Dấu ấn của cách mạng công nghệ 4.0
Chúng ta đang chứng kiến sự xuất hiện của các xu hướng công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây, robot tự động, in 3D, công nghệ nano và các ứng dụng hiện đại khác đang thay đổi cuộc sống trên mọi lĩnh vực, trong đó có ngành du lịch toàn cầu. Cách mạng công nghiệp 4.0 mang tính rộng khắp hơn bao giờ hết, tác động từ các hệ thống sản xuất, phân phối, tương tác và tiêu thụ ngày nay, thậm chí thay đổi cả nhận thức và thói quen của con người trong xã hội hiện đại. Song, trong xu thế chung của toàn cầu, công nghệ không thể xóa đi được bản sắc, nhưng hai yếu tố này cần sự dung hòa. Đơn cử, Ấn Độ là đất nước có nền khoa học công nghệ phát triển tân tiến nhưng trong triết lý làm việc Ấn Độ lại nổi bật sự pha trộn giữa khoa học và tâm linh một cách hài hòa, thể hiện tín ngưỡng, niềm tin và khả năng thích ứng của người Ấn Độ. Nói đến Ấn Độ, khách du hành không thể không nhớ tới hoặc tò mò phải tìm đến quê hương của đức Phật.
Được mệnh danh là cái nôi của đạo Phật, truyền thuyết từ xa xưa cho thấy Ấn Độ là nơi đã khai sinh ra Phật giáo. Tứ động tâm là bốn thánh tích thiêng liêng của Phật giáo tại Ấn Độ, ghi dấu bốn sự kiện trọng đại trong cuộc đời và sự nghiệp hoằng hóa của đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Tứ động tâm gồm: Lumbini (Lâm Tỳ Ni) nơi Phật đản sanh, Bodh Gaya (Bồ Ðề Ðạo Tràng) nơi Phật thành đạo, Sarnath (Lộc Uyển) nơi Phật chuyển pháp luân - thuyết pháp lần đầu tiên cho năm anh em Kiều Trần Như và Kushinagar (Câu Thi Na) nơi Phật nhập niết bàn. Hàng năm, tứ động tâm thu hút hàng triệu lượt khách hành hương từ khắp nơi trên thế giới đổ về Ấn Độ, không chỉ là những tăng ni phật tử mà cả những người ở tôn giáo khác hoặc không tôn giáo vẫn có thể tìm đến nơi đây.
Nhiều ý kiến cho rằng, nếu nói Ấn Độ là nơi khai sinh ra đạo Phật thì Trung Quốc lại là nơi làm cho nó trở nên phổ biến. Các núi linh thiêng của Trung Quốc được chia thành hai nhóm gắn liền chủ yếu với Lão giáo và Phật giáo. Nhóm chủ yếu gắn liền với Lão giáo được biết đến với tên gọi chung như Ngũ đại danh sơn (Ngũ Nhạc, Ngũ linh sơn v.v.), trong khi nhóm chủ yếu gắn liền với Phật giáo được nói đến như là Tứ đại Phật sơn ( Tứ đại danh sơn): Ngũ Đại Sơn, Nga Mi Sơn, Cửu Hoa Sơn, Phổ Đà Sơn. Hay ở Tây Tạng có đến 16.000 tu viện lớn nhỏ. Jokhang là tu viện thiêng liêng và nổi tiếng nhất, nằm ở trung tâm Lhasa. Ở đây có bức tượng Jowo Rinpoche - tượng Phật Thích ca Mâu ni thời trẻ. Các Lạt ma khi đăng quang đều được tổ chức ở ngôi đền này. Được biết, hàng ngày, hàng chục nghìn người dân đổ về đây chiêm bái.
Mặt khác, Việt Nam là một đất nước bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi Phật giáo. Đã từng có những thời kỳ mà tôn giáo này trở thành tín ngưỡng chính của cả dân tộc. Trong nước có thể kể đến quần thể di tích danh lam thắng cảnh Yên Tử, Chùa Hương, Bái Đính, … hay những địa điểm mới như Khu du lịch quốc gia chùa Tam Chúc cũng thu hút du khách thập phương, đặc biệt là trong những dịp như Đại lễ Phật Đản. Ngày càng nhiều điểm đến tâm linh đang đầu tư đồng bộ hạ tầng cơ sở công nghệ kỹ thuật để nâng cao trải nghiệm của khách lữ hành như ứng dụng du lịch thông minh trên thiết bị di động tích hợp bản đồ số du lịch; hệ thống wifi công cộng; thẻ thanh toán thông minh; booth tra cứu thông tin du lịch, hệ thống tham quan thực tại ảo...
|
Miến điện – Myanma |
Tâm hướng Phật ở muôn nơi
Bên cạnh đó, trải nghiệm văn hoá tại các quốc gia láng giềng của Việt Nam cũng là một lựa chọn phổ biến bởi du khách ngày càng có nhiều lựa chọn trên “chiếc màn hình phẳng” của họ. Ví như đến Thái Lan – xứ sở Chùa Vàng với gần 95% người dân theo đạo Phật. Những địa điểm như chùa Phật ngọc, chùa Phật vàng,… đều là biểu tượng của người dân Thái, hàng năm thu hút hàng chục triệu lượt khách. Một đất nước khác - Myanmar từ lâu cũng đã trở thành điểm hành hương thú vị của các tín đồ Phật giáo trên toàn thế giới. Trong đó, nổi bật nhất là quần thể chùa Shwedagon được đánh giá là một trong những kỳ quan của tôn giáo này hoặc chùa Kyaiktiyo có tảng đá vàng nằm chênh vênh trên đỉnh núi – nơi có thể “cảm nhận sự linh thiêng và mênh mông của đất trời”. Riêng ở vùng Bagan, du khách có thể ngắm nhìn tới 1.200 đền chùa mà không chán mắt. Ngay trên đồi Sagaings bên dòng sông Irrawddy cũng có vô số chùa chiền và tu viện - hơn 5.000 tăng và ni cô sống ở đó. Hầu hết mỗi người dân Mianma đều đi tu, người ít nhất là vài tháng. Nhiều gia đình dành dụm hàng năm trời để cho con trai của họ ăn học, trang điểm như một hoàng tử trong ngày lễ Shin-pyu khi được tiếp nhận tu tại chùa.
Một địa điểm khác cũng được những du khách quan tâm là đất nước Sri Lanka, dù nhỏ bé nhưng gây ấn tượng với bạn bè quốc tế bởi rất nhiều di sản văn hoá thế giới về Phật giáo. Từng là trung tâm văn hóa Phật giáo thời cổ, Sri Lanka nổi tiếng với những di tích hàng ngàn năm tuổi, cũng như khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ tạo nên vẻ đẹp quyến rũ. Những địa điểm nổi tiếng như đền thờ động Dambulla, pháo đài cổ Sigiriya, tượng Phật Samadhi Buddha trong tư thế ngồi tham thiền, Sri Maha Bodhi với cây bồ đề hơn 2200 năm tuổi, đền thờ Xá Lợi Răng Phật… đều được xem là niềm tự hào của Sri Lanka. Mặt khác, nhiều phật tử lại có ý định sang Lào để tìm hiểu về Phật giáo ở đất nước Triệu Voi, hay tự mình leo lên vách đá vách đá cheo leo để tìm đến tu viện Taktsang linh thiêng để thấy được đời sống tín ngưỡng của người dân Bhutan.
|
Tu viện Taktsang hay còn gọi là Tiger’s Nest (Thiền viện Hang Cọp) |
Trong hầu hết các nước ở khu vực Đông Nam Á, Đông Bắc Á ít hay nhiều đều có ảnh hưởng của đạo Phật. Song, mỗi nước lại có những nét khác biệt và có những điểm thu hút khác nhau khiến cho phật tử ở muôn nơi muốn tìm hiểu những nét chung và những nét riêng về Phật giáo mỗi nước, hay đơn giản là Phật thì ở đâu cũng là Phật, nên đã theo đạo thì đến đâu Phật tử cũng là con của Phật. Có thế mới biết du lịch Phật giáo hiện nay không chỉ thu hút người Việt Nam mà còn hàng triệu người trên thế giới.
Quả thực, nhờ có sự phát triển của công nghệ hiện đại, mà những địa điểm trên trở nên gần gũi hơn bao giờ hết. Sự phát triển rộng khắp của những địa danh tâm linh này đều một phần nhờ vào những tiến bộ của công nghệ, giúp cho mọi người ngày càng dễ dàng tiếp cận thông tin đại chúng hơn bao giờ hết. Nếu như trước đây, để chuẩn bị cho một chuyến đi ta cần chuẩn bị cả tháng, thì giờ đây chỉ cần vài cú click chuột, người du lịch sẽ có gần như tất cả thông tin mà họ cần: hình ảnh trực quan, lịch sử hình thành và phát triển của điểm đến, địa điểm ăn uống ngủ nghỉ, câu chuyện văn hóa, lịch trình... Nhờ đó, du lịch tâm linh, trong đó có du lịch hành hương về cội nguồn Phật giáo là một trong những xu hướng lớn trong nhiều năm gần đây. Điều thay đổi rõ rệt so với trước đây là du lịch Phật giáo không còn chỉ mang yếu tố khổ luyện như các phật tử, tăng ni xưa kia, mà còn là hình thức nghỉ dưỡng, tham quan vãn cảnh, khám phá văn hóa của người hiện đại ngày nay.