấn Lạc Dương), trưởng nhóm cồng chiêng Đang Jrung cho biết, các đội nhóm cồng chiêng bắt đầu được thành lập từ những năng 1997 nhưng do chưa có sự đầu tư bài bản, cơ sở vật chất chưa đảm bảo nên các nhóm hoạt động chưa có hiểu quả.

Từ những năm 2002, các nhóm cồng chiêng trẻ như của KraJan Tham bắt đầu thành lập, nhờ sự đầu tư về công cụ, liên kết sinh hoạt văn hóa với dịch vụ du lịch đã giúp các đội nhóm hoạt động ngày càng năng động, thu hút được nhiều thành viên trong làng bản tham gia.

Ông Tham kể, trước đây gia đình tôi làm làm rẫy, trồng ngô, cà phê,...công việc vất vả. Lúc đó Du lịch là lĩnh vực đang phát triển mạnh ở Lâm Đồng, nhiều đoàn du khách tìm về địa phương, họ thích thú khi chứng kiến đời sống sinh hoạt của người dân trong bản.

Đội cồng chiêng của KraJan Tham tái hiện lại khung cảnh sinh trên đồi cao.Đội cồng chiêng của KraJan Tham tái hiện lại khung cảnh sinh trên đồi cao.

Nhận thấy văn hóa cồng chiêng của bản làng là một món ăn tinh thần yêu thích của du khách, đồng thời với tình yêu dành cho quê hương. Sau thời gian học hỏi kiến thức về văn hóa sinh hoạt dân gian của làng bản từ những những người lớn, già làng. KraJan Tham quyết định thành lập một nhóm riêng chuyên sinh hoạt cồng chiêng phục vụ du khách.

“Xây dựng một nhóm sinh hoạt cồng chiêng để có thể phát huy bản sắc không phải đơn giản. Trước hết mình là người khởi xướng phải có kiến thức về văn hóa bản xứ mới có thể truyền lại cho các thành viên trong nhóm. Thời gian đầu rất khó khăn, trước hết phải tập luyện để nắm rõ hết những nghi thức, điệu múa, những bản cồng chiêng từ xa xưa”- ông Tham nói.

Nhóm của KraJan Tham hiện có 16 thành viên, để có thể thành thạo hết việc phục dựng các nghi thức, điệu múa, phải mất đến gần 2 năm để tập luyện, sửa chữa. Một buổi sinh hoạt cồng chiêng sẽ bao gồm phần lễ và phần hội. Trong phần nghi lễ, du khách sẽ được nghe giới thiệu về buôn làng, sự ra đời của văn hóa cồng chiêng và cuộc sống sinh hoạt, sản xuất của các dân tộc dưới chân núi LangBiang.

Trưởng đội chiêng sẽ đóng vai Già làng, cầu thần linh, gửi lời chúc đến du khách. Sau đó là nghi lễ cầu thần Lửa, lửa trại cũng sẽ được đốt lên, những nam thanh nữ tú người dân tộc sẽ nhảy điệu ching Wă kwằng để chào đón thần linh và mừng lúa mới.

Về phần hội, du khách sẽ được giới thiệu về lịch sử ra đời và tận mắt chứng kiến khung cảnh các sinh hoạt truyền thống như: Lễ hội mừng lúa mới, lễ hội tạ ơn thần linh, lễ hội đâm trâu,…

KraJan Tham mặc trang phục truyền thống tiếp đón du khách.KraJan Tham mặc trang phục truyền thống tiếp đón du khách.

Ngoài ra, tất cả mọi người còn có thể hoà mình vào các trò chơi sinh hoạt cộng đồng hay cùng múa hát giao lưu với người dân nơi đây. Các điệu múa truyền thống sẽ được các thành viên của đội thể hiện một cách chân thật, cùng với âm vang thánh thót của tiếng chiêng truyền thống.

Ngoài việc được thả mình trong không khí sinh hoạt cồng chiêng đầm ấm, du khách còn được thưởng thức những món ăn truyền thống của đồng bào dân tôc K’ho, thưởng thức rượu cần, tham quan các sản phẩm thủ công mỹ nghệ của bản làng,...

Ông Tham chia sẻ, lượng khách du lịch tham gia sinh hoạt cồng chiêng chủ yếu tập trung ở 3 tháng hè và các dịp lễ tết. Tính riêng 3 tháng hè, đội của ông sẽ có thể tiếp hơn 12 ngàn du khách. Chính nhờ công việc này mà các thành viên trong đội có nguồn thu nhập đáng kể.

Cần tổ chức bài bản, tránh lạm dụng văn hoá cồng chiêng

Nếu như trước đây, âm thanh cồng chiêng chỉ xuất hiện trong những sự kiện trọng đại của buôn làng như: Lễ bỏ mả, lễ đâm trâu, lễ mừng lúa mới, hay thôi nôi… thì nay, ở thị trấn nhỏ của người K’ho, tiếng cồng chiêng xuất hiện hằng ngày, hằng đêm, nhiều người trẻ ở buôn làng cũng dần thích thú với tiếng chiêng truyền thống.

Ông KraJan Tham nói thêm, cồng chiêng là văn hóa sinh hoạt cộng đồng, phải gắn được tinh thần làng bản qua từng điệu múa, từng bài chiêng. Mục đích cuối cùng của những đội sinh hoạt cồng chiêng là bảo tồn, phát triển bản sắc của buôn làng.

Ngày này, nhiều loại hình giải trí mới thu hút giới trẻ, do đó việc hướng họ theo học cồng chiêng, “chung thủy” với các loại hình văn hóa truyền thống dân tộc trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.

Không gian trưng bày sản phẩm truyền thống ở nhà sàn của KraJan Tham.Không gian trưng bày sản phẩm truyền thống ở nhà sàn của KraJan Tham.

Điều lo lắng nhất là văn hóa cồng chiêng đang bị lạm dụng cho mục đích thương mại. Việc đưa cồng chiêng chạy đua theo các dịch vụ du lịch, có nguy cơ làm thay đổi nhận thức về sự thiêng liêng và ý nghĩa cộng đồng của nó. “Ngày càng xuất hiện nhiều những “lễ hội”, câu lạc bộ mượn hình ảnh văn hóa bản địa để trình diễn, phục vụ mục đích thương mại, thu hút khách du lịch. Và cứ thế, cồng chiêng đã không còn giữ được sự trong sáng, thiêng liêng vốn có… để rồi, bản sắc văn hóa không còn giữ nguyên được hồn cốt, dễ dàng bị chi phối bởi đồng tiền”- Ông KraJan Tham lo ngại.

Ông Păng tin Sin (52 tuổi, trú tổ dân phố Bon Đưng 1, thị trấn Lạc Dương, huyện Lạc Dương) cũng từng là trưởng một đội dịch vụ cồng chiêng cho hay, các đội sinh hoạt cồng chiêng trên địa bàn chủ yếu được thành lập một cách tự phát, nên khó có thể thống nhất về định hướng, điều kiện cơ sở vật chất, những tiêu chí văn hóa nhất định.

Không gian riêng để các đội nhóm hoạt động dịch vụ văn hóa cồng chiêng rất hạn chế. Các tổ, đội hoạt động chủ yếu trong buôn làng, âm thanh lớn từ chiêng, loa đài, hát hò,...sẽ ảnh hưởng đến các hộ dân xung quanh. Do đó cần phải có một không gian riêng, đúng tính chất cộng đồng, làng bản và giảm thiểu tối đa các dịch vụ du lịch. “Mặc dù chỉ là sự thay đổi trong điệu múa, sai sót trong các bài chiêng cũng phần nào làm tổn hại đến giá trị văn hóa, lịch sử”- ông Tham nhấn mạnh.

Ông Kra Jãn Meng Nôl - Cán bộ Văn hóa thị trấn Lạc Dương cho biết, cồng chiêng là một nét văn hóa được bà con nơi đây duy trì từ rất lâu. Hiện nay việc bảo tồn, phát huy đang được thực hiện tốt thông qua các đội nhóm sinh hoạt cồng chiêng trên địa bàn. Và tương lai sẽ trở thành hoạt động dịch vụ kinh tế mũi nhọn ở địa phương.

Ông Meng Nôl cho biết thêm, hiện trên địa bàn ghi nhận có 12 đội nhóm dịch vụ cồng chiêng được cấp phép hoạt động. Để các đội nhóm được phép công diễn, hoạt động dịch vụ du lịch, UBND thị trấn sẽ kết hợp với UBND huyện, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh, tổ chức hướng dẫn các đội nhóm lập các hồ sơ, thủ tục cần thiết. Đồng thời thẩm định những tiêu chí về cơ sở vật chất, các hoạt động phục vụ du khách, nghệ nhân.

Đọc thêm