​Du lịch tiêm vaccine tại nước ngoài: Nhiều rủi ro

(PLVN) - Các nhà quản lý và doanh nghiệp du lịch tại Việt Nam đều thống nhất quan điểm sẽ dừng tour du lịch tiêm vaccine tại Mỹ đến hết năm nay. Phương án này nhằm đảm bảo an toàn cho du khách và cộng đồng trong bối cảnh hiện tại.
Điều kiện nhập cảnh Việt Nam là một yếu tố quyết định tính khả thi của du lịch tiêm vaccine. (Ảnh minh họa)

Nguy cơ “mắc kẹt” ở nước ngoài

Những tháng gần đây, bản tin về dịch COVID-19 toàn cầu không còn “điểm danh” Mỹ trong mục thống kê những nước có số ca mắc mới trong ngày cao nhất, đồng nghĩa với tốc độ lây nhiễm virus SARS-CoV-2 giảm mạnh. Loại hình du lịch tiêm vaccine tại Mỹ bắt đầu xuất hiện. Dù được đánh giá khả thi nhưng mới đây, Sở Du lịch TP HCM và các doanh nghiệp lữ hành đồng thuận tạm dừng chương trình tour đi Mỹ kết hợp với tiêm vaccine đến hết năm nay và có thể sẽ được xem xét, tái khởi động vào đầu năm 2022. 

Thực tế, việc du lịch kết hợp tiêm phòng vaccine không phải quá mới mẻ. Trước khi COVID-19 xảy ra, ở Việt Nam cũng đã có nhiều gia đình kết hợp tiêm vaccine COVID-19 khi đi du lịch tự túc sang một số nước trong khu vực như Singapore, Thái Lan. Một khách du lịch từng mua tour cho biết, nếu đi du lịch ra nước ngoài để tiêm vaccine COVID-19 trong thời điểm này sẽ có rất nhiều rủi ro, không an toàn. Bởi với những chuyến du lịch ngắn ngày, sau khi tiêm vaccine, cơ thể người được tiêm sẽ có phản ứng nhất định như sốt, mệt mỏi và một số triệu chứng khác, ảnh hưởng đến tâm lý du lịch và phải nhanh chóng quay trở về để đảm bảo an toàn. 

Chị Ngọc Hà ở Hà Nội, một khách mua tour du lịch tiêm vaccine chia sẻ: “Nhà tôi mới chỉ sang Singapore tiêm phòng mà cũng thấy mệt, đi những nước xa hơn nếu có phát sinh vấn đề thì quá rắc rối. Kể cả là đi sang rồi may mắn có được chuyến bay để về nước cách ly 21 ngày trong khách sạn cũng không lo bằng việc mắc bệnh trước khi tiêm, hay tiêm xong rồi gặp phản ứng phụ nặng, phải nhập viện ở nước ngoài, không có bảo hiểm thì lấy tiền đâu mà chữa”.

Mặt khác, ngoài những rủi ro xảy ra khi tiêm vaccine, điều kiện nhập cảnh của Việt Nam hiện nay là yếu tố quan trọng quyết định đến tính khả thi của việc thực hiện chương trình du lịch này trong năm nay. 

Ông Nguyễn Công Hoan, CEO của Flamingo Redtours cho biết, khó khăn chính hiện nay là Việt Nam chưa có các chuyến bay thương mại, chỉ có các chuyến bay đưa công dân và đưa người lao động, chuyên gia Việt Nam ra nước ngoài và đón chuyên gia, người lao động từ nước ngoài về Việt Nam làm việc, du khách không thuộc đối tượng này.  

Ông Nguyễn Quý Phương - Vụ trưởng Vụ Lữ hành, Tổng cục Du lịch, cho biết Vụ này không khuyến khích doanh nghiệp phát triển tour outbound (tour ra nước ngoài) lúc này bởi cách Việt Nam chống dịch khác các nước ngoài. Ngoài việc vẫn đang giữ quy định cách ly 21 ngày, Việt Nam vẫn hạn chế số chuyến bay hồi hương. Số chuyến bay có xu hướng bị siết lại khi dịch trong nước bùng phát. Điều này dễ gây ra nhiều khó khăn cho đơn vị tổ chức tour và người đi tour. Nếu du khách lựa chọn tour sẽ có nguy cơ đối mặt với tình huống “mắc kẹt” ở nước ngoài.

Cân nhắc “đi tiêm vaccine” hay đợi vaccine?

Diễn biến phức tạp của Covid-19 trong thời gian dài đã khiến các doanh nghiệp lữ hành rơi vào tình trạng “kiệt sức”. Ngay cả nhu cầu được du lịch nước ngoài của người dân cũng như “lò xo” bị dồn nén. Do đó, khi có những doanh nghiệp xây dựng và quảng cáo tour du lịch tiêm phòng vaccine COVID-19 đã thu hút sự chú ý của nhiều khách hàng. Dù có thể nhìn nhận điều này là tín hiệu tích cực, thể hiện khả năng linh hoạt để “bám trụ” của doanh nghiệp nhưng xét trong bối cảnh hiện nay, loại hình tour du lịch này không phù hợp với các quy định về du lịch an toàn của Tổng cục Du lịch mà các doanh nghiệp đã cam kết. 

Về phía doanh nghiệp, nhiều đơn vị tỏ ra khá tiếc vì đây là cơ hội trước mắt. Thực tế nhu cầu tiêm vaccine kết hợp thăm người thân của người Việt rất lớn và “Mỹ có hẳn dịch vụ đón du khách ngay khi xuống sân bay và có lực lượng hỗ trợ của cơ quan y tế đảm bảo du khách được tiêm nhanh chóng và an toàn. Các thủ tục này được tính toán trong tour”, đại diện một doanh nghiệp tại TP HCM chia sẻ. Nhưng hầu hết doanh nghiệp đều đồng tình sẽ tạm hoãn quảng cáo, dừng giới thiệu tour đến du khách. Ngành du lịch không thể đánh đổi những cố gắng, nỗ lực chống dịch trong thời gian dài với cơ hội phát triển mong manh trước mắt. 

Thay vì lựa chọn tour du lịch tiêm vaccine tại Mỹ hay bất cứ quốc gia nào khác, Tổng cục Du lịch khuyến khích người dân nên cân nhắc phương án đợi tiêm vaccine tại Việt Nam. “Thời điểm này, dù đã xuất hiện nhiều ca mắc COVID-19 trong cộng đồng nhưng xét tổng thể, dựa vào số liệu về tỷ lệ người mắc, số ca tử vong, có thể khẳng định Việt Nam đang rất an toàn hơn rất nhiều nước.

Cùng với đó, Chính phủ đã có những quyết sách mạnh mẽ để nhập vaccine COVID-19, đồng thời hoàn thiện việc thử nghiệm vaccine COVID-19 do Việt Nam sản xuất để triển khai tiêm chủng diện rộng. Do đó, du khách phải hết sức cân nhắc về việc đi “tiêm vaccine” hay đợi tiêm vaccine tại Việt Nam”, ông Nguyễn Quý Phương nhận định.

Trước mắt, doanh nghiệp sẽ chỉ triển khai chương trình dự kiến vào đầu năm 2022 sau khi xem xét, rà soát đảm bảo các điều khoản trong hợp đồng giữa doanh nghiệp và khách hàng như thời gian vé máy bay chiều về, bảo hiểm y tế đối với các rủi ro xảy ra khi tiêm vaccine, khó khăn của khách hàng khi phải dời chuyến bay… 

Đọc thêm