Dù không có con nối dõi nhưng Vua Bỉ và Hoàng hậu “Lọ Lem” vẫn viết lên chuyện tình cổ tích

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Giữa chốn thâm cung nội chiến vẫn có những tình yêu son sắt khiến hậu thế nhiều đời sau cũng phải trầm trồ ngưỡng mộ. Đó chính là chuyện tình của vợ chồng nhà Vua Bỉ Baudouin (1930-1993) và vợ của ông là Fabiola (1925-2014).
Vua Baudoin bên hoàng hậu Fabiola.
Vua Baudoin bên hoàng hậu Fabiola.

“Cô bé Lọ Lem” thành mẫu nghi thiên hạ

Baudoin là con trai cả của Vua Bỉ Leopold III và Công chúa Astrid của Thụy Điển. Năm lên 5 tuổi, mẹ ông - Nữ Hoàng Astrid đột ngột qua đời sau một tai nạn giao thông. Ông lớn lên khi Chiến tranh Thế giới thứ hai diễn ra, trong thời gian gia đình ông trải qua các vụ đánh bom, Đức quốc xã trục xuất, buộc tội phản quốc và lưu đày. Chưa dừng lại ở đó, Vua Baudouin còn phải tập làm quen với cuộc sống cùng mẹ kế khi bố ông là Vua Leopold III tái hôn.

Thế nhưng, Vua Leopold III bị buộc phải thoái vị vì không được lòng dân và năm 1951, ở tuổi 21, Baudouin chính trở thành vị vua thứ 5 của nước Bỉ. Làm vua, có cả thiên hạ trong tay nhưng ông Baudouin luôn chìm trong nỗi buồn và cô đơn, không chỉ bởi vì những chuyện trong quá khứ mà còn do ông chịu đựng nhiều áp lực khi phải sống dưới ánh mắt soi mói của giới truyền thông.

Baudouin bị sức ép khá nặng nề là phải có con trai để nối dõi. Tuy nhiên, mãi đến năm 30 tuổi, Baudouin mới có mong muốn lập gia đình và nói nguyện vọng này của mình tới nữ tu sĩ có tên Veronica O’Brien bởi ông là một người sùng đạo. Sau đó nữ tu sĩ này đi nhiều nơi để tìm vợ cho vua với điều kiện: Người đó phải tin vào Công giáo.

Đầu năm 1960, vua Baudouin có chuyến công du Tây Ban Nha, tại đây ông đã gặp cô gái 32 tuổi Fabiola de Mora y Aragon trong bữa tiệc hoàng gia nước này chào đón ông. Khi đó, Fabiola đang là y tá chăm sóc trẻ nhỏ tại một bệnh viện tại Tây Ban Nha và làm việc từ thiện tại một nhà thờ ở Madrid.

Fabiola là một trong số 7 người con của một gia đình quý tộc sống trong tòa lâu đài lộng lẫy ở Marid (Tây Ban Nha). Ngoài tiếng Tây Ban Nha, Fabiola còn thông thạo tiếng Pháp, Hà Lan, Anh, Đức và Italia. Từ nhỏ, Fabiola được bố mẹ cho học rất nhiều về nghệ thuật, văn học và âm nhạc, giáo lý đạo Thiên chúa để cầu nguyện cho người khác.

Mỗi tối, cả nhà bà bao gồm bố mẹ, những đứa trẻ và người hầu đều tụ lại để cầu nguyện trước khi các đảng phái chính trị nổi dậy gây ra chiến tranh khiến cả gia đình bà phải lưu vong đến Thụy Sĩ. Dù hoàn cảnh khó khăn, Fabiola vẫn có thể tiếp tục việc học của mình.

Vì có dòng dõi quý tộc nên trong buổi tiệc có sự xuất hiện của Vua Baudouin, Fabiola đã cùng đến dự với Công chúa Tây Ban Nha. Tại bữa tiệc, thay vì để ý đến Công chúa, Vua Baudouin lập tức bị thu hút bởi Fabiola với dáng người cao, thanh mảnh nhưng lại tràn đầy sức sống và rất thông minh.

Ngay lập tức Vua Baudouin nhờ nữ tu sĩ Veronica O’Brien tìm hiểu về thân thế cô gái này. Sau đó Veronica O’Brien đã mời Fabiola đến thăm bà ở Bỉ và thúc giục cô đồng ý kết hôn với Baudouin. “Lúc đó tôi đã rất tức giận bởi hôn nhân đâu thể bị người khác điều khiển như vậy. Thế nhưng không hiểu sao tôi lại quyết định đến Brussels để tìm hiểu về Baudouin”, Fabiola kể lại thời điểm quen biết của hai người.

Chuyến đi đến Bỉ của Fabiola đã khiến cuộc đời của bà sang một trang mới. Chính vẻ điển trai, nói chuyện cuốn hút của vị vua trẻ tuổi đã khiến Fabiola đổ gục. Từ đó, cả hai trở nên thân thiết hơn. Vào ngày 15/12/1960, Baudouin và Fabiola chính thức kết hôn. Hoàng hậu Fabiola được người dân Bỉ gọi là “cô bé Lọ Lem” nhằm so sánh cuộc đời bà giống với nhân vật trong chuyện cổ tích, chớp mắt đã cưới được nhà vua và trở thành mẫu nghi thiên hạ.

Bức ảnh chụp hoàng đế Baudouin và "cô bé Lọ Lem" thời trẻ.

Bức ảnh chụp hoàng đế Baudouin và "cô bé Lọ Lem" thời trẻ.

Lận đận chuyện con cái

Từ đó, công chúng ở Bỉ và trên khắp thế giới đều không khó bắt gặp những khoảnh khắc tình cảm của vợ chồng Vua Baudouin. Mỗi khi ra ngoài cùng nhau, họ sẽ nắm chặt tay và thỉnh thoảng trao cho đối phương ánh mắt trìu mến, chứa chan tình yêu thương khiến ai cũng phải ghen tị.

Vua Baudouin và Hoàng hậu Fabiola luôn mơ về một gia đình lớn tràn ngập tiếng cười trẻ con. Tiếc thay, sau khi kết hôn, hoàng hậu Fabiola liên tiếp sảy thai 3 lần. Sau nhiều lần kiểm tra sức khỏe, các bác sĩ kết luận nếu bà sinh con, cơ hội sống chỉ còn lại 5%. Bất chấp lời cảnh báo, Fabiola tiếp tục mang thai thêm 2 lần nữa, nhưng cứ qua được tháng thứ 3, cơ thể bà lại đào thải. Mỗi lần vợ sảy thai, nhà vua rất đau khổ nhưng đến khi không giữ được đứa con thứ 5, ông mới không cho phép vợ đánh đổi tính mạng để mang thai nữa.

Năm 1990, dự luật cho phép phá thai đứng trước ngưỡng được Quốc hội thông qua khiến cặp đôi hoàng gia không khỏi lo lắng. Trong suốt cuộc đời mình, cả hai mong mỏi sinh được con nhưng lại nhiều lần chứng kiến các con của mình chết từ khi còn nằm trong bụng mẹ. Vua Baudouin sử dụng tất cả quyền lực của mình để ngăn cản Quốc hội thông qua dự luật. Tuy nhiên, nội các lại từ chối yêu cầu của nhà vua và đẩy nhanh tiến trình thông qua và áp dụng dự luật.

Bị dồn đến chân tường, vợ chồng Vua Baudouin đã quyết định làm một việc trọng đại chưa từng có trong lịch sử hoàng gia. Năm 2008, Hoàng hậu Fabiola lần đầu tiên công khai chia sẻ về nỗi đau mất con. “Bản thân tôi đã mất đi 5 đứa con. Bạn sẽ học được điều gì đó nếu như trải qua điều tương tự. Tôi có vấn đề trong tất cả những lần mang thai nhưng bạn biết đó, cuối cùng thì cuộc sống này vẫn rất tuyệt vời”, Hoàng hậu Fabiola trải lòng với cả thế giới.

Đối với vợ, Vua Baudouin từng nói với bà rằng: “Đừng quan tâm tới việc em không thể sinh con. Vợ chồng chúng ta có thể biến tình yêu nhỏ thành tình yêu lớn dành cho những trẻ em khác”. Đây chính là lý do sau này họ đã thành lập một bệnh viện cho trẻ em và một trung tâm dành cho các trẻ em bị mắc bệnh tâm thần. Để trấn an tâm lý của vợ và cả Hoàng gia, Vua Baudouin vào năm 40 tuổi đã quyết định sẽ nhường ngôi lại cho em trai là Hoàng tử Albert sau khi ông qua đời.

Khi không còn đặt nặng chuyện sinh con nối dõi, vợ chồng Vua Baudouin thực hiện lời mình nói, tích cực tham gia các hoạt động xã hội, như chống tệ nạn mại dâm, đấu tranh cho quyền lợi của phụ nữ ở các nước đang phát triển... Đi đâu họ cũng có nhau, cùng ăn, cùng đọc sách hay săn bắn và trượt tuyết. “Lúc nào họ cũng quấn quýt bên nhau, bịn rịn không rời”, một cận thần của vua cho biết.

Năm 1993, sức khỏe của Vua Baudouin chuyển biến xấu vì ảnh hưởng từ cuộc phẫu thuật tim nhiều năm về trước. Trong suốt những năm tháng cuối đời của chồng, Hoàng hậu Fabiola luôn túc trực bên giường bệnh để chăm sóc, động viên và cùng ông vượt qua đau đớn bệnh tật. Đó cũng là khoảng thời gian họ gắn kết hơn bao giờ hết.

Thế nhưng, điều gì đến cũng phải đến, Vua Baudouin lên cơn đau tim rồi qua đời ngay trong chuyến đi nghỉ dưỡng ở biển với vợ vào ngày 31/7/1993. Hầu hết tất cả những người đứng đầu giới chức trách đều đến dự đám tang của Vua Baudouin. Họ bị ấn tượng và cảm động trước tình yêu của Hoàng hậu Fabiola dành cho nhà vua quá cố. Bà mặc chiếc đầm trắng tinh khôi, ngân nga khúc hát đưa tiễn chồng về với vòng tay của Chúa.

Sau khi chồng mất, Hoàng hậu Fabiola đã rời khỏi cung điện hoàng gia để đến sống tại lâu đài Stuyvenbergh và hạn chế xuất hiện trước công chúng. Tuy nhiên bà vẫn tiếp tục thực hiện những sứ mệnh dang dở của chồng với cộng đồng. Từ những đóng góp này, năm 2001, bà được nhận Huy chương Ceres do Tổ chức Nông-Lương Liên Hiệp quốc trao tặng vì những đóng góp to lớn nhằm cải thiện đời sống của phụ nữ nông thôn ở các nước đang phát triển.

Ngày 12/5/2014, bà qua đời ở tuổi 86. Tên của bà được các thợ làm bánh Tây Ban Nha đặt cho một loại bánh mì ra đời cách đây hàng chục năm và hiện vẫn bán ở nước này. Trước đó, nhà thám hiểm Guido Derom đã đặt tên cho một ngọn núi được phát hiện ở Nam Cực là “Núi Hoàng hậu Fabiola” vào năm 1961.

Đọc thêm