[links()] “Để lực lượng công an xã hoạt động bài bản, tránh những sự cố đáng tiếc và đáp ứng được yêu cầu trong tình hình mới, Bộ Công an sẽ điều động sỹ quan, hạ sỹ quan Công an nhân dân về đảm nhiệm các chức danh công an xã tại 3.000 xã trọng điểm, phức tạp về an ninh trật tự trên toàn quốc”, Cục trưởng Cục Xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, Thiếu tướng Nguyễn Đình Thuận, cho biết.
|
Ảnh minh họa từ Internet. |
Theo tướng Thuận, hiện cả nước có 12 vạn công an xã - lực lượng nồng cốt trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc ở cấp cơ sở. Thực tế, ngoài những đóng góp tích cực trong việc bảo an vệ an ninh ninh trật tự, thời gian gần đây cũng đã xảy ra một số vụ việc đáng tiếc liên quan đến lực lượng này. Vì vậy, đã có trường hợp công an xã bị xử lý kỷ luật Đảng, chính quyền, bị truy tố trước pháp luật hoặc ra khỏi ngành.
“Tuy nhiên, theo thống kê thì tỷ lệ sai phạm của công an xã là 0,56%/năm - con số này vẫn thấp hơn so với Công an chính quy.” - ông Thuận nói.
- Thưa Thiếu tướng, những tồn tại, bất cập trong lực lượng công an xã bắt nguồn từ đâu?
- Bất cập lớn nhất hiện nay là điều kiện đảm bảo hoạt động cho lực lượng này, nói chính xác là vấn đề chế độ, thu nhập đối với họ, vẫn còn nhiều điều chưa ổn. Theo quy định hiện hành, thì chỉ có Trưởng công an xã được công nhận là công chức.
Phó công an xã chỉ được hưởng phụ cấp 0,7%/tháng, Công an viên chỉ có 0,5%/tháng. Trách nhiệm rõ ràng là cao trong khi thu nhập của họ khi còn thấp hơn một anh phụ hồ, hay một người lao động phổ thông khác. Chỉ một số ít địa phương có điều kiện, có sự quan tâm nhất định như TP.HCM, Nam Định, Hải Phòng Vĩnh Phúc… thì anh, em có khá hơn tí chút, còn lại vẫn rất thấp, chẳng hạn ở Lai Châu (thấp nhất), công an viên chỉ được hưởng hệ số 0,35 tức là tương đương với 255.000 đồng/tháng; cao nhất là TP.HCM thì cũng chỉ có 1.200.000 đồng/tháng.
Bộ Công an có Điện chấn chỉnh hoạt động công an xã
Sau một số vụ việc công an xã lạm dụng quyền hạn khi thi hành nhiệm vụ gây hậu quả nghiêm trọng… mà PLVN đã phản ánh, Trung tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an đã ký Điện số 535 gửi Giám đốc Công an các tỉnh, thành phố yêu cầu Công an các địa phương chỉ đạo lực lượng công an xã thực hiện tốt nhiệm vụ, quyền hạn được giao theo đúng quy định tại Pháp lệnh công an xã, Nghị định 73 của Chính phủ và Thông tư 12 của Bộ trưởng Bộ Công an.
|
- Pháp lệnh công an xã quy định quyền, nghĩa vụ đối với lực này mới có hiệu lực được 3 năm, nhưng trên thực tế thì đã có nhiều bất cập. Có phải khi xây dựng văn bản quy phạm pháp luật này, chúng ta chưa định liệu được những vấn đề vừa nêu?
- Không phải vậy. Tôi nhớ, trước khi ban hành Pháp lệnh công an xã, tôi đã nhiều lần bảo vệ quan điểm của ngành Công an về chế độ chính sách đối với công an xã trước Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội nhưng không được chấp thuận. Mọi chuyện bắt nguồn từ chỗ ngân sách không kham nổi.
- Khi nói đến những yếu kém, tồn tại của lực lượng công an xã, ngành Công an thường lý giải nguyên nhân chính là do chế độ đãi ngộ thấp, còn việc lực lượng này chưa được đào tạo, chuẩn hóa về chuyên môn, nghiệp vụ,… thường được xem là nguyên nhân thứ yếu?
- Quyền lợi và trách nhiệm phải tỷ lệ thuận với nhau thì hiệu quả và tính trách nhiệm trong công việc mới cao lên được. Thực tế, vấn đề đảm bảo an ninh trật tự cần phải làm tốt từ cấp cơ sở, vì rõ ràng tội phạm cũng xuất phát từ cơ sở mà ra chứ không phải từ trên trời rơi xuống nên cần phải quan tâm, chú trọng tới việc đãi ngộ cho các lực lượng ở cơ sở để phát hiện, ngăn chặn kịp thời như vậy phong trào mới vững chắc.
Riêng về khâu đào tạo, chuẩn hóa chuyên môn, nghiệp vụ chúng ta có thể làm từng bước. Theo đó, đến nay, trên toàn quốc 63 tỉnh, thành phố đã phối hợp với các Trường Trung cấp Công an nhân dân tổ chức được hơn 140 lớp đào tạo Trưởng công an xã cho hơn 1,4 vạn Trưởng công an xã và cán bộ dự bị nguồn chức danh Trưởng công an xã; trong đó, có 123 lớp trình độ trung cấp và 18 lớp sơ cấp.
Ngoài ra, từ năm 2009 đến hết năm 2011, toàn quốc đã tổ chức được 1.196 khóa bồi dưỡng, huấn luyện cho 107.787 lượt công an xã bao gồm Trưởng, Phó công an xã, công an viên thường trực và công an viên thôn, xóm.
- Giải pháp khắc phục những tồn tại, bất cập liên quan đến công an xã sẽ được giải quyết theo hướng nào trong thời gian tới, thưa Thiếu tướng?
Về chế độ, cần sửa đổi Nghị định về công chức xã theo hướng đưa Phó công an xã vào công chức nhà nước, nâng mức phụ cấp đối với công an viên từ 0,5% lên 1,0%. Xung quanh vấn đề này, một số địa phương như Nam Định, Đồng Nai, Thái Nguyên… đã có quyết định ban hành đề án liên quan đến lĩnh vực tổ chức, chế độ, đầu tư trang thiết bị cho công an xã…, điển hình như ở Nam Định người ta tháo gỡ vấn đề này bằng cách bố trí Phó công an xã kiêm công tác Tư pháp - Hộ tịch ở xã và những đồng chí này sau đó sẽ được công nhận là công chức xã.
“Trước khi ban hành Pháp lệnh công an xã, tôi đã nhiều lần bảo vệ quan điểm của ngành Công an về chế độ chính sách đối với công an xã trước Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội, nhưng không được chấp thuận, bởi cứ động đến chuyện tiền nong, kinh phí thì họ lại giẫy nẩy lên...”, Thiếu tướng Nguyễn Đình Thuận, Cục trưởng Cục Xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. |
Còn ở Vĩnh Phúc đã có đề án xây dựng, củng cố toàn diện công an xã trong đó có sự thay đổi về chế độ phụ cấp, trang bị công cụ hỗ trợ, đào tạo, huấn luyện; cụ thể ở tỉnh này, Phó công an xã tổng hệ số phụ cấp đã được nâng lên 2,06%, công an viên là 1,63.
Ngoài ra, để đảm bảo yêu cầu trong tình hình mới, Bộ Công an đã xem xét và quyết định công nhận trên toàn quốc có 3.000 xã trọng điểm, phức tạp về an ninh trật tự. Theo đó, Bộ chỉ đạo Công an các địa phương điều động, bố trí sỹ quan, hạ sỹ quan Công an nhân dân về những xã này để đảm nhiệm các chức danh công an xã. Việc này rất cần thiết vì Công an chính quy được đào tạo bài bản có thể điều hành, xử lý công việc ở những địa bàn phức tạp mà lực lượng công an xã ở nhưng địa phương vì một số lý do nên không đảm đương được.
Tuy nhiên, qua kiểm tra đề án này trên toàn quốc, thì công tác điều động vẫn chưa được một số địa phương triển khai hoặc còn chậm dù Bộ trưởng Bộ Công an đã có quyết định công nhận danh sách các xã trọng điểm, phức tạp về an ninh trật tự.
“Không nên trang bị vũ khí tới “tận chân, tận răng” cho lực lượng này, ngay Công an chính quy như chúng tôi việc trang bị vũ khí còn đang xem xét để hạn chế. Gần dân mà mình cứ mang theo súng ống hầm hố tự dưng thấy nó có khoảng cách, và đôi khi cũng phản cảm. Vì vậy, chúng tôi chỉ trang bị công cụ hỗ trợ cho họ.” - Thượng tá Phạm Xuân Khánh, Phó Trưởng Công an huyện Yên Thành (Nghệ An). |
- Pháp lệnh công an xã 2009 cho phép trang bị vũ khí cho lực lượng này. Tuy nhiên, một số ý kiến lại nói không nên trang cấp vũ khí cho công an xã vì đến nay, nhiều người vẫn chưa qua công tác đào tạo, chuẩn hóa.. Ý kiến của Thiếu tướng về vấn đề này?
- Toàn bộ công an xã đã được trang bị công cụ hỗ trợ. Còn vũ khí quân dụng thì chỉ một số nơi ở phía Nam. Việc này luật pháp cho phép, vì vậy quan điểm của tôi là nên trang bị vũ khí cho lực lượng công an xã để họ đảm bảo việc thi hành nhiệm vụ, nhưng phải giám sát, quản lý việc cất giữ và sử dụng đúng theo quy định thì cũng không có gì đáng ngại.
- Xin cảm ơn Thiếu tướng.
Tuấn Anh - Phi Hùng (thực hiện)