Trình bày Tờ trình về Dự án Luật Kiến trúc, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho biết, ở Việt Nam, quá trình xây dựng và phát triển nền kiến trúc Việt Nam bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập như: công tác quản lý kiến trúc chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn; tổ chức không gian, cảnh quan, kiến trúc công trình ở đô thị và nông thôn còn thiếu thống nhất, thiếu bản sắc; các điều kiện hành nghề kiến trúc chưa đầy đủ; dịch vụ tư vấn kiến trúc chưa đa dạng, chưa có nhiều tác phẩm kiến trúc đặc sắc có giá trị lớn.
Nhiều nguyên nhân là do các quy định pháp luật điều chỉnh về kiến trúc nhưng còn tản mạn ở một số văn bản quy phạm pháp luật, thiếu tính hệ thống, chưa thống nhất và đồng bộ. Ngoài ra, chất lượng đội ngũ KTS, công tác đào tạo, công tác lý luận phê bình, phản biện chưa đáp ứng yêu cầu trong nước và hội nhập quốc tế… cũng là nguyên nhân dẫn đến những hạn chế trong nền kiến trúc Việt Nam.
Góp ý dự thảo Luật, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc hy vọng khi Luật ra đời sẽ khắc phục được những tồn tại hiện nay và kiến trúc Việt Nam sẽ có bản sắc riêng. “Giờ nông thôn đô thị hoá cũng nhà ống, phá vỡ không gian kiến trúc nông thôn. Việt Nam có bao nhiêu loại kiến trúc: có hình bóng của Nga, của thời Pháp cổ..., không thiếu kiểu gì cả.
Bản sắc rất quan trọng, làm sao Luật ra đời khắc phục được những tồn tại hiện nay”, ông Nguyễn Hạnh Phúc nói và cho rằng cần quy trách nhiệm từ quản lý nhà nước đến nhà đầu tư, mỗi cá nhân: “Không phải anh có tiền thì làm gì cũng được. Bộ mặt đô thị như vậy sao được! Cần có chế tài, phải theo quy định chứ không thể tuỳ tiện”.
Cũng thẳng thắn cho rằng “kiến trúc trong các đô thị trên cả nước hiện bản sắc không rõ, sáng tạo không mạnh”, “cứ thấy đẹp là nhại lại, bắt chước”, Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình bày tỏ băn khoăn về hiện thực của kiến trúc Việt Nam: “Kiến trúc đô thị là cái gì? Ta tự hào về các ngôi chùa nhưng nhiều chùa lớn hiện nay liệu có phải kiến trúc Việt Nam hay nhập từ mẫu chùa ở nơi nào đó về?”.
Ông Bình đề nghị Luật cần phải đặt ra những nguyên tắc cụ thể hơn giữa kiến trúc hiện đại và kiến trúc dân tộc, giữa tính phổ biến và đặc thù đề phù hợp với Việt Nam. Cùng với đó, Luật cần phải quy định vai trò của Bộ Văn hoá Thể Thao và Du lịch, các nhà văn hoá, những vấn đề liên quan về sở hữu trí tuệ, quyền sở hữu vào trong Luật. Luật cũng cần định nghĩa cụ thể về KTS và những người làm việc trong ngành Kiến trúc.
Chủ tịch Hội KTS Việt Nam Nguyễn Tấn Vạn cho rằng, Luật Kiến trúc ra đời, đáp ứng lòng mong mỏi của giới KTS trong suốt 20 năm qua và sẽ phần nào trả lời cho câu hỏi mà những KTS lâu năm trong nghề như ông đặt ra: “Vì sao chúng ta đầu tư rất nhiều tiền mà kiến trúc của ta lại lạc hậu, không có bản sắc? Vì sao nhiều sinh viên kiến trúc đạt giải cao trong các kỳ thi quốc tế nhưng khi hành nghề lại không phát triển được? Vì sao kiến trúc nước ta có xu hướng hướng ngoại mạnh như vậy?...
Theo ông Vạn, qua tiếp xúc với giới KTS nhiều nước thì thấy rằng họ giải quyết được vì có luật về kiến trúc, dù tên gọi có khác nhau. Dự án Luật Kiến trúc trình Quốc hội lần này tuy có chậm nhưng sẽ điều chỉnh lại những điểm bất hợp lý lâu nay, mở ra môi trường hành nghề tốt hơn với KTS và đem lại niềm tin phát triển cho kiến trúc Việt Nam.