Tăng cường sự liên kết để tăng sức đề kháng và phát triển mạnh mẽ; liên kết với hàng không, vận tải, khách sạn, nhà hàng... để xây dựng các chương trình kích cầu du lịch hấp dẫn; chú trọng truyền thông, quảng bá sản phẩm, điểm đến cũng như đổi mới công tác quản lý…Đó là những định hướng của ngành du lịch Lâm Đồng trong thời gian tới nhằm nhanh chóng phục hồi, bứt tốc được ông Nguyễn Viết Vân, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Lâm Đồng chia sẻ với phóng viên PLVN.
Du lịch Lâm Đồng đang khởi sắc trở lại sau dịch... |
Xây dựng chương trình kích cầu hấp dẫn, bảo đảm chất lượng
*Thưa ông Nguyễn Viết Vân, sau Tết Nhâm Dần, du lịch Lâm Đồng đã có những tín hiệu khởi sắc, ông có thể nói cụ thể hơn về những tín hiệu đáng mừng này, nhất là sau thời gian dài “đóng băng” vì Covid-19?
- Sau khi mở cửa đón khách trở lại, ngành du lịch tỉnh Lâm Đồng đã và đang có dấu hiệu phục hồi rất tích cực. Hầu hết các doanh nghiệp kinh doanh du lịch dịch vụ đều mở cửa hoạt động trở lại, lượng khách đến Đà Lạt – Lâm Đồng bắt đầu tăng trưởng trở lại.
Ước tính trong Quý I năm 2022 tỉnh Lâm Đồng đón 1.570.800 lượt khách đến tham quan nghỉ dưỡng, tăng 48,7% so với cùng kỳ 2021. Đây là tín hiệu đáng mừng của ngành du lịch Lâm Đồng trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang còn diễn biến phức tạp như hiện nay.
Để có được điều này, thời gian qua, ngành du lịch tỉnh Lâm Đồng luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát từ Bộ VH-TT&DL, Tỉnh ủy và UBND tỉnh, toàn ngành tập trung thực hiện các giải pháp nhằm phục hồi hoạt động du lịch tỉnh Lâm Đồng năm 2022 theo nguyên tắc thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 nhằm phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh trong trạng thái “Sống chung với dịch Covid-19”.
Các doanh nghiệp kinh doanh du lịch tích cực phát triển các loại hình sản phẩm du lịch như du lịch nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe, tham quan ngoài trời, trải nghiệm những nét đặc trưng về văn hóa, ẩm thực Đà Lạt - Lâm Đồng; liên kết, hình thành và phát triển các tour du lịch theo hướng khép kín nhằm khôi phục và hình thành các chuỗi cung ứng dịch vụ theo tiêu chí đảm bảo an toàn cho du khách và người lao động; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong truyền thông quảng bá xúc tiến du lịch với thông điệp “Du lịch Lâm Đồng - Điểm đến an toàn, tiềm năng và khác biệt”.
Lượng du khách tới TP Đà Lạt (Lâm Đồng) tăng nhanh trong thời gian qua. |
* Du lịch Lâm Đồng đã có những kế hoạch, chuẩn bị như thế nào để sớm phục hồi, bứt tốc thời gian tới, thưa ông?
- Sở VH-TT&DL đã hướng dẫn các đơn vị kinh doanh du lịch mở cửa lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới theo phương án của Bộ VH-TT&DL, chỉ đạo các đơn vị kinh doanh du lịch xây dựng chiến lược kinh doanh trong tình hình mới; nâng cấp cơ sở vật chất kỹ thuật, bảo vệ cảnh quan môi trường, sắp xếp nhân sự phục vụ khách; nghiên cứu phát triển sản phẩm du lịch đáp ứng nhu cầu thay đổi đa dạng của thị trường; tích cực xây dựng, triển khai các gói sản phẩm kích cầu du lịch, tập trung xây dựng những gói sản phẩm du lịch hè, dịp Lễ 30/4, 2/9…
Song song với đó là tăng cường sự liên kết để tăng sức đề kháng và phát triển mạnh mẽ; liên kết với hàng không, vận tải, khách sạn, nhà hàng... để xây dựng các chương trình kích cầu du lịch hấp dẫn về giá, đa dạng về chương trình, bảo đảm chất lượng, uy tín và thương hiệu; đồng thời có những chính sách hoàn hủy, hoán đổi linh hoạt, bảo đảm quyền lợi của khách du lịch nhằm giúp ngành du lịch hồi phục nhanh sau giai đoạn khủng hoảng.
Nhiệm vụ nữa là chú trọng truyền thông, quảng bá sản phẩm, điểm đến. Tổ chức thành công các hoạt động, sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch tiêu biểu trong năm 2022 đã được Sở công bố tại quyết định số 32/QĐ-VHTTDL ngày 8/2/2022 để thu hút khách đến Đà Lạt – Lâm Đồng. Trong đó tiêu biểu là chương trình Tuần Lễ vàng Du lịch Lâm Đồng năm 2022 diễn ra từ ngày 24-30/4/2022.
Cùng với đó là tăng cường khảo sát, kết nối thêm các tour tuyến nội tỉnh và liên tỉnh, tạo nên các sản phẩm dịch vụ du lịch mới phục vụ du khách; Đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số trong ngành Du lịch. Triển khai chương trình “Du lịch an toàn”. Tăng cường triển khai các chương trình quảng bá, xúc tiến du lịch dưới nhiều hình thức, đặc biệt chú trọng công tác e-marketing du lịch.
Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn và nghiệp vụ cho đội ngũ lao động của ngành du lịch nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ, phục vụ đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách du lịch.
Lâm Đồng đang triển khai nhiều chương trình lễ hội kích cầu du lịch. |
8 định hướng nhằm tháo dỡ khó khăn, phục hồi Du lịch
* Sau làn sóng dịch COVID-19, các doanh nghiệp du lịch sẽ đối diện với nhiều thách thức như: khó khăn về thể chế chính sách phù hợp với tình hình mới; khó khăn về nhân lực… Với Lâm Đồng, Sở đã có những định hướng gì để tháo gỡ những khó khăn trên, thưa ông?
- Thứ nhất, đổi mới công tác quản lý nhà nước về du lịch, tăng cường năng lực cạnh tranh của hệ thống doanh nghiệp du lịch. Tham mưu xây dựng cơ chế phối hợp đồng bộ giữa ngành du lịch và các ngành chức năng trên lĩnh vực quản lý du lịch, dịch vụ nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn vệ sinh thực phẩm, môi trường cảnh quan, môi trường xã hội tại các cơ sở kinh doanh du lịch dịch vụ.
Thứ hai, cơ cấu lại thị trường khách du lịch theo hướng bền vững, hiệu quả nhằm vào thị trường khách chất lượng cao, lưu trú dài ngày, chi tiêu cao, cơ cấu thị trường theo phân đoạn nhu cầu: tập trung khai thác thị trường khách du lịch nội địa, đặc biệt là các thị trường khách du lịch truyền thống của tỉnh; mở rộng thu hút thị trường các tỉnh phía Bắc Trung bộ, miền Bắc... thông qua các chương trình liên kết.
Tiếp tục tập trung thu hút khách du lịch quốc tế đến từ các thị trường truyền thống như các nước ASEAN, Đông Bắc Á, Đông Á; mở rộng phát triển các thị trường tiềm năng, có lượng khách du lịch đến Lâm Đồng hàng năm tăng nhanh.
Thứ ba, chú trọng tăng cường liên kết vùng, liên kết địa phương, liên kết ngành và doanh nghiệp; nâng cao chất lượng, cơ cấu lại sản phẩm du lịch, tạo ra sản phẩm mới lạ, độc đáo, bảo đảm an toàn cho du khách... sản phẩm mới cần có tính cá biệt hóa cao, đem lại nhiều giá trị, trải nghiệm thú vị từ đó kích thích nhu cầu du lịch của khách hàng.
Thứ tư, tạo điều kiện, hỗ trợ các doanh nghiệp kinh doanh du lịch, dịch vụ đầu tư phát triển các sản phẩm, dịch vụ du lịch mới phục vụ du khách. Định hướng phát triển các loại hình, sản phẩm du lịch đặc trưng, đặc biệt là các sản phẩm dịch vụ vui chơi giải trí về đêm gắn với Đề án phát triển kinh tế ban đêm.
Thứ năm, đẩy mạnh chuyển đổi số, nhất là trong quản lý, kinh doanh, trong nghiên cứu thị trường, trong tiếp thị và bán sản phẩm du lịch. Nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ, phát triển du lịch thông minh. Triển khai hiệu quả đề án tổng thể về chuyển đổi số trong ngành du lịch đến năm 2030, đề án “Xây dựng thành phố Đà Lạt trở thành thành phố thông minh”…
Thứ sáu, xây dựng các chương trình đào tạo, tập huấn cho nguồn nhân lực phục vụ du lịch, trong đó có các chính sách miễn, giảm học phí cho học viên tham gia các chương trình bồi dưỡng, đào tạo lại, nâng cao tay nghề…
Thứ bảy, tăng cường công tác truyền thông, quảng bá sản phẩm, điểm đến. Trong đó, đẩy mạnh tuyên truyền, thông tin kịp thời về điểm đến an toàn cho khách du lịch và tiếp tục có các giải pháp phòng, chống dịch hiệu quả trên các công cụ, phương tiện truyền thông, mạng xã hội.
Thứ tám, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động toàn dân, du khách nêu cao ý thức trách nhiệm trong giữ gìn vệ sinh môi trường, cảnh quan; văn minh lịch sự trong giao tiếp ứng xử, trong hoạt động kinh doanh; từng bước xây dựng Đà Lạt - Lâm Đồng là điểm đến văn minh - thân thiện - an toàn.
Chú trọng sản phẩm du lịch sinh thái, xanh, nghỉ dưỡng
*Ông có thể cho biết định hướng đa dạng sản phẩm du lịch Lâm Đồng thời gian tới?
- Do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 ảnh hưởng đến thị hiếu của khách du lịch cũng thay đổi, đòi hỏi các đơn vị kinh doanh du lịch phải nghiên cứu thị trường, tạo ra những sản phẩm mới đáp ứng nhu cầu của du khách.
Thời gian tới, ngoài việc đầu tư, khai thác có hiệu quả các sản phẩm du lịch truyền thống của tỉnh là du lịch sinh thái, du lịch tham quan nghỉ dưỡng và phát triển các sản phẩm đặc thù là du lịch thể thao, du lịch mạo hiểm, du lịch canh nông thì các sản phẩm du lịch theo hướng sinh thái, xanh, nghỉ dưỡng chăm sóc sức khỏe sẽ là sản phẩm du lịch được nhiều du khách lựa chọn để kết hợp giữa nghỉ dưỡng với chăm sóc, cải thiện sức khỏe, thể chất và tinh thần.
Sắp tới, chúng tôi tiếp tục nghiên cứu phát triển sản phẩm du lịch đáp ứng nhu cầu thay đổi đa dạng của thị trường; xây dựng các gói sản phẩm kích cầu với các ưu đãi và cam kết về chất lượng; đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất kỹ thuật, đào tạo nhân lực có trình độ chuyên môn nghiệp vụ phù hợp, tạo ra nhiều sản phẩm dịch vụ bổ sung kết hợp với hoạt động du lịch nghỉ dưỡng nhằm phục vụ nhu cầu đi du lịch kết hợp nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe của du khách khi đến Đà Lạt - Lâm Đồng thông qua chuỗi các hoạt động.
Điển hình như các spa, massage trị liệu tại các khách sạn nghỉ dưỡng cao cấp từ 3 đến 5 sao như Dalat Endensee, Dalat Palace, Anamandara, Sacom Tuyền Lâm, Ngọc Lan TTC…; hệ thống tắm bùn, tắm khoáng, spa tại Tea Resort, D’Lats; dịch vụ nghỉ dưỡng kết hợp với hoạt động yoga tại Trung tâm Nghỉ dưỡng và Đào tạo Sivananda Yoga; mở rộng các mô hình tham quan quy trình trồng, chăm sóc, chế biến và thưởng thức các thành phẩm từ cây dược liệu atiso tại Công ty Cổ phần Dược Lâm Đồng (Ladophar), cây chè của Công ty Cổ phần Long Đỉnh, trà atiso và rượu vang của Công ty TNHH Vĩnh Tiến, nấm tại Làng Nấm Đà Lạt…
Bên cạnh đó các hoạt động thể thao trải nghiệm hòa mình vào thiên nhiên như đạp xe trong rừng; chèo thuyền kayak; đi bộ thư giãn khám phá rừng già; leo núi… tại khu du lịch quốc gia hồ Tuyền Lâm, Vườn quốc gia Bidoup Núi Bà, núi Langbiang… sẽ được khách quan tâm, tham gia trải nghiệm, nâng cao sức khỏe.
* Với những định hướng như vậy, năm nay, du lịch Lâm Đồng đặt ra những mục tiêu cụ thể ra sao?
- Trong năm 2022, phấn đấu tổng lượt khách du lịch đến tham quan nghỉ dưỡng tại Lâm Đồng đạt 5,500,000 lượt khách, trong đó khách nội địa đạt 5,350,000 lượt khách, khách quốc tế 150,000 lượt khách, khách du lịch qua đăng ký lưu trú đạt 5,000,000 lượt khách.
Mặc dù tình hình dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp, nhưng với những tín hiệu khả quan vừa qua, cùng với xu hướng mở cửa ngành công nghiệp không khói trên toàn cầu, và đặc biệt là với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, nhân dân tỉnh Lâm Đồng, chúng ta hoàn toàn có cơ sở để hy vọng đạt được mục tiêu đề ra.
*Xin cảm ơn ông!
Nhằm giới thiệu, quảng bá, kích cầu du lịch thu hút khách du lịch đến Đà Lạt - Lâm Đồng, góp phần thực hiện mục tiêu kép “Vừa phát triển kinh tế - xã hội, vừa phòng chống dịch”, đồng thời phục hồi du lịch của tỉnh trong năm 2022 và những năm tiếp theo, Sở VH-TT&DL Lâm Đồng phối hợp với các Sở, ngành, địa phương liên quan đã xây dựng Kế hoạch tổ chức Tuần lễ vàng Du lịch Lâm Đồng năm 2022 với chủ đề “Đà Lạt - Thiên đường nghỉ dưỡng” diễn ra từ ngày 23-30/4/2022.
Ngoài Lễ Khai mạc, Tuần lễ Vàng sẽ có 4 Không gian và các chương trình hưởng ứng; Tổ chức Chương trình khảo sát điểm đến du lịch Ninh Thuận và Hội nghị ký kết hợp tác phát triển du lịch Ninh Thuận - Lâm Đồng giai đoạn 2022 – 2025 từ ngày 05-07/4/2022; tăng cường triển khai các chương trình quảng bá, xúc tiến du lịch dưới nhiều hình thức, đặc biệt chú trọng công tác e-marketing du lịch.