Nếu dự thảo được thông qua, các ngân hàng thương mại (NHTM) sẽ có thêm điều kiện để phát triển tín dụng mà chưa phải lo lắng nhiều về khả năng đụng “trần” các tỷ lệ giới hạn như quy định ban đầu của Thông tư 36.
“Dễ thở” hơn cho các ngân hàng
Tại dự thảo sửa đổi lần này, lộ trình giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn một lần nữa được điều chỉnh. Theo đó, tỷ lệ này sẽ ở mức 45% vào năm 2018 và xuống mục tiêu 40% vào năm 2019 đối với ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Nếu được thông qua, việc giảm tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn từ 60% (năm 2016) xuống 40% sẽ được lùi lại 2 năm so với những ý kiến ban đầu khi thực hiện sửa đổi Thông tư 36.
Theo đánh giá của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), dự thảo sửa đổi Thông tư 36 với việc giãn lộ trình giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn tiếp tục cho thấy định hướng hỗ trợ của NHNN đối với các NHTM trong việc phát triển tín dụng. Thêm thời gian để cơ cấu lại nguồn vốn huy động cũng như nắn dòng vốn đi vào các lĩnh vực sản xuất mang tính trung và dài hạn cũng là mục tiêu mà NHNN hướng đến cho hệ thống ngân hàng. Nếu dự thảo này được thông qua, BVSC cho rằng, các NHTM sẽ có thêm điều kiện để phát triển tín dụng mà chưa phải lo lắng nhiều về khả năng đụng “trần” các tỷ lệ giới hạn như quy định ban đầu của Thông tư 36.
Bình luận về dự thảo này, Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cũng cho biết, sự điều chỉnh này của NHNN, xuất phát từ Chỉ thị 24 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2017, theo đó, sẽ có những tác động tích cực nhất định trong ngắn hạn. Trước hết, việc giãn lộ trình sẽ giảm áp lực lên biến động lãi suất huy động của các ngân hàng.
Thêm vào đó, “Nguồn vốn đáp ứng cho đầu tư trung và dài hạn của các doanh nghiệp sẽ không bị co hẹp đột ngột. Các ngân hàng sẽ có thêm thời gian để cơ cấu dần việc cho vay ở các lĩnh vực rủi ro cao sang các khoản cho vay phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh của nền kinh tế”, VDSC cho biết thêm.
Một báo cáo mới phát hành của Công ty Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HSC) còn cho hay, áp lực huy động vốn trung dài hạn đã tạo ra hệ quả là chi phí huy động tăng khoảng 0,3% so với cùng kỳ. NHTM với tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn cao như EIB thì chi phí huy động tăng 0,53% so với cùng kỳ; SHB tăng 0,45%; VPB (ngân hàng mẹ) tăng 0,37%. Theo đó, việc nới thời gian áp dụng tỷ lệ trần vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn như đề cập trong dự thảo thông tư sửa đổi Thông tư 36 sẽ giảm bớt áp lực huy động vốn trung dài hạn, tránh đẩy chi phí huy động tăng cao hơn và đây là yếu tố quan trọng để các NHTM có thể tăng cường cho vay trong nửa cuối năm 2017 nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng mới là 21%.
Dự báo nhiều ngân hàng sẽ tăng lãi
Thông tin NHNN lấy ý kiến dự thảo sửa đổi Thông tư 36 ngay lập tức đã có tác động tịch cực tới thị trường chứng khoán trong những phiên gần đây. Theo HSC, kết hợp với việc nâng mục tiêu tăng trưởng tín dụng, động thái này sẽ tăng khả năng các ngân hàng có thể đạt lợi nhuận cao hơn ước tính trong năm nay, nhờ tín dụng tăng mạnh hơn dự báo và một yếu tố hỗ trợ khác là chi phí huy động tăng khiêm tốn hơn dự báo đối với một số ngân hàng.
Theo thống kê của HSC, lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm của 7 ngân hàng đã niêm yết tăng 22,7% so với cùng kỳ, đạt 18 nghìn tỷ đồng. Công ty này cũng dự báo các ngân hàng này sẽ đạt lợi nhuận trước thuế tổng cộng 36,2 nghìn tỷ đồng (tăng trưởng 18%) cho cả năm 2017, với giả định tăng trưởng tín dụng bình quân đạt 17,2%. Do đó, nếu tín dụng tăng trưởng mạnh hơn đạt 20% và các giả định khác vẫn giữ nguyên, lợi nhuận trước thuế chung của 7 ngân hàng này sẽ vượt dự báo của HSC 12%.
Tuy nhiên, theo HSC, tác động tích cực từ động thái này phụ thuộc vào những diễn biến tiếp theo. Cụ thể là phải chờ đợi các dấu hiệu của NHNN về việc nâng hạn mức tăng trưởng tín dụng cụ thể cho các ngân hàng, từ mức 16% theo công bố từ đầu năm, do phần lớn các ngân hàng đều đặt kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận cho năm 2017 dựa trên hạn mức tăng trưởng 16% tối đa này. Hiện tại, việc nâng mục tiêu tăng trưởng tín dụng lên 20% cho hầu hết các ngân hàng đã niêm yết sẽ tác động đáng kể lên lợi nhuận năm 2017 của các ngân hàng.