Loạt tour du lịch cuối tháng 10, tháng 11 sẵn sàng
Các tỉnh thành đã công bố các sản phẩm du lịch để phục vụ du khách trong những tháng cuối năm. Từ Hà Nội, loạt tour du lịch Hà Giang, Bắc Giang… có thể khởi hành vào cuối tháng 10, đầu tháng 11. Đơn cử, hành trình “Tây Yên Tử - theo dấu chân Phật hoàng” kéo dài 1 ngày cho đoàn 20 người của Công ty Lữ hành Hanoitourist là một trong những tour du lịch liên tỉnh đầu tiên xuất phát từ Hà Nội sau thời gian dài giãn cách.
Còn tại TP. Hồ Chí Minh, các tour du lịch Củ Chi, Cần Giờ, Tây Ninh, Quảng Bình… cũng đã bắt đầu nhận khách trở lại. Đáng nói, một số chương trình thí điểm đến các “vùng xanh” từ TP. Hồ Chí Minh đã được mở trong khoảng một tuần nay, ví như tour tri ân lực lượng tuyến đầu chống dịch đến Cần Giờ, Củ Chi của Công ty Dịch vụ Lữ hành Saigontourist, tour khép kín thí điểm giữa TP. Hồ Chí Minh – Tây Ninh của Công ty Du lịch Saco, tour du lịch “bong bóng khép kín” từ TP.Hồ Chí Minh – Quảng Bình của Công ty Oxalis... Theo đó, nhiều hướng dẫn viên và nhân viên các công ty du lịch ở TP.Hồ Chí Minh đều chia sẻ sự hào hứng được quay trở lại công việc.
Tại Đà Nẵng, UBND thành phố đang đề nghị Thủ tướng Chính phủ thống nhất cho phép Đà Nẵng được tổ chức đón và phục vụ khách quốc tế theo phương án riêng từ tháng 11/2021 bởi địa phương đã thực hiện tốt công tác kiểm soát dịch. Cụ thể, trong tờ trình, Chủ tịch UBND thành phố cho rằng, Đà Nẵng đứng thứ 8/63 tỉnh, thành phố có tỷ lệ tiêm vắc-xin cao nhất cả nước. Do vậy, để từng bước khôi phục hoạt động du lịch, thực hiện quyết liệt mục tiêu kép của Chính phủ, Đà Nẵng không muốn để mất cơ hội khai thác thị trường khách du lịch quốc tế so với các điểm đến trên thế giới đang bắt đầu mở cửa mạnh mẽ.
Ở những địa phương khác cũng có những kế hoạch khởi động du lịch trong thời gian tới theo mô hình an toàn. Sở Du lịch Kiên Giang đang trình UBND tỉnh về việc chuẩn bị triển khai kế hoạch phục hồi và thu hút khách du lịch nội địa đến Kiên Giang bắt đầu từ tháng 11/2021. Theo tờ trình của Sở Du lịch Kiên Giang, thời gian thực hiện gồm 2 giai đoạn: giai đoạn 1 từ ngày 1 đến 30/11 thí điểm đón khách nội tỉnh, khách ngoài tỉnh từ các địa phương có cấp độ dịch ở mức nguy cơ thấp cấp 1 và trung bình cấp 2. Theo đó, Sở khuyến khích khách đi du lịch mua tour theo chương trình trọn gói của các đơn vị kinh doanh du lịch lữ hành.
UBND tỉnh Bình Thuận đã có văn bản về việc triển khai các hoạt động du lịch trong thời gian tiếp tục phòng, chống dịch COVID-19. Theo đó, các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn được phép mở cửa đón khách du lịch từ ngày 24/10. Đồng thời, tỉnh đồng ý cho Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức chương trình chào đón khách đầu tiên đến Bình Thuận trong giai đoạn bình thường mới và tổ chức buổi gặp gỡ, làm việc với Hiệp hội Du lịch tỉnh nhân dịp kỷ niệm 26 năm Ngày Du lịch Bình Thuận.
Việt Nam là điểm đến văn minh, an toàn
Các tỉnh, thành phố và doanh nghiệp hiện cũng đang kiến nghị Bộ Văn hoá, Thể thao & Du lịch (VHTTDL) sớm ban hành bộ tiêu chí an toàn du lịch áp dụng chung cho cả nước để sẵn sàng đón khách khi hoàn thành việc thí điểm tour khép kín. Trước khi có hướng dẫn chung, một số tỉnh thành đã đưa ra hướng dẫn riêng trên địa bàn để điều chỉnh hoạt động kinh doanh du lịch sớm đi vào quỹ đạo như trước dịch.
Sở Du lịch tỉnh Quảng Bình đã ban hành “Bộ quy tắc ứng xử văn minh Du lịch Quảng Bình” nhằm hướng ngành du lịch hoạt động an toàn và hiệu quả trong thời kỳ bình thường mới. Bộ quy tắc gồm 15 hướng dẫn mang tính chuẩn mực nhằm định hướng cách thức ứng xử văn minh, khuyến nghị những nội dung không phù hợp với đối tượng áp dụng khách du lịch là người Việt Nam và người nước ngoài đến du lịch Quảng Bình; các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động kinh doanh du lịch; cộng đồng dân cư tại các điểm du lịch trong địa bàn tỉnh.
Tất nhiên, khi hoạt động du lịch nội địa đã được mở trở lại trên toàn quốc, việc xúc tiến, quảng bá ra thế giới để đón du khách quốc tế là điều cần làm ngay để ngành du lịch trong nước nhanh chóng bắt kịp tốc độ phục hồi của ngành du lịch trong khu vực và trên thế giới.
Tại toạ đàm trực tuyến giữa Bộ VHTTDL với Đoàn doanh nghiệp cấp cao Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN (US - ABC) mới đây, các doanh nghiệp đề nghị Bộ VHTTDL phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Ngoại giao nên sớm đẩy mạnh một số giải pháp như “hộ chiếu vắc-xin” giữa các quốc gia; hoàn thiện các quy định về xét nghiệm Covid-19; tăng cường kết nối các chuyến bay thẳng từ Việt Nam - Hoa Kỳ; cân nhắc, cho phép triển khai dịch vụ bảo hiểm liên quan đến Covid-19… để làm tiền đề khôi phục ngành du lịch thời gian tới.
Theo hướng dẫn của Bộ VHTTDL, các di tích, bảo tàng chỉ đón tiếp các đoàn tham quan không quá 20 người/đoàn và hướng dẫn viên đã tiêm ít nhất 1 liều vắc xin đối với địa bàn có dịch cấp độ 2. Địa bàn có dịch cấp độ 3 chỉ đón tiếp các đoàn tham quan không quá 10 người/đoàn. Về các hoạt động lễ hội phải giảm 50% số lượng đại biểu theo kế hoạch đối với địa bàn có dịch cấp độ 2. Địa bàn có dịch cấp độ 3 thì chỉ tổ chức phần nghi lễ, không tổ chức các hoạt động hội. Đối với cơ sở, địa điểm biểu diễn văn hóa, nghệ thuật thì giảm 50% số lượng khách đối với địa bàn có dịch cấp độ 2 và giảm 70% số lượng khách đối với địa bàn có dịch cấp độ 3.