Đưa bảo tàng đến với công chúng

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -Thời điểm dịch bệnh đã khiến các bảo tàng rơi vào cảnh đìu hiu. Tuy nhiên, vấn đề không chỉ nằm ở ảnh hưởng do COVID-19 mà còn cần ở những người quản lý hoạt động bảo tàng nhiều nỗ lực, sáng tạo và trách nhiệm.
Bảo tàng Nhà tù Hỏa Lò đã trở thành điểm đến yêu thích của giới trẻ.
Bảo tàng Nhà tù Hỏa Lò đã trở thành điểm đến yêu thích của giới trẻ.

Một trong những bảo tàng đi đầu tại Việt Nam về số hóa là Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, ngay từ năm 2013, bảo tàng đã ứng dụng công nghệ này giới thiệu, trưng bày chuyên đề “Di sản văn hóa Phật giáo Việt Nam” và “Đèn cổ Việt Nam”.

Từ năm 2020, bảo tàng tiếp tục nghiên cứu, nâng cấp ứng dụng 3D và hoàn thiện giới thiệu trưng bày ảo 3D chuyên đề “Bảo vật quốc gia” với 20 bảo vật đang lưu giữ tại bảo tàng. Nội dung trưng bày được cập nhật, bổ sung, đổi mới cách thức tiếp cận.

Những đơn vị “đi sớm” về công nghệ trong lĩnh vực bảo tàng không nhiều. Bảo tàng Lịch sử TP HCM mới triển khai thử nghiệm từ tháng 6/2021 dự án “Bảo tàng tương tác thông minh 3D/360”. Hầu hết các đơn vị khác cũng bắt đầu quảng bá các di sản trên nền tảng công nghệ chỉ từ năm ngoái đến năm nay, khi dịch bệnh làm ảnh hưởng đến hoạt động tham quan, khiến các bảo tàng phải đóng cửa, thất thu.

Tại TP HCM, thời điểm sau giãn cách, các bảo tàng bắt đầu mở cửa, nhưng rơi vào tình trạng vắng vẻ, đìu hiu. Tuy nhiên, với nhiều bảo tàng, sự vắng vẻ không chỉ đến trong và sau thời điểm giãn cách. Không ít bảo tàng trên địa bàn đã rơi vào cảnh “chợ chiều” từ nhiều năm trước.

Vấn đề họ gặp phải là chưa nắm bắt kịp xu thế thời đại. Phát triển nền tảng trực tuyến chỉ là một phần của câu chuyện. Bên cạnh ứng dụng công nghệ số vào hoạt động của bảo tàng thì cách thức xây dựng chương trình, cách thức truyền thông, tiếp cận khách hàng, biến bảo tàng trở nên hấp dẫn và gần gũi trong mắt người dân cực kì quan trọng.

Gần đây, Bảo tàng Nhà tù Hỏa Lò xuất hiện mạnh mẽ trên các nền tảng số và công nghệ. Bảo tàng đã ứng dụng chuyển đổi số trên nền tảng Spotify để nâng cao hiệu quả truyền thông, đưa lịch sử đến gần hơn với công chúng. Lần đầu tiên trên kênh phát thanh độc quyền với nền tảng Spotify, giúp công chúng tìm hiểu lịch sử một cách dễ dàng, thú vị và mới mẻ hơn.

Trên fanpage của nhà tù cũng có hoạt động trưng bày hấp dẫn, thu hút sự quan tâm của cộng đồng. Hiện nay fanpage của di tích đã có hơn 60.000 lượt yêu thích, một con số “trong mơ” với các bảo tàng.

Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 vừa được Chính phủ phê duyệt mới đây có nhấn mạnh việc phát huy mọi nguồn lực phát triển để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, niềm tự hào dân tộc, niềm tin, khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Và hoạt động bảo tàng chính là một yếu tố không thể thiếu trong việc khơi dậy những sức mạnh tiềm tàng ấy thông qua việc giúp mỗi một người dân trong và nước hiểu và yêu mến những trang sử Việt, những nét đẹp văn hóa dân tộc Việt trong nhiều khía cạnh.

Đọc thêm