Nhiều gia đình đang phải cắt giảm chi tiêu để có thể đảm bảo lượng sữa cho con cái mình trong bối cảnh các mặt hàng sữa cứ đều đặn tăng giá một cách “vô cảm”.
Điệp khúc tăng giá
Trước tết Nguyên đán Quý Tỵ, khi đi mua sữa Pedia sure của Abbott (Hoa Kỳ) mà con vẫn quen dùng, ở cửa hàng nào chị Hoàng (Ba Đình, Hà Nội) cũng nhận được cái lắc đầu của người bán vì “hết hàng”, “công ty chưa kịp chuyển”.
|
Một đại lý quen của chị, sau khi vét đưa cho chị những hộp sữa cuối cùng, đã bình luận, “kiểu găm hàng này, chắc rồi lại sắp tăng giá đây”.
Ngay ngày đầu tiên đi làm sau khi nghỉ Tết, chị được đại lý báo tin công ty đã chính thức gửi bảng giá nhập hàng mới với mức tăng khoảng 12%.
Cùng thời điểm, không chỉ Abbott tăng giá đối với các nhãn hàng sữa của mình. Người nội trợ kinh tế hạn hẹp như chị Hoàng và nhiều người khác không có lựa chọn, khi “đường lui” là sữa nhãn hiệu Việt Nam như Vinamilk cũng được đại lý cho biết đã thông báo tăng giá khoảng 15%.
Như vậy, mỗi hộp sữa loại 900gam sẽ tăng giá thêm vài chục ngàn đồng.
Ngay trước Tết, hãng Enfa cũng thông báo tăng giá đối với các nhãn hàng sữa của hãng này, mức tăng khoảng 10%. Enfa Grow A+3 loại 400g giá nhập hàng tăng từ 191.800 đồng lên 211.000 đồng một hộp.
Giá hãng gợi ý dành cho người tiêu dùng là 219.000 đồng. Sữa Enfa Mama A+ Vannila 900gr từ 351.000 đồng tăng lên 387.000 đồng một hộp. Nhãn hàng đặc trị Enfalac A+Gentle Care 352g giá 245.000 đồng tăng lên 270.000 đồng, giá bán lẻ gợi ý là 280.800 đồng.
Hãng sữa Dumex cũng tăng giá khoảng 9%, đưa giá sữa Dumex Gold hương tự nhiên 800g (bước 3) từ 356.000 đồng tăng lên 392.000 đồng một hộp, Dumex Gold hương tự nhiên Vanilla 1,5kg (bước 3) từ 595.000 đồng lên 655.000 đồng một hộp, Dumex Gold hương tự nhiên 1,5kg (bước 4) từ 449.000 đồng tăng 494.000 đồng.
Theo tính toán của chị Huyền Anh (thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa), nếu cố giữ cho hai con đủ tiêu chuẩn 500ml sữa Abbott Gain mỗi ngày, hàng tháng gia đình chị sẽ phải đội chi phí thêm khoảng 400.000 đồng tiền sữa.
Nếu chuyển sang sữa Vinamilk, chi phí trước mắt có thể không tăng, nhưng các con sẽ phải làm quen với một hương vị mới, và bố mẹ phải chuẩn bị cho những đợt tăng giá có thể đến trong nay mai.
“Bố mẹ có thể nhịn ăn nhịn mặc, nhưng ai nỡ bắt con nhịn sữa. Vả lại, trong khi cả xã hội đều ý thức được việc cho trẻ em uống sữa là đầu tư cho tương lai, thì tại sao chi phí đầu tư xã hội lớn đó lại luôn chỉ trút xuống đầu các ông bố bà mẹ? Các hãng cứ tăng giá sữa đều đều trong bối cảnh kinh tế khó khăn thế này thì không cứ trẻ em nông thôn, mà con cái chúng tôi ở đô thị cũng phải dần cắt xén khẩu phần sữa thôi” – chị Huyền Anh phàn nàn.
Lách luật với lý do… giời ơi
Nguyên nhân của đợt tăng giá sữa trước Tết, theo lý giải của đại diện Dumex và Mead Johnson, là do thay đổi mẫu mã, bao bì. Đây là lý do được nhiều hãng sữa lựa chọn, và đã được lặp đi lặp lại nhiều lần. Lý do lần tăng giá chuẩn bị được áp dụng mới đây cũng được đại diện Abbott giải thích với các đại lý là do thay đổi bao bì, tên gọi.
Trước Tết, giữa nhiều thông tin về việc các hãng sữa tăng giá, đại diện Cty Nestle Việt nam đã chia sẻ với báo chí, hãng này chưa có kế hoạch điều chỉnh giá vì các yếu tố đầu vào vẫn ổn định.
“Các nguyên nhân cơ bản tác động đến giá sữa là nguyên liệu đầu vào và các yếu tố sản xuất, chính sách không thay đổi, việc hãng sữa điều chỉnh giá chỉ vì muốn “làm mới vỏ hộp” là khó chấp nhận” – anh Nguyễn Quang Vinh, chuyên gia kinh tế, nhận định.
“Việc thay đổi bao bì này thực ra là một chiêu “lách luật” mà các hãng sữa vẫn thường áp dụng khi muốn tăng giá mà trong khi giá cả nguyên vật liệu đứng yên” – chủ một đại lý trên phố Đội Cấn (Ba Đình, Hà Nội) chia sẻ - “Theo đó, chỉ cần nhà sản xuất thay đổi một chút ở tên gọi, hay nắp bình sữa, hãng có thể điều chỉnh niêm yết mà không cần đăng ký lại giá với cơ quan chức năng”.
Sữa nằm trong danh mục hàng bình ổn giá, và sữa bột cho trẻ dưới 6 tuổi bắt buộc phải kê khai, niêm yết giá và bán theo giá được niêm yết.
Theo quy định của pháp luật, khi giá biến động, cơ quan quản lý giá sẽ yêu cầu doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sữa phải báo cáo lý do tăng giá bất thường.
Năm 2012, Bộ Tài chính cũng ban hành hàng chục văn bản để bình ổn giá sữa. Thế nhưng, bất chấp những biện pháp “siết chặt” của cơ quan quản lý, thực tế thị trường sữa, đặc biệt là sữa bột dành cho trẻ dưới 6 tuổi, vẫn đang biến động làm “liêu xiêu” không ít gia đình trẻ cuộc sống còn nhiều khó khăn.
“Thật là phi lý, thay đổi bao bì là chiến lược kinh doanh của DN, tại sao lại bắt người tiêu dùng gánh chịu?” – chuyên gia kinh tế Nguyễn Quang Vinh bình luận – “Bài học giá trứng gà vừa qua là kinh nghiệm để cơ quan quản lý đưa ra những biện pháp quản lý thị trường sữa hiệu quả hơn”.
Bách Nguyễn