Khi công nghệ được ứng dụng để tạo nên sức sống
Nói đến bảo tàng, người ta thường nghĩ đến những khu vực trưng bày cổ vật, hiện vật, lưu dấu ấn văn hóa, lịch sử hoặc nhiều lĩnh vực khác. Nhiều người vẫn thường quan niệm, bảo tàng gắn liền với cái gì đó hướng nội, cổ điển, già cỗi, thậm chí không hợp thời. Trên thực tế, hoạt động bảo tàng là không thể thiếu trong ngành du lịch mỗi quốc gia, thậm chí nhiều bảo tàng trên thế giới rất nổi tiếng, doanh thu cao ngất, đóng góp đáng kể vào ngành du lịch của địa phương, của quốc gia ấy.
Nằm trong số những bảo tàng thành công, không chỉ có những bảo tàng lâu đời, danh tiếng, có số hiện vật khổng lồ, gắn liền với lịch sử phát triển của các quốc gia. Có không ít những bảo tàng, tuy tuổi đời không cao, nhưng bằng việc ứng dụng những công nghệ đặc sắc, đã tạo cho mình một sức sống riêng, bản sắc riêng, khiến người ta không thể không ghé đến.
Phần nhiều các du khách, khi đến du lịch Hàn Quốc, một trong những bảo tàng hàng đầu được giới thiệu đến tham quan sẽ là Bảo tàng Khoa học Quốc gia Gwacheon. Đây là bảo tàng khoa học lớn nhất của Hàn Quốc và trên thế giới.
Toà nhà bảo tàng có cấu trúc hình xoắn ốc và mô phỏng hình ảnh con tàu vũ trụ đang chuẩn bị rời bệ phóng, với trên 4200 hiện vật, không gian nội thất công trình được phân chia thành các phần trưng bày chính theo chủ đề vừa độc lập vừa liên thông với nhau bao gồm: Khoa học cơ bản, Lịch sử tự nhiên, Khoa học truyền thống, Khoa học công nghệ tiên tiến, Khoa học dành cho trẻ em, Trưng bày thường xuyên, Khu thiết bị thiên văn.
Tại bảo tàng, trưng bày tĩnh không phải là cách trưng bày được ưu tiên. Trên 50% các trang thiết bị được thiết kế để du khách có thể trải nghiệm trực tiếp, mang lại tính năng giáo dục giải trí. Du khách nước ngoài có thể sử dụng dịch vụ tai nghe có giải thích bằng tiếng Anh. Tại bảo tàng, rất phổ biến những khu vực trưng bày mà khách tham quan có thể tương tác, cảm nhận trực tiếp bằng công nghệ như Khu trưng bày trải nghiệm kính thực tế ảo. Khu trải nghiệm công nghệ LED…
Tại đây, khách tham quan có thể trải nghiệm các hiện tượng vật lý như sấm, chớp với tiếng nổ đinh tai và ánh chớp rơi xuống ngay trước mặt, biết được nguyên lý sinh ra sấm chớp như thế nào với nguồn điện 4 triệu vôn. Thậm chí, ở những khu như khu trải nghiệm với bão lớn, du khách còn bị bắt buộc mặc áo mưa và đi ủng vì sẽ có mưa gió trút xuống người, thậm chí bão cuốn bay đi khỏi nơi đang đứng.
Cạnh đó, du khách còn có thể trải nghiệm động đất với cường độ địa chấn 7 độ richter, thông qua màn hình lập thể 4D và thiết bị mô phỏng… Hầu hết du khách khi đến tham quan Bảo tàng Khoa học Quốc gia Gwacheon đều có chung cảm nhận là “cực kì kinh ngạc”, thỏa mãn.
Ứng dụng công nghệ đặc sắc cũng được áp dụng vào nhiều bảo tàng nổi tiếng thế giới như thành cổ Osaka. Thành cổ Osaka được coi là một “bảo tàng sống” bởi nó tái hiện sống động truyền thống văn hóa đặc sắc Nhật Bản bằng vẻ đẹp hiện hữu chứ không phải bởi cách trưng bày tĩnh, đồng thời việc ứng dụng công nghệ hiện đại đã nâng giá trị tham quan bảo tàng lên một tầm cao.
Vẻ đẹp cổ kính, lịch sử lâu đời và những cảnh quan xung quanh tuyệt đẹp chính là yếu tố hấp dẫn khách du lịch khắp nơi trên thế giới khi đến tham quan và chiêm ngưỡng thành cổ. Tại thành cổ Osaka, Người Nhật sử dụng công nghệ video để hỗ trợ du khách tham quan dễ dàng hơn. Khi đi tham quan, du khách sẽ được cả nhận trải nghiệm ở mỗi tầng hoàn toàn khác nhau.
Mỗi bước chân đi, hệ thống màn hình sẽ hiện ra những câu chuyện khác nhau, trải qua từng thời kỳ, từng nhân vật được tái hiện rất sống động, khiến du khách như được hòa mình sống trong khoảnh khắc lịch sử, bị cuốn theo hành trình đã được sắp đặt, và sau khi đi một vòng từ dưới lên trên đỉnh tòa tháp là có thể nắm hết các kiến thức lịch sử của thành cổ.
Tư duy độc đáo làm nên điều mới mẻ
Trên thế giới có không ít bảo tàng được coi là bảo tàng “sống”, không chỉ nổi tiếng bằng cách ứng dụng khoa học công nghệ để đem lại cho người tham quan trải nghiệm chân thật và sống động. Những bảo tàng này còn đánh dấu tư duy độc đáo, khác biệt của những người thực hiện nó. Không cần công nghệ tuyệt đỉnh mà người tham quan vẫn được trải nghiệm những giây phút tuyệt vời, hòa quyện vào nhịp đập của bảo tàng.
Du khách Việt Nam không ít người từng tham quan Bảo tàng tượng sáp Singapore đặt trên đảo Sentosa. Nói về bảo tàng tượng sáp, có lẽ không còn mới mẻ gì, vì rất nhiều nước đã thực hiện, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, Bảo tàng tượng sáp Singapore lại vẫn rất hút khách, đơn giản là bởi điểm đặc biệt của mình.
Bảo tàng tượng sáp tái hiện sống động lịch sử, văn hóa Singapore. |
Khác với những bảo tàng sáp khác, bảo tàng tượng sáp Singapore không hút khách bằng tượng của những người nổi tiếng như Tổng thống Mỹ, nữ hoàng Anh, Angelina Jolie hay các nhân vật nổi tiếng trong phim điện ảnh… Bảo tàng tượng sáp Singapore được thành lập với mục đích để thế hệ mai sau mãi ghi nhớ đến thế hệ trước. “Images of Singapore” - Những hình ảnh của đất nước Singapore chính là điều mà bảo tàng hướng đến.
Khởi đầu buổi tham quan, du khách sẽ được dẫn vào một căn phòng với những chiếc ghế gỗ, thùng gỗ, cánh buồm, tạo cảm giác như vừa bước lên một con tàu xưa cũ để bắt đầu hành trình trở về quá khứ. Ngồi trên con tàu, du khách bắt đầu được xem một đoạn phim tài liệu được thực hiện 3D sống động, tóm tắt lịch sử hình thành đất nước Singapore. Và sau đó là hành trình bước vào khu trưng bày của bảo tàng tượng sáp.
Điều lạ lùng là bảo tàng không hề có hướng dẫn viên thuyết minh. Chỉ có những tượng sáp với kích cỡ người thật, với các tư thế, hành động cực rất chân thực tái hiện đời sống, sinh hoạt, văn hóa, lịch sử đất nước này từ quá khứ đến hiện tại. Lồng vào mỗi bước đi, phù hợp khung cảnh sẽ là tiếng gió, tiếng người lao xao, tiếng muôn thú, tiếng chim hót… Bước vào bảo tàng tượng sáp Singapore, người tham quan dường như đã bỏ tiền để mua được những giây phút thực sự “sống” trong một không gian kì ảo và đẹp đẽ.
Một bảo tàng khác không kém phần đặc biệt, đó là bảo tàng Museo Subacuático de Arte, bảo tàng dưới nước ở thành phố Cancun, Mexico. Nơi đây bao gồm 500 tác phẩm điêu khắc, được đặt sâu dưới đáy biển, giữa Cancun và đảo Isla Mujeres. Các tác phẩm với nhiều chủ đề, phản ánh các sắc thái, cuộc sống của cộng đồng ngư dân.
Trong đó có khoảng 90 bức được đúc từ người thật, là những cư dân ở làng chài Puerto Morelos. Các bức tượng được làm từ xi măng chuyên dụng cho công trình dưới biển. Bề mặt của chúng có độ pH trung tính, tạo điều kiện cho san hô và các loài vật khác sinh sống, phát triển.
Bảo tàng bắt đầu được thực hiện từ năm 2009, nhằm mục đích trở thành địa điểm lặn thu hút du khách thay cho rạn san hô Mesoamerican gần đó đang bị đe dọa. Với mục đích tốt đẹp và cách làm đặc sắc, mỗi năm, bảo tàng “sống” dưới đáy biển này thu hút khoảng 750.000 khách tham quan.
Tại Việt Nam, một bảo tàng “sống” khá nổi tiếng với du khách quốc tế chính là Bảo tàng Hải dương học Nha Trang, nơi được ví như một “đại dương thu nhỏ”. Bảo tàng lưu trữ khoảng 20.000 mẫu vật của 11.000 loài sinh vật biển, thuộc nhiều vùng biển nước ta, gồm cả vùng biển Hoàng Sa và Trường Sa. Trong đó, có khoảng 600 loài thực vật biển, 700 loài ruột khoang, 2.500 loài thân mềm, khoảng 1.700 loài tôm và cua, 400 loài động vật da gai, trên 1.500 loài động vật có xương sống, khoảng 20 loài bò sát…
Không chỉ trưng bày mẫu hình, Bảo tàng Hải dương học còn có những mẫu vật đặc sắc như tiêu bản các loại cá khổng lồ nhồi bông, hệ sinh thái các sinh vật biển đang sống thực… Đây là nơi những người yêu thích biển, yêu khoa học, các em học sinh rất thích tham quan để tìm hiểu “thế giới đại dương”, và đặc biệt là du khách đến Nha Trang không thể bỏ qua.
Thông qua sự thành công của các bảo tàng “sống” này, có thể thấy rằng, bảo tàng không phải là cái gì đó cũ kĩ, khô cứng. Hoàn toàn có thể thay đổi tư duy, với cách làm độc đáo, ứng dụng công nghệ để bảo tàng trở thành điểm đến với những trải nghiệm ấn tượng, tuyệt với, níu chân du khách.