Trước cuộc sống bề bộn lo toan, không ít người làm con đã chọn gửi cha mẹ già vào viện dưỡng lão là một giải pháp. Thế nhưng ở nước ta, việc này vẫn còn gặp không ít rào cản về đạo đức. Nhiều người cho rằng, làm vậy là bất hiếu với đấng sinh thành.
[links()]Trước cuộc sống bề bộn lo toan, không ít người làm con đã chọn gửi cha mẹ già vào viện dưỡng lão là một giải pháp. Thế nhưng ở nước ta, việc này vẫn còn gặp không ít rào cản về đạo đức. Nhiều người cho rằng, làm vậy là bất hiếu với đấng sinh thành.
|
Đưa cha mẹ già vào viện dưỡng lão là một lựa chọn của nhiều người con bận việc, thường phải công tác xa. |
Xu thế của thời đại
Người ta vẫn nói: “Một mẹ nuôi được mười con chứ mười con không nuôi nổi một mẹ” để nói về công ơn của người mẹ không chỉ như trời, như biển mà còn có ý là ngay cả chuyện báo hiếu mẹ nhiều khi cũng trở nên khó khăn với cả đàn con. Việc báo hiếu, chăm sóc, đối xử tốt với cha mẹ già không chỉ là trách nhiệm, bổn phận của con cái mà còn thể hiện đạo đức làm người.
Ngày nay, bỏ tiền, đưa cha mẹ già vào viện dưỡng lão nhờ chăm sóc, hàng tháng vẫn đến thăm nom đã là một lựa chọn của nhiều người con bận việc, thường phải công tác xa, không đủ điều kiện ở bên chăm sóc cha, mẹ.
Khi có nhu cầu và nhận ra xu thế xã hội thì nhiều trung tâm, viện dưỡng lão đã ra đời ở khắp cả nước. Một số đã cải tiến chất lượng dịch vụ, phục vụ để bảo đảm việc chăm sóc người cao tuổi được tốt hơn. Thế nhưng, nhiều người nói đến chuyện đưa cha mẹ già vào viện dưỡng lão để nổi cáu, hoặc tỏ ý khinh thường. Vấn đề này đã và đang diễn ra các cuộc tranh luận ở nhiều diễn đàn, với những ý kiến trái ngược nhau rất gay gắt. Nhưng so sánh số người ủng hộ và không thì số không ủng hộ vẫn trội hơn.
Anh Nguyễn Hữu Thi, một người đã đưa mẹ vào viện dưỡng lão Thiên Phúc (Đông Ngạc, Từ Liêm, Hà Nội) chia sẻ: “Là con cái, chúng tôi rất thương mẹ và đều có trách nhiệm. Nhưng vì quá bận bịu con cái, điều kiện không cho phép, bà cụ lại bị bệnh huyết áp. Nếu để cụ ở nhà một mình với bốn bức tường thì cũng không ổn. Tôi đã nghĩ cách là thuê người giúp việc để chăm sóc cụ, nhưng mẹ tôi khá khó tính đã chẳng ưng ai. Vậy thì đưa mẹ vào viện dưỡng lão có y tá, điều dưỡng chăm sóc chu đáo là một giải pháp có vẻ tích cực hơn. Bà cụ cũng đồng ý như vậy”.
Việc đưa cha mẹ vào trại dưỡng lão phải gắn chặt với trách nhiệm của con cái Tiến sỹ tâm lý Nguyễn Kim Quý cho biết, xu hướng đưa cha mẹ vào trại dưỡng lão là tất yếu. Nhưng việc đưa cha mẹ vào trại dưỡng lão ngày càng phải gắn chặt với trách nhiệm của con cái, vì việc này được diễn ra một cách chủ động và có sự chuẩn bị kỹ càng, thống nhất giữa hai bên. Tuy vậy, để sự thay đổi này diễn ra suôn sẻ con cái nên làm “công tác tư tưởng” kỹ càng trước khi đưa các cụ đến viện dưỡng lão, tránh trường hợp các cụ cảm thấy bị ép buộc, gây ra những phản ứng không tốt. Và khi gửi cha mẹ ở lại rồi, thì việc thường xuyên đến thăm nom nên được duy trì thường xuyên, để các cụ cảm thấy ấm áp. |
Khá nhiều người có tư tưởng thoáng, đã bàn bạc rất kỹ với anh em trước khi đưa cha hoặc mẹ đến viện dưỡng lão nhờ chăm sóc đã bảo vệ quan điểm của mình.
Có gia đình, người ủng hộ, người không nên đã phải dùng cách bỏ phiếu để đi đến thống nhất. Tuy nhiên, nhiều người phản ứng, nói rằng cha mẹ đã có công sinh thành, lại vất vả cả đời để nuôi nấng những đứa con, nay gặp chút khó khăn trong cuộc sống lại đẩy cha mẹ vào viện dưỡng lão để “nhờ tay người khác” là tội bất hiếu.
Muốn “xóa nhòa” quan điểm có phần tiêu cực, tiến sĩ Trần Tuấn, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu phát triển và đào tạo cộng đồng bày tỏ quan điểm: “Xu hướng đưa cha mẹ vào trại dưỡng lão là tất yếu. Trong tương lai, mô hình các trung tâm chăm sóc sức khỏe người cao tuổi chất lượng cao sẽ tiếp tục được mở rộng, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của người dân đối với dịch vụ “đặc biệt” này”.
Cũng theo Tiến sĩ Tuấn, Nhà nước cần tập trung vào lĩnh vực này để đảm bảo an sinh xã hội vì trên thực tế còn rất nhiều cụ già không có điều kiện vào trại dưỡng lão cao cấp. Họ cần được tạo điều kiện để sống tốt trong những trung tâm do Nhà nước lập ra phù hợp với điều kiện kinh tế của mình và con cái.
Thay đổi quan niệm
Không ít chuyên gia xã hội cho rằng, việc bỏ tiền đưa cha mẹ vào viện dưỡng lão để hưởng một dịch vụ, có điều kiện chăm sóc sức khỏe khác với chối bỏ trách nhiệm và xã hội cần “nghĩ thoáng” hơn về vấn đề này. Sẽ khổ hơn đối với các cụ già có bệnh trong người mà suốt ngày lủi thủi ở nhà một mình trong buồn chán.
Một số người bày tỏ, để cha mẹ ở nhà một mình, chẳng may xảy ra chuyện gì thì hối hận không kịp. Nếu đến trung tâm, viện dưỡng lão, họ sẽ được giao lưu, có người trò chuyện, được sinh hoạt văn hóa, khám chữa bệnh. Rồi có sự cố gì về sức khỏe còn có người kịp thời biết để xử lý. Thực tế có nhiều người cảm thấy hài lòng, sống khỏe hơn khi được sống tại đó, thậm chí có những cụ già không muốn về vì sống ở trung tâm, viện đã có người “tâm đầu ý hợp”.
Ông Nguyễn Tuấn Ngọc, Giám đốc viện dưỡng lão Thiên Phúc, người đã lập nên và dành tâm huyết với nơi này từ nhiều năm qua nói rằng, ông lập nên viện là để thay đổi quan niệm sai, là người già bị con cái hắt hủi mới vào viện dưỡng lão.
Theo ông, người già bao giờ cũng muốn sống cùng con cháu, ở nơi chôn rau cắt rốn của mình. Nhưng trong cuộc sống hiện đại, cháu thì đi học bán trú, học thêm; con đi làm cả ngày, gặp nhau cũng khó, các cụ vào trung tâm sẽ có bầu có bạn và được chăm sóc tốt hơn. Qua tìm hiểu thông tin từ các cụ già sống tại đây thì đa phần các cụ hài lòng và thấy vui vẻ. Nhiều cụ không muốn về nhà, bởi hàng tuần con cái đều đến thăm, nếu về nhà thì quá nửa thời gian là ở một mình. Không ít cụ già “nửa kia” đã ở nơi chín suối, nên chọn cuộc sống an nhàn, thanh thản ở viện dưỡng lão.
Cũng phải nói thêm, đã có những đứa con đặt trách nhiệm chăm sóc cha mẹ già cho trung tâm. Nhưng đó chỉ là những “con sâu làm rầu nồi canh”. Chúng ta nên cởi mở, nghĩ thoáng để thấy rằng, đảm bảo sức khỏe, an toàn và một đời sống thanh thản, vui vẻ cho đấng sinh thành là trách nhiệm của con cái, dù các cụ ở nhà hay viện dưỡng lão.
Sơn Bình