Nhiều phương án phòng, chống dịch Covid-19
Bắt đầu từ 5 giờ sáng 13/3/2021, Ban Quản lý danh thắng Hương Sơn sẽ mở cửa trở lại di tích chùa Hương sau hơn 1 tháng tạm đóng để phòng dịch. Để hoạt động tham quan, tín ngưỡng được an toàn, UBND Mỹ Đức - BTC Lễ hội chùa Hương đã xây dựng phương án cụ thể, chi tiết để đảm bảo công tác phòng chống dịch Covid-19 tại khu Di tích thắng cảnh Hương Sơn khi mở cửa trở lại.
Trưởng ban quản lý danh thắng Hương Sơn - Nguyễn Bá Hiển cho biết, khi chùa Hương được mở cửa trở lại, 100% du khách, người phục vụ trong không gian chùa sẽ phải đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn. Khách đến chùa phải khai báo y tế để bảo đảm hiệu quả khoanh vùng các trường hợp liên quan trong trường hợp xuất hiện các ca nhiễm virus.
Tại đây được chuẩn bị 2 phòng cách ly để sẵn sàng lấy mẫu xét nghiệm, tổ chức cách ly các ca nghi ngờ. Các đơn vị đang triển khai công tác tổ chức từ bố trí lực lượng bán vé, đăng ký khai y tế phòng dịch, tuyên truyền tập huấn cho đội ngũ lái đò, tiểu thương… về việc đón và phục vụ du khách đảm bảo điều kiện phòng chống dịch. Ban Quản lý danh thắng Hương Sơn đề nghị du khách vui lòng thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo hướng dẫn 5K của Bộ Y tế.
Trước đó, lãnh đạo TP Hà Nội đã giao các cơ quan chức năng của thành phố căn cứ tình hình dịch tại địa phương, chủ động thời gian mở cửa di tích, cơ sở tôn giáo tín ngưỡng từ 8/3/2021 nhưng “không tổ chức lễ hội”. Quyết định này được đưa ra sau khi Hà Nội đã kiểm soát tốt dịch bệnh, không phát hiện thêm ca nhiễm bệnh mới nào trong thời gian qua.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chử Xuân Dũng, mở cửa các di tích, cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng là cần thiết để đáp ứng nguyện vọng của người dân dịp đầu năm. Việc nới lỏng các hoạt động cần thận trọng và dựa trên cơ sở phân tích kỹ tình hình trên từng địa bàn cụ thể.
Ban Tôn giáo thành phố Hà Nội tiếp tục có văn bản hướng dẫn, yêu cầu các tổ chức tôn giáo, người đứng đầu các cơ sở tín ngưỡng, địa điểm sinh hoạt tôn giáo thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch, hạn chế tập trung đông người, đo thân nhiệt, đeo khẩu trang, khai báo y tế theo mã QR code... Các nghi lễ tôn giáo, thuyết giảng đáp ứng nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng tổ chức tại cơ sở thì nên giảm quy mô, chia nhỏ thành nhiều buổi và bảo đảm giãn cách 1m giữa người với người...
Ông Trần Thế Cương - Giám đốc Sở Văn hoá – Thể thao Hà Nội nhấn mạnh: “Chủ động xây dựng phương án chi tiết vừa phòng vừa chống dịch Covid-19, vừa đảm bảo nhu cầu văn hóa tâm linh tại các cơ sở di tích, danh thắng cảnh phù hợp với từng địa phương, đơn vị. Trường hợp nếu du khách đông, không đảm bảo phương án phòng, chống dịch cần tạm thời đóng cửa tới khi các điều kiện được đảm bảo thì mở cửa trở lại”.
Từ ngày 8/3/2021, các di tích, cơ sở tín ngưỡng tôn giáo đã bắt đầu mở cửa đón khách. Trung tâm hoạt động Văn hoá Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám cho biết đã phun thuốc khử trùng toàn bộ, đảm bảo an toàn cho việc đón khách với yêu cầu khách tham quan quét mã QR-Code để khai báo y tế trước khi vào di tích.
Các khu di tích, cơ sở tôn giáo tín ngưỡng đều sẵn sàng các phương án phòng, chống dịch Covid-19. (Ảnh Minh An). |
Cùng với đó, các pano tuyên truyền các biện pháp phòng chống dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế được đặt tại các vị trí thuận tiện, dễ thấy, đồng thời cho phát băng liên tục nhắc nhở du khách thực hiện các biện pháp an toàn phòng chống dịch bệnh. Những đoàn khách tham quan giới hạn không vượt quá 30 người.
Tại chùa Trấn Quốc, phủ Tây Hồ, tổ đình Phúc Khánh, chùa Quán Sứ… cũng đã chuẩn bị đủ các điều kiện phòng, chống dịch theo chỉ đạo. Ban quản lý các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng cũng lên phương án giãn cách không gian nếu lượng khách dồn về quá đông trong cùng một thời điểm.
Tại Hoàng thành Thăng Long, Di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò… hệ thống máy cung cấp dung dịch sát khuẩn, đo thân nhiệt, khai báo y tế... được trang bị ở ngay cổng vào.
Lác đác du khách
Tuy nhiên, những ngày đầu mở cửa, những khu di tích hay cơ sở tôn giáo khá vắng vẻ du khách thập phương. Bà N.Hà – chủ quán bán đồ lễ trên dọc đường đi vào phủ Tây Hồ chia sẻ: “Chúng tôi đóng quán gần một tháng nay. Phủ Tây Hồ mở cửa trở lại, tôi mừng quá sửa soạn hàng hóa tươm tất để đón khách. Tôi nghĩ đông khách tới phủ nên đã huy động các con, cháu phụ bán hàng. Vậy nhưng, những ngày đầu mở cửa lễ xuân, lác đác người đi lễ. Tôi thấy hẫng hụt”.
Cùng tâm trạng của bà Hà, anh Xuân Khôi - thường tổ chức các đoàn đi lễ chùa quanh Hà Nội cho hay: “Năm trước vào tháng xuân, tôi tổ chức vài chục chuyến đi lễ du xuân. Năm nay, dù các cơ sở tôn giáo, di tích mở cửa gần 1 tuần mà tôi mới nhận được 1 chuyến với đoàn khách hơn 10 người đi chùa Hương. Hết tháng Giêng, có khi lượng khách đi lễ còn ít hơn”.
Chị Trần Thị Trang – chủ nhà hàng tại chùa Hương cũng dè dặt: “Kinh tế khó khăn, e ngại dịch bệnh, dự kiến lượng người đi lễ giảm mạnh so với mọi năm. Mùa lễ xuân năm nay, tôi đặt giảm một nửa số lượng thực phẩm. Nhân viên, tôi cũng cắt giảm một nửa. Nếu không, tôi không đủ trả lương nhân viên, lương thực đặt nhiều, để lâu hỏng thì tiếc của lắm!”.
Có thể thấy, các điểm di tích, cơ sở tôn giáo không đông du khách thập phương tới lễ như mọi năm. Bà Nguyễn Hồng - Trung tâm Tâm lý Hà Nội phân tích: “Một phần ngày xuân đã qua gần 1 tháng, niềm hứng khởi du xuân đã giảm, cộng thêm việc người dân đang tập trung cho công việc khi cơ quan hoạt động trở lại chạy đua nước rút quý 1 trong năm. Một nguyên nhân nữa, dịch bệnh khiến người dân thận trọng đến chỗ đông người. Kinh tế thu nhập sụt giảm khiến họ… “chùn bước” du xuân, đi lễ đầu năm”.