Ưu tiên phòng, chống dịch
Việc phòng, chống dịch đang là ưu tiên hàng đầu, phù hợp với xu thế chung của ngành Du lịch trong nước và trên thế giới. Các điểm đến phải bảo đảm an toàn, tạo sự yên tâm cho du khách, đó là cơ sở để ngành Du lịch xây dựng chiến lược kích cầu phù hợp.
Vì thế, Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã xây dựng Bộ tiêu chí “Du lịch an toàn”, trong đó nhấn mạnh yêu cầu phòng, chống dịch và bảo vệ du khách. Tiếp đó, ngành Du lịch Việt Nam đã xây dựng 3 kịch bản dự báo diễn biến dịch, mỗi thời điểm sẽ có kế hoạch riêng để ổn định thị trường.
Có thể thấy, thời gian qua các tỉnh, thành phố trên cả nước đã nỗ lực thực hiện giám sát, cách ly người đến từ vùng dịch, đồng thời phát khẩu trang miễn phí, cung cấp dung dịch sát khuẩn tay, đo thân nhiệt cho khách khi ra, vào khách sạn…
Từ Tết Nguyên đán 2020 đến nay, số lượng du khách đến Bến Tre giảm mạnh. Theo báo cáo của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch về tác động của dịch bệnh Covid-19 đối với du lịch đến ngày 20/2/2020 cho thấy, hoạt động lưu trú, lượng khách và doanh thu giảm từ 50 - 70%. Các đoàn khách có số lượng khách lớn đi theo tour giảm mạnh.
Các công ty lữ hành trên địa bàn tỉnh duy trì hoạt động nhưng lượng khách không nhiều, chủ yếu là khách lẻ. Tuy nhiên, các gói tour, các tour và các hoạt động kinh doanh du lịch không chỉ ảnh hưởng trong thời gian này mà sẽ còn kéo dài đến tháng 3 và 4/2020 và có thể kéo dài trong thời gian tới.
Việt Nam nằm trong nhóm các quốc gia an toàn
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) vừa cập nhật bảng xếp loại mới nhất mức độ cảnh báo đối với công dân Mỹ khi tới các địa điểm có nguy cơ cao lây nhiễm virus Covid-19.
Danh sách này được xếp tương ứng theo 3 mức độ cảnh báo: cao nhất là mức màu đỏ - Warning level 3, tiếp đến là mức màu vàng - Alert level 2 và sau cùng là Watch level 1 - màu xanh lá.
Tới ngày 26/2, Trung Quốc và miền Nam Hàn Quốc nằm ở mức màu đỏ. Mức vàng bao gồm Iran, Ý và Nhật Bản. Mức xanh lá gồm có là Singapore, Đài Loan (Trung Quốc) và Thái Lan.
Đáng nói, cái tên Việt Nam mới được CDC đưa ra khỏi danh sách này. Điều này có nghĩa Việt Nam đã nằm trong nhóm các quốc gia an toàn, không có bất cứ khuyến cáo, cảnh báo nào đối với người Mỹ về việc du lịch, di chuyển tới Việt Nam thời điểm này.
Thậm chí, đánh giá cao công tác phòng chống dịch Covid-19 khi Chính phủ Việt Nam đã hành động rất nhanh, kiên quyết, hai tổ chức WHO và CDC muốn Việt Nam chia sẻ bài học kinh nghiệm về tổ chức cách ly, ngăn ngừa, điều trị dịch bệnh.
Hoạt động thiết thực nhất là tăng cường vệ sinh phòng dịch thông qua hàng ngày hoặc thường xuyên phun thuốc khử trùng, vệ sinh trong khuôn viên, khu vực bếp ăn, nhà hàng, nhà vệ sinh...; tất cả các nhân viên đều đeo khẩu trang y tế khi giao tiếp với khách, trang bị dung dịch rửa tay, sát khuẩn cho du khách…
Tại các khu, điểm du lịch như: Cồn Phụng, Phú An Khang, Lan Vương,… ; các cơ sở lưu trú trên địa bàn tỉnh, đơn cử Bến Tre Riverside Resort (TP Bến Tre) đều đã áp dụng chặt chẽ những biện pháp phòng ngừa như trên.
Đặc biệt, đối với cơ sở lưu trú, bộ phận lễ tân tại các khách sạn, cũng như homestay đều đề nghị khách quốc tế phối hợp khai báo lịch trình di chuyển để sàng lọc và hỗ trợ khách nếu có biểu hiện nghi vấn. Các hướng dẫn viên du lịch, nhân viên của các di tích, các điểm tham quan cũng sử dụng khẩu trang y tế trong phục vụ khách.
Còn theo Hiệp hội Du lịch tỉnh Thừa Thiên - Huế, qua thống kê cho thấy lượng khách đến Huế giảm khoảng 15% so với trước, dự kiến đến khoảng tháng 3/2020, số lượng khách giảm khoảng 20%. Song, cùng với các thành phố Đà Nẵng, Hội An, tỉnh Thừa Thiên - Huế được du khách đánh giá là điểm đến du lịch an toàn; thời điểm vừa qua đón nhiều du thuyền quốc tế và các đoàn khách nước ngoài đến tham quan.
Gần đây nhất, cảng Chân Mây tỉnh Thừa Thiên - Huế đã liên tiếp đón 3 du thuyền với hơn 4.000 du khách. Tại đây, cảng đã trang bị máy tầm soát thân nhiệt để kiểm tra sức khỏe du khách trước khi nhập cảnh đúng theo quy định của ngành Y tế. Chỉ những du khách có chỉ số sức khỏe bình thường mới được phép lên bờ tham quan.
Mặt khác, trong tháng 2, bình quân mỗi ngày, Di sản Huế đón từ 7.000-8.000 lượt khách, trong đó, khách quốc tế chiếm hơn 6.000 lượt. Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đang nghiên cứu các gói kích cầu như tổ chức “Tuần lễ vàng du lịch tại Di sản Huế”, thực hiện giảm 20-50% giá vé cho các đoàn tham quan điểm di tích.
Đảm bảo an toàn tuyệt đối cho du khách
Thời điểm này, An Giang vẫn đang là điểm đến an toàn, tin cậy, được rất nhiều du khách lựa chọn. Bên cạnh chú trọng tăng cường công tác vệ sinh, phòng, chống dịch bệnh Covid-19, ngành Du lịch tỉnh tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ, đẩy mạnh công tác tái cơ cấu thị trường khách, tìm kiếm các thị trường mới, xây dựng sản phẩm du lịch mới.
Bến Tre - Điểm đến an toàn cho du khách. |
Nhìn chung, lượng khách du lịch đến Châu Đốc tuy có giảm so với cùng kỳ nhưng với sự vào cuộc quyết liệt trong công tác phòng, chống dịch bệnh cùng với việc triển khai hiệu quả các giải pháp xây dựng môi trường văn hóa du lịch thân thiện, an toàn, văn minh, tạo sự tin tưởng, an tâm cho du khách khi đến Châu Đốc nói riêng và An Giang nói chung. Từ ngày 6/2, khách du lịch đến Châu Đốc tăng dần, đặc biệt những ngày cuối tuần.
Quảng Bình cũng chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch Covid-19. Riêng ở Quảng Bình, lượng khách du lịch trong tháng 1, 2 đã hủy tour, hủy tuyến lên đến 94-95%. Tuy nhiên, không phải vì thế mà các đơn vị lơ là trong hoạt động du lịch. Đơn cử, từ đầu năm 2020 đến nay, lượng khách du lịch đến tham quan động Phong Nha giảm rõ rệt.
Theo thống kê của Trung tâm du lịch Phong Nha - Kẻ Bàng, trong 2 tháng đầu năm 2020, lượng khách du lịch giảm hơn 50% so với cùng kỳ những năm trước. Nhiều tour, tuyến, phòng khách sạn dù đã đặt trước nhưng nay đều bị hủy. Riêng tại các điểm du lịch nổi tiếng như động Phong Nha, Tiên Sơn, Thiên Đường mỗi ngày đón khoảng 300 khách, trong khi thời điểm này mọi năm có khoảng 1.200-1.500 khách tới tham quan.
Theo đại diện Trung tâm du lịch Phong Nha - Kẻ Bàng, hiện Trung tâm đã phối hợp với các đơn vị chức năng thực hiện biện pháp tiêu độc khử trùng nhằm phòng chống dịch bệnh. Ngoài ra, đội ngũ hướng dẫn viên thường xuyên tuyên truyền, vận động du khách giữ gìn vệ sinh để phòng dịch với quan điểm an toàn của du khách là trên hết.
Với mục tiêu đảm bảo an toàn tuyệt đối cho khách du lịch và người dân, thời gian qua, ngành Du lịch, ngành Y tế và các doanh nghiệp lữ hành, vận chuyển, khách sạn, nhà hàng và đơn vị quản lý các điểm di tích trên toàn quốc đã nghiêm túc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch cho du khách nhằm tạo niềm tin, bảo đảm sự an toàn cho du khách.
Đó cũng là trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức như chính quyền địa phương, các hiệp hội, doanh nghiệp tới từng cá nhân như người dân, hướng dẫn viên, người lao động trong ngành Du lịch đều phải nêu cao vai trò của mình trong vấn đề quảng bá để cho du khách nội địa, cũng như bạn bè quốc tế an tâm về Việt Nam - điểm đến an toàn, thân thiện và chất lượng.
Ông Lê Quang Tùng - Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch:
“Trước thách thức của dịch Covid-19, ngành Du lịch Việt Nam cần bình tĩnh ứng phó, coi đây là thời cơ để toàn ngành tái cơ cấu, thúc đẩy phát triển thị trường tiềm năng bù đắp cho lượng khách truyền thống bị hao hụt.
Các đơn vị có dịp nhìn lại sự phát triển, hướng tới việc cải thiện chất lượng dịch vụ, sản phẩm du lịch; tăng cường công tác liên kết giữa các đơn vị; tổ chức quảng bá du lịch Việt Nam một cách bài bản, trong đó nhấn mạnh Việt Nam - điểm đến an toàn, thân thiện với du khách trong và ngoài nước”.
Ông Phan Ngọc Thọ - Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế:
“Chúng tôi tiếp tục nâng cao chất lượng điểm đến để khẳng định Huế vẫn là điểm đến an toàn và thân thiện. Tôi nghĩ điều đó hết sức quan trọng, để người khách du lịch yên tâm đến thưởng ngoạn, du lịch tại Thừa Thiên - Huế.
Bên cạnh đó, sẽ có gói kích cầu liên quan giảm giá về tham quan, làm việc với các tour với các đơn vị lữ hành, đơn vị hàng không để giảm giá vận tải từ quốc tế cũng như trong nước, từ TP Hồ Chí Minh, từ Hà Nội đến Huế”.
Ông Trần Quốc Tuấn - Phó Chủ tịch UBND TP Châu Đốc:
“Lượng du khách tăng là tín hiệu đáng mừng nhưng không vì thế mà chủ quan, thành phố luôn kiên định thực hiện chặt chẽ, quyết liệt công tác phòng, chống dịch bệnh, nhằm đảm bảo an toàn sức khỏe cho người dân địa phương và du khách”.
Ông Trương Quốc Phong - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bến Tre:
“Tất cả những đặc điểm về tự nhiên cũng như các giải pháp phòng dịch chặt chẽ của nước ta là cơ sở chứng minh du lịch Việt Nam, trong đó có Bến Tre là điểm đến an toàn cho du khách. Bến Tre với sản phẩm đặc trưng du lịch sinh thái sông nước gắn với nông nghiệp xanh, sạch, thân thiện với môi trường là lựa chọn tin cậy của du khách.
Ngành Du lịch cùng các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh du lịch chung tay thực hiện các giải pháp an toàn phòng dịch, chỉnh trang điểm đến và thực hiện các giải pháp kích cầu để tạo sự tin tưởng cho du khách”.
Ông Nguyễn Công Hoan – Trưởng ban Truyền thông Hiệp hội Du lịch Việt Nam:
“Thời gian vừa rồi, ngành Du lịch gần như tê liệt, xuất phát từ tâm lý lo ngại của du khách. Để kích cầu du lịch thì đầu tiên chúng ta phải tạo sự yên tâm cho du khách. Lúc này, các doanh nghiệp không tính đến lợi nhuận nữa mà cùng nhau xây dựng sản phẩm tour tốt, có chất lượng, cùng nhau kích thích thị trường mục tiêu, để thị trường phục hồi rồi các doanh nghiệp lại cùng phát triển. Đây là cơ hội rất lớn để duy trì sự đoàn kết, để ngành Du lịch tiến xa hơn, phát triển thêm những thị trường tiềm năng”.
Ông Nguyễn Văn Kỳ - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Bình:
“Dịch Covid-19 đã gây thiệt hại lớn cho ngành Du lịch Quảng Bình. Riêng ở Quảng Bình, lượng khách du lịch trong tháng 1, 2 đã hủy tour, hủy tuyến lên đến 94-95%. Không phải vì thế mà các đơn vị lơ là trong hoạt động du lịch.
Hiện nay, Hiệp hội cũng khuyến khích các doanh nghiệp nâng cao hơn nữa chất lượng dịch vụ, tiếp tục đẩy mạnh hoạt động quảng bá du lịch... Tuy nhiên, để ngành Du lịch sớm hồi phục, các bộ, ngành liên quan cần có chính sách hỗ trợ kịp thời doanh nghiệp du lịch, giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn trước mắt”.
Đ.Trang – H.Trang (tổng hợp)