Bà Lương có bốn cô con gái. Ba cô chị thuận lấy chồng từ khi vừa mười tám, nhà chồng các cô cũng chỉ làng trên xóm dưới, bà hưởng cái phúc “có bát canh cần nó cũng mang cho”. Cô gái út mặt diện hoa đào, hồng nhan đa truân, bạn bè con bồng con bế đã lâu mà cô vẫn một mình lẻ bóng.
Rồi một ngày cô dẫn về ra mắt mẹ chàng trai đi bán dạo. Quê nhà bà, chả giàu có, nhưng tháng ba ngày tám cũng chẳng có ai phải đói ăn. Cả làng, chỉ có người thịnh vượng rồi ra thành phố sinh sống mong đợi tương lai tươi sáng hơn cho đời sau, chứ chưa ai không kiếm ăn nổi ở làng mà phải bỏ đi kiếm ăn xa.
Vì thế, bà Lương cũng như những người dân ở làng này giành nhiều định kiến cho những người đi bán dạo, những người ở nơi xa phải đi tha hương, cầu thực ở làng bà. Ấy vậy mà trớ trêu thay,cô con gái út nhà bà Lương lại phải lòng anh chàng bán dạo.
Bà phát hoảng khi nghe tin đó. Chưa biết tìm cách nào để đỡ xấu hổ với làng xóm thì bà lại biết không những chỉ là anh bán dạo, cậu bạn trai của con gái bà còn có một quá khứ đen tối: vào tù ra khám bởi tội buôn bán, sử dụng ma tuý.
Bà Lương khóc hết nước mắt, tuyệt thực mấy ngày liền, nhưng con gái bà như ăn phải bùa mê, thuốc lú, vẫn nhất nhất gắn bó với anh bán dạo. Cô nói với mẹ: “Anh ấy đã quyết là lại cuộc đời. Gái có công chồng chả phụ. Con hết lòng thương yêu anh ấy, anh ấy đã thề là sẽ làm ăn tủ tế để con được sung sướng”.
Ừ, bán dạo thì cũng là một nghề, vãng lai gì thì quan trọng là cuối đời cũng có chốn dừng chân, bà tặc lưỡi chấp nhận.
Không đành lòng nhìn con lang thang cùng gã chồng bán dạo. Bà cắt một mảnh đất nhỏ nơi góc vườn cho con dựng tạm căn nhà. Ngày ngày, cô con gái bà đi làm thuê, gã con rể “quý hoá” đi bán dạo.
Rồi nghề bán dạo cũng chẳng kiếm được, gã bỏ luôn nghề, nằm dài ở nhà... chờ thời. Con gái bà Lương vẫn một nắng hai sương làm thuê cuốc mướn, mò tôm bắt ốc sống qua ngày. Có khi nhìn con gái trời nhọ mặt người mới về đến nhà, lại sấp sấp ngửa ngửa chạy đi bán cái trứng, mớ rau, mua cho chồng be rượu, lòng bà Lương như có ai đang cào xé.
Một ngày xấu trời, con gái bà nói chúng chuyển về quê chồng, ở đó kiếm việc cũng đã dễ hơn. Ừ, thôi thì khuất mắt trông coi. Biết đâu đất đó lại đãi ngoại, con gái bà lại được mở mang hơn. Hơn 70 tuổi, điều có ý nghĩa nhất đối với cuộc sống của bà Lương bây giờ là chờ tin vui của cô con gái út. Bà cũng mong, con gái bà có công, chồng nó chẳng lỡ phụ, thôi thì no đói có nhau...
Tin vui chưa thấy đâu, một buổi sáng mặt trời còn chưa lên khỏi ngọn tre, bà nhận được điện thoại. Người gọi điện cho bà là người bà chưa hề biết mặt - người đó bảo, là hàng xóm của con gái bà. Đã ba ngày nay, con gái bà Lương nằm một chỗ, mặt mày thâm tím. Người đó bảo bà hãy đón con gái bà về, nếu muốn còn được nhìn thấy mặt con. Người hàng xóm tốt bụng đó còn nhắn bà khi đến, nhớ nhờ người công an đi cùng để “đề phòng thằng nghiện đói thuốc làm liều.”
Bà Lương chẳng còn sức để đi đến vùng quê xa lắc xa lơ mà bà chưa một lần đặt chân đến để cứu con gái. Bà chỉ có thể lết đến Hội phụ nữ xã, qua những cuộc điện thoại nhờ công an giải cứu đứa con gái khốn khổ của bà./.