Du lịch mùa dịch - nên đi hay không?

(PLVN) - Trong khi tình hình dịch Covid-19 đã lan rộng hơn 100 quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam, thắc mắc của nhiều người hiện nay có lẽ là nên đi du lịch hay không? Du lịch thế nào cho an toàn? 
Du lịch Ý có an toàn không?
Du lịch Ý có an toàn không?

Mỹ, Anh khuyến cáo du khách đến Ý

Bất chấp những nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh, số ca nhiễm bên ngoài châu Á đã tăng vọt chỉ trong vài tuần qua. Đặc biệt Ý hiện đang là khu vực bùng dịch lớn nhất ở châu Âu. Ban đầu, chỉ có miền Bắc - đặc biệt là khu vực Bologna bị coi là “vùng đỏ” của dịch bệnh. Nhưng từ ngày 9/3, Thủ tướng Ý Giuseppe Conte đã đưa toàn bộ đất nước vào tình trạng phong toả vì số ca nhiễm tiếp tục gia tăng.

Ý hiện có số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 cao nhất châu Âu với 9.172 trường hợp, trong đó 463 người tử vong (tính đến ngày 10/3). Một trong những người đã dương tính với virus này là Alberto Cirio – Thống đốc vùng Piemonte.

Các địa điểm du lịch và trường học đều đóng cửa; trong khi tất cả các sự kiện công cộng và tôn giáo bao gồm đám cưới và đám tang đều bị hủy bỏ. Những hạn chế này sẽ được áp dụng cho đến ít nhất là ngày 3/4.

Một số điểm tham quan nổi tiếng nhất của đất nước, bao gồm Bảo tàng Colosseum và Vatican ở Rome, hiện đang đóng cửa và đường phố vắng tanh, khiến các doanh nghiệp địa phương gặp khó khăn. Các nhà hàng và quán bar đã có thể mở, nhưng chỉ trong khoảng thời gian từ 6 giờ sáng đến 6 giờ chiều. 

Khách du lịch, bao gồm cả những người khởi hành hoặc đến khu vực có dịch bệnh bằng máy bay, đều được xem xét thận trọng. Các cuộc kiểm tra cũng áp dụng đối với hành khách du lịch bằng tàu biển đến thành phố Venice, những du khách quốc tế đang bị cách ly hoặc không thể rời khỏi thành phố có thể được xem xét đưa trở về đất nước của họ. Các nhà chức trách cho biết những người không tuân thủ sẽ phải đối mặt với án tù ba tháng và mức phạt 206 euro (khoảng 5,3 triệu đồng). 

Theo CNN, kể từ ngày thứ hai đầu tuần, British Airways đã hủy hàng chục chuyến bay đến và đi từ các khu vực thuộc miền Bắc Italy. Điều này diễn ra chỉ vài ngày sau khi Delta Air Lines tạm dừng các chuyến bay từ Mỹ đến Milan (Ý). Chuyến bay cuối cùng đã rời New York vào ngày 2/3. 

Hãng hàng không Alitalia của Ý cũng đã tạm thời đình chỉ tất cả các chuyến bay từ Sân bay Malpensa (Milan) bắt đầu từ ngày 9/3. Bộ trưởng kinh tế Ý Roberto Gualtieri gần đây cho biết chính phủ sẽ chi trả 7,5 tỷ euro (tương đương 8.4 tỷ USD) vào nền kinh tế nhằm giảm bớt tác động tàn phá của dịch bệnh. 

Tuy nhiên, những diễn biến gần đây đã khiến nhiều người phải suy nghĩ rằng liệu Ý có còn là một địa điểm an toàn cho khách du lịch? Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã cập nhật trên cổng thông tin chính thức các khuyến cáo du lịch quốc tế, trong đó Ý được đưa vào danh sách các nước Reconsider Travel (Cân nhắc du lịch).

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) cũng đã đưa nước Ý vào danh sách Cảnh báo cấp 3, cùng với Hàn Quốc và Trung Quốc. Đại sứ quán Hoa Kỳ ở Ý tiếp tục theo dõi tình hình sức khỏe ở Ý và khuyến nghị các cá nhân nên tuân thủ hướng dẫn y tế chính thức của Ý và tránh các khu vực bị ảnh hưởng do chính phủ chỉ định. 

Trong khi đó, Văn phòng Ngoại giao Vương quốc Anh đã khuyến cáo người dân nếu không thực sự cần thiết, hãy ngừng tất cả các chuyến du lịch đến vùng Bologna, các tỉnh Modena, Parma, Piacenza, Reggio Emilia, Rimini, Pesaro e Urbino, Alessandria, Asti, Novara, Verbano-Cusio-Ossola, Vercell, Padova, Treviso và thành phố Venice. Bộ Y tế Vương quốc Anh chỉ định tất cả du khách trở về từ miền bắc Italy phải tự cách ly trong 14 ngày ngay cả khi họ không biểu hiện bất kỳ triệu chứng nào.

Như vậy, du lịch tới nước Ý không bị cấm hoàn toàn nhưng du khách đến nước này cần tuân thủ những quy định nghiêm ngặt về phòng chống dịch bệnh. Trong khi các hoạt động du lịch đang được hạn chế ở mức tối đa, có thể thấy đất nước này cũng đang cố gắng duy trì các hoạt động dịch vụ cơ bản để giảm thiểu sự “tàn phá” về mặt kinh tế của dịch bệnh. 

Tây Ban Nha, Đức, Pháp thì sao?

Tính đến nay, các trường hợp nhiễm Covid-19 ở Tây Ban Nha đã tăng lên đáng kể, với hơn 1.000 trường hợp được xác nhận và hơn 30 ca tử vong. Chính phủ Anh đã không cấm hoặc khuyến cáo hủy bất kỳ chuyến đi nào đến Tây Ban Nha.

Hiện khu vực Madrid có số ca nhiễm bệnh cao nhất với 578 người, tiếp đó là Barcelona với 72 trường hợp. Hiện tại, các trường hợp bị cách ly ở khu vực Valencia, bao gồm Benidorm và Malaga, hiện chưa xác nhận trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2 nào. Đây là những địa điểm nổi tiếng với những khu nghỉ mát ven biển. 

Mặt khác, sau khi có thông tin về virus tại Tenerife, chính quyền Tây Ban Nha đang cách ly và xử lý các trường hợp xác nhận nhiễm virus SARS-CoV-2 tại khách sạn H10 Costa Adeje Palace ở Tenerife. Như vậy, dịch bệnh Covid-19 đang tiềm tàng và xuất hiện nhiều hơn ở các điểm du lịch, khiến cho du khách ngày càng trở nên “e dè” hơn.

Chính du khách cũng bị hạn chế hơn khi đi du lịch. Lời khuyên hiện tại của Bộ Ngoại giao Tây Ban Nha cũng yêu cầu du khách và người dân phải tuân thủ những biện pháp được đưa ra bởi các nhà chức trách. 

Tuy vậy, theo tờ The Sun (Anh), Chính phủ Anh không quy định bắt buộc du khách trở về Anh từ Tây Ban Nha phải cách ly. Mặt khác, bởi vì tất cả các chuyến bay vẫn đang hoạt động tại các sân bay lớn; các công dân Anh muốn hủy chuyến du lịch đến Tây Ban Nha đều không được trả lại tiền. Chỉ trong trường hợp Bộ Ngoại giao Anh ra thông báo cấm đi du lịch, các công ty lữ hành sẽ hoàn lại tiền.

Các khách sạn vừa và nhỏ thậm chí không hoàn tiền trong trường hợp này. Đối với các thương hiệu khách sạn lớn, họ có thể trợ giúp thay đổi thời gian lưu trú của du khách hoặc hủy phòng nhưng về mặt pháp lý, họ không có nghĩa vụ phải thực hiện điều này. 

Chính những thông tin này khiến cho du khách đã đặt kế hoạch hoặc đang có ý định đến Tây Ban Nha cảm thấy phân vân. Có thể nói, đất nước này vẫn tự tin mình có thể kiểm soát dịch bệnh cùng với nỗ lực duy trì hoạt động du lịch. Thêm vào đó, du khách đến Tây Ban Nha được khuyến cáo mua bảo hiểm du lịch để đảm bảo trong trường hợp chuyến đi bị hoãn, hủy.

Mặt khác, Pháp đã xác nhận trường hợp đầu tiên nhiễm Covid-19 vào ngày 24/1 tại Bordeaux. Bệnh nhân là một công dân Pháp gốc Trung 48 tuổi, người này đã đến Pháp từ Trung Quốc. Ca tử vong đầu tiên ở Pháp được xác định vào ngày 14/2 tại Paris, cũng là cái chết đầu tiên ở châu Âu. Đến ngày 10/3, 1.412 trường hợp đã được xác nhận dương tính tại Pháp, 30 người tử vong.

Tình trạng dịch bệnh đang diễn biến phức tạp ở Haute Savoie và Oise. Chính phủ Pháp đã đưa ra một loạt các biện pháp bao gồm cấm các cuộc tụ họp có số người tham dự hơn 1.000 người. Chính quyền địa phương cũng tiếp tục thực hiện các biện pháp như giảm thiểu đi lại, đóng cửa các trường học địa phương và hủy bỏ các sự kiện vừa và nhỏ. 

Hiện nay, đất nước này vẫn đề cao phòng chống dịch bệnh. Tuy nhiên, có thể thấy, một số hoạt động du lịch như tham quan, nghỉ dưỡng vẫn được tiếp diễn. Đơn cử, người Anh đến Pháp không cần cách ly khi nhập cảnh; Chính phủ Anh cũng không bắt buộc du khách Anh trở về từ Pháp phải tự cách ly.

Tuy vậy, du khách đến Pháp được khuyến cáo lên kế hoạch kĩ càng với các công ty lữ hành để đến những địa điểm không có dịch bệnh, đồng thời được thông báo các sự kiện họ muốn tham gia có bị hoãn hoặc hủy hay không. 

Theo một diễn biến khác, Viện Robert Koch (Đức) đã đánh giá rủi ro của dịch Covid-19 đối với sức khỏe cộng đồng tại Đức chỉ ở mức độ vừa phải. Theo đó, Bộ Y tế Đức (FMH) tuyên bố Đức đã chuẩn bị sẵn sàng mạng lưới y tế hiện đại để phòng chống và kiểm soát dịch bệnh.

Bộ Ngoại giao Đức cũng cho biết, dù dịch Covid-19 đang lây lan trên nhiều nước trên thế giới, bao gồm cả Đức; tuy nhiên, du khách vẫn có thể du lịch đến Đức, trừ những du khách đến từ Iran, Ý, Nhật Bản, Hàn Quốc hoặc Trung Quốc. Những người đến Đức từ các quốc gia được liệt kê phải cung cấp thông tin về chuyến bay đến, chuyến bay đi và nơi họ ở trong 30 ngày sau khi đến.

Dù vậy, theo Sky News, một số hãng hàng không như British Airways, Ryanair… vẫn đang tự hủy các chuyến bay đến Đức. Trong đó, một số hãng sẽ cũng cấp dịch vụ đặt lại hoặc hoàn tiền miễn phí, một số hãng lại không cung cấp điều này. Như vậy, nếu du khách có kế hoạch đi du lịch đến Đức, họ phải theo dõi cả thông báo từ các hãng hàng không để chắc chắn chuyến bay của họ không bị hãng hủy. 

Thủ tướng Ý Giuseppe Conte:

“Chúng tôi hiểu rằng những biện pháp phòng ngừa dịch Covid-19 sẽ cần nhiều sự hy sinh - đôi khi nhỏ và đôi khi rất lớn. Nhưng đây là lúc chúng ta phải có trách nhiệm với cộng đồng”.

Hans Kluge, Giám đốc khu vực châu Âu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO):

“Chính phủ Ý đã đưa ra các quyết định dũng cảm trong việc ngăn chặn và giảm thiểu rủi ro từ dịch Covid-19 cho người dân của mình. WHO hoàn toàn ủng hộ cam kết của chính phủ tại các bang và khu vực, người dân Ý, tất cả các bác sĩ, y tá và nhân viên y tế ở tuyến đầu ứng phó với dịch bệnh”.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron: 

“Các công dân nên tránh đến thăm người thân trong nhà dưỡng lão bởi những người lớn tuổi có nguy cơ nhiễm virus Corona cao hơn. Chính chúng tôi cũng phải tránh đi thăm người thân cao tuổi của mình càng nhiều càng tốt”.

Bộ Ngoại giao Pháp và châu Âu: 

“Du khách không cần đeo mặt nạ y tế nếu bạn không có bất kỳ triệu chứng nào. Mặt nạ y tế không cần thiết trừ khi bạn tiếp xúc gần hoặc lâu dài với ai đó bị bệnh. Mặt nạ dành riêng cho người bệnh và chỉ được sử dụng khi có chỉ định của bác sĩ, những người tiếp xúc với nguy cơ cao đã được chứng minh, chuyên gia chăm sóc khẩn cấp, chuyên gia vận chuyển y tế và chuyên gia y tế làm việc trong cộng đồng và tại bệnh viện”.

Bộ Y tế Liên bang Đức (FMH): 

“Việc xuất hiện các trường hợp nhiễm Covid-19 ở Đức là sẽ xảy ra. Tuy nhiên, chúng tôi đã chuẩn bị mạng lưới các nhà chuyên môn, phòng khám đặc dụng đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế. Bên cạnh đó, chúng tôi đã có hệ thống thông báo và cảnh báo dịch bệnh nhanh chóng, cùng với các kế hoạch phòng chống kịp thời, quyết liệt để ngăn ngừa dịch bệnh lây lan”.

Đọc thêm