Dùng tên danh nhân đặt tên phố là một nét văn hóa không chỉ có ở Việt Nam mà nhiều nước trên thế giới cũng áp dụng; điều này vừa góp phần tôn vinh danh nhân và cũng để tri ân người có công. Nhưng Hà Nội đang có chủ trương đặt tên phố, tên đường bằng các dãy số tự nhiên, thay vì tên của các danh nhân, nghệ sĩ... Liệu việc làm này có “đứt gãy” và xa lạ với cách đặt tên truyền thống và khoa học trong việc quản lý hành chính, cũng như chỉ dẫn địa lý?.
Phù hợp với công nghệ số hóa
Theo thông báo về đề xuất đặt tên và điều chỉnh độ dài một số tuyến phố, công trình công cộng trên địa bàn thành phố năm 2017 của Văn phòng UBND TP Hà Nội, lãnh đạo thành phố giao Sở Văn hoá Thể thao (cơ quan thường trực Hội đồng xét đặt tên đường phố) thống kê số lượng thực tế đường phố chưa có tên cần đặt để đề xuất đặt tên cho phù hợp với cấp độ, quy mô tuyến đường. “Nghiên cứu đặt tên theo số để phù hợp cho việc áp dụng công nghệ số hoá trong quản lý, ứng dụng sau này” - thông báo nêu.
Thành phố cũng giao Sở Văn hóa kiểm kê, đánh giá tình hình đặt tên đường phố và công trình công cộng từ năm 2002 đến nay, từ đó thiết lập ngân hàng tên đường phố theo các dạng, có sự phân loại theo thứ tự ưu tiên đặt trước, sau. Hồ sơ trình đề nghị đặt tên đường, phố cần có báo cáo tác động kinh tế - xã hội, phân rõ trách nhiệm các bên sau khi HĐND TP thông qua và ban hành nghị quyết về đặt đổi tên đường phố và công trình công cộng.
Theo lãnh đạo Hà Nội, việc đặt, đổi tên đường, phố được thực hiện hàng năm, căn cứ thực tiễn và nhu cầu của quận, huyện, thị xã. Việc này tác động đến kinh tế - xã hội và sinh hoạt của nhân dân (thay đổi giấy tờ, thủ tục hành chính, kinh phí duy tu bảo dưỡng…), do đó thành phố yêu cầu Sở Văn hoá - Thể thao cân nhắc, lựa chọn xây dựng hồ sơ với số lượng nhất định để trình vào kỳ họp HĐND giữa năm hoặc cuối năm. Lãnh đạo thành phố cho rằng, việc này nên 1-2 năm trình một lần và mỗi lần trình khoảng 10-20 tên.
Với một đô thị 10 triệu dân, việc đặt tên đường phố thế nào để đảm bảo ổn định và dễ tìm là quan trọng nhất. Bởi, mỗi tên phố không đơn thuần chỉ là định danh cho một con đường mà còn nó gắn với những giao dịch dân sự của người dân sinh sống và làm việc trên con phố đó. Với gần 1.200 đường, phố đã được đặt theo tên địa danh và danh nhân, con số này sẽ còn tăng lên nữa theo sự phát triển của đô thị.
Quỹ tên đường phố đang cạn dần
Hiện tại quỹ tên đường Hà Nội có hơn 500 tên danh nhân, khoảng hơn 2.400 tên lấy từ tên di tích đã xếp hạng. Trong khi đó, nhu cầu đặt tên đường phố mới từ nay tới năm 2030 dự kiến cần khoảng 500 tên đường mới. Theo ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở Văn hóa -Thể thao Hà Nội: “Sở khởi động ngân hàng dữ liệu tên phố từ năm 2015 nhưng đang phải sắp xếp và phân loại. Sắp tới, chúng tôi hội thảo lấy thêm ý kiến nhà khoa học về vấn đề này”.
Còn nhớ, khi HĐND TP Hà Nội thông qua Nghị quyết đặt tên hai phố Mạc Thái Tổ, Mạc Thái Tông, dư luận đã có nhiều ý kiến trái chiều. Hay khi đặt tên phố Nhật Chiêu (quận Tây Hồ), không ít người dân phản ứng vì cho rằng nó xa lạ trong tiềm thức người dân. Phải đến khi được giải thích rằng đây là tên cổ của làng Nhật Tân, mọi chuyện mới thông.
“Mỗi khi chuẩn bị đặt tên phố mới là ngành Văn hóa rất lo. Nhiều nhà khoa học, chuyên gia trong lĩnh vực khoa học xã hội ít nhiều cảm thông cho cái khó của ngành Văn hóa khi tham mưu cho thành phố đặt tên phố, tên đường”- Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội Trương Minh Tiến than phiền.
Cho đến nay, trên địa bàn thành phố có 929 đường, phố đã được đặt tên; trong đó, gần một nửa là tên các danh nhân. Và “ngân hàng” tên danh nhân để đặt cho các đường phố đang cạn dần. Năm 2014, HĐND thành phố có hai nghị quyết về việc đặt tên phố, nhưng đến năm 2015, đã “co” lại, chỉ còn một.
Trong một hội nghị bàn về “Nâng cao chất lượng đặt tên đường, tên phố” mới đây, Tiến sĩ Phạm Quốc Quân, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa cho rằng đang có nhiều vấn đề đặt ra cho các đô thị mới. Đó là, sự thiếu nhất quán trong cách đặt tên; là sự tràn lan những tên gọi nước ngoài, mang nặng tính tự phát, gây một sự phản cảm ghê gớm trong công chúng. “Trong các khu đô thị mới ấy, việc đặt tên đường, tên phố như thế nào cũng cần sớm thống nhất và triển khai để tiện ích cho người dân và đảm bảo cho công tác quản lý đô thị” - Tiến sĩ Quân đề nghị.
Bên cạnh đó, việc đặt tên đường, tên phố ở các làng xã và đô thị hóa thành phường cũng như các đường giao thông nông thôn, những tuyến đê có kết hợp giao thông… cũng là những vấn đề đặt ra, khi số lượng các con đường ấy ngày càng nhiều trước chủ trương xây dựng nông thôn mới của Đảng, Nhà nước và của Hà Nội. Hà Nội hiện vẫn còn nhiều tuyến đường, phố đã đưa vào sử dụng từ lâu, nhưng vì những lý do khác nhau nên đến nay vẫn chưa có tên gọi gây không ít phiền phức đối với cộng đồng.
Khi con số thành tên phố
Thực tế từ khi Hà Nội mở rộng diện tích tại các khu ngoại ô như Mỹ Đình, Long Biên, Gia Lâm, thành phố đã cho phép một số quận, huyện thí điểm đặt tên phố theo số, chẳng hạn: Mỹ Đình 1, Mỹ Đình 2, Trung Yên 1, Trung Yên 2… Về việc chèn thêm số vào tên đường, tên phố, các nhà chuyên môn từng nói chỉ có thể áp dụng cho tên địa danh, không thể áp dụng với tên người. “Với hệ thống tên phố đặt theo danh nhân thì không nên đưa thêm số vào, như thế sẽ chỏng chơ và rất khó tìm” - GS Nguyễn Quang Ngọc, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam bày tỏ.
Theo kiến trúc sư Đoàn Bắc, việc đặt tên đường, phố theo số sẽ là khoa học, thuận tiện cho cư dân thành phố (kiểu như New York). Còn với Hà Nội, nếu làm thì chỉ làm ở các khu đô thị mới, nhưng như thế lại thiếu đồng bộ. Vì sao? Vì Hà Nội tuy là thành phố lớn nhưng tỷ lệ ngoại thành rất cao, nếu đổi hết tên cho đồng bộ thì sẽ dẫn đến thực trạng “làng giống như phố và phố cũng như làng”. “Ngoài ra, việc thay tên đường phố là thay hết mọi giấy tờ, tốn kém, phiền toái kinh khủng. Chúng ta không thể so sách với Mỹ hay châu Âu khi mà hệ thống quản lý của chính quyền bến đó hiện đại hơn, nên sự thay đổi ko quá phiền toán” - kiến trúc sư Đoàn Bắc nói.
Chính bởi vậy, điều dư luận qua tâm hơn cả là Hà Nội sẽ triển khai đặt tên đường theo số ở khu vực nào và có thay đổi ở những tuyến đã đặt tên? Về vấn đề này, ông Trương Minh Tiến, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội cho biết, hiện Sở đang lên phương án, tuy nhiên việc đặt tên số cho phố chỉ nên đặt ở tuyến phố mới và không thay đổi tên phố đã có vì sẽ kéo theo nhiều vấn đề liên quan đến giấy tờ, hộ khẩu...
Thực tế, để triển khai việc đánh số cho tuyến phố, Hà Nội cũng đã điều chỉnh Quy chế đặt, đổi tên đường phố nhưng mới áp dụng khu đô thị. Quy chế đã ban hành nhưng chưa thấy quận nào đề xuất về đặt tên theo số trong khu đô thị. Thời gian tới Sở Văn hóa -Thể thao sẽ tăng cường hướng dẫn cho các quận huyện đặt tên số trong khu đô thị sao cho thuận tiện.
* GS.TS Nguyễn Quang Ngọc, thành viên Hội đồng tư vấn đặt và đổi tên đường, phố Hà Nội
“Các nước trên thế giới đã đặt tên phố theo số rất nhiều rồi, nhiều nơi thậm chí xếp theo mã vùng. Việt Nam ngày trước, ngay các làng, xã cũng đánh số xóm 1, 2, 3, 4. Tên truyền thống với tên mới đã song song tồn tại ở các địa phương nhiều rồi. Cho nên chọn tên hay số tùy thuộc đặc điểm khu phố mới, có thể căn cứ yêu cầu của địa phương, không nên áp đặt. Nên chọn tên phố thế nào tiện trong cho đời sống sinh hoạt là được”.
* Anh Nguyễn Phúc Thuận (Mỹ Đình, Hà Nội):
“Tôi nghĩ rằng Hà Nội nên đặt tên đường, phố theo tên danh nhân như một cách vừa tưởng nhớ những gì họ đã đóng góp cho đất nước, vừa dễ nhớ, dễ tìm. Nếu đặt theo số thì ai cũng thấy dễ rồi, nhưng ngược lại sẽ khó nhớ hơn và nhìn vào sẽ thấy như một cái ma trận hay trục tọa độ vậy, vô hình sẽ đánh mất một nét đẹp trong văn hóa. Chẳng hạn, bây giờ có địa chỉ thế này: số nhà 20, ngách 293/58 đường 3217, thử hình dung việc tra bản đồ giấy, hay đi hỏi đường hoặc đi du lịch thì sẽ khó khăn, phiền phức thế nào?”.
* Ông Nguyễn Hữu Thành (quận Ba Đình, Hà Nôi):
Tôi rất đồng tình với việc Hà Nội có dự kiến việc đặt tên đường, tên phố theo số vì nó đơn giản, dễ tìm địa chỉ, khỏi phải hỏi thăm người khác. Nhìn sang nước láng giềng Campuchia thôi, tôi từng du lịch sang đó, đi đường cũng thoải mái. Bởi vậy, trong cách đặt tên đường phố, cá nhân tôi mong các cơ quan chức năng nên xem xét một cách thận trọng để đỡ gây phiền phức cho dân.
* TS Lưu Đức Hải, nguyên Cục trưởng Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng):
Thủ đô Hà Nội và nhiều đô thị khác ở Việt Nam đều chú trọng đặt tên đường phố từ tên danh nhân, các nước trên thế giới cũng vậy. Nhưng những thành phố lớn, đường ngang, lối dọc ở Trung Quốc, Mỹ, Pháp… cũng chưa bao giờ cạn quỹ tên vì họ có cách riêng: đặt tên danh nhân, đặt theo cả số và địa danh.
Có hai cách mà thế giới vẫn thường áp dụng: đặt theo tên danh nhân, anh hùng dân tộc, những người có công với đất nước hoặc là đặt theo số, chữ cái để tìm trong hệ tọa độ đường ngang - đường dọc. Đường ngang theo số thứ tự tăng dần, còn chiều kia thì đặt theo bảng chữ cái để người dân dễ tìm. Ở New York (Mỹ), tất cả đường ngang được đánh số 1, 2, 3; đường dọc đặt là a, b, c... Còn đường trục Bắc - Nam lâu đời nhất được đặt Broadway là tên chữ.
Ở nhiều thành phố, để người dân dễ tìm được số nhà, dưới bảng tên đường phố còn có mũi tên chỉ sang phải đến số nhà bao nhiêu, chỉ sang trái đến số nhà bao nhiêu. Cách làm này rất tiện, giúp người dân dễ tìm được số nhà.