Trả lại màu xanh cho ao hồ nhờ sự chung tay của cộng đồng
Trên địa bàn quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) có khoảng 45 hồ, ao. Theo các kết quả quan trắc đánh giá chất lượng nước mặt cho thấy, nhiều điểm đã bị ô nhiễm, nhất là các ao, ngòi nằm trong các làng xóm, khu dân cư cũ, ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống, sức khỏe của người dân.
Cuối năm 2016, quận đã tổ chức hội thảo với các đơn vị liên quan, xem xét điều kiện thực tiễn và quyết định chọn ao Dài ở khu dân cư Tổ dân phố số 2 và số 4 Mễ Trì Hạ, phường Mễ Trì làm mô hình thí điểm.
Để thực hiện, UBND phường Mễ Trì thành lập Tổ giám sát ô nhiễm môi trường nước, đảm nhận vai trò tiên phong trong các hoạt động giám sát ô nhiễm nước tại ao Dài. Tổ có 14 thành viên gồm đại diện Hội Phụ nữ, Thanh tra nhân dân; bảo vệ tổ dân phố, tổ trưởng tổ dân phố, người dân sống chung quanh ao...
Tổ giám sát cộng đồng cùng các hộ dân được dự lớp tập huấn, cung cấp các kiến thức về phương pháp quản lý, giám sát môi trường nước mặt dựa vào cộng đồng, từ đó góp phần nâng cao nhận thức và kỹ năng giám sát ô nhiễm cho cộng đồng. Tổ giám sát được trang bị một số thiết bị đo nhanh chất lượng môi trường nước tại ao. Cộng đồng dân cư nơi đây đã cùng nhau thảo luận, xây dựng kế hoạch giám sát và kinh phí hỗ trợ cho hoạt động giám sát ô nhiễm môi trường nước tại ao Dài...
Sau khi đã được trang bị kiến thức, kỹ năng cũng như các phương tiện, Tổ giám sát cộng đồng tiến hành các hoạt động tuyên truyền giữ gìn vệ sinh môi trường. Định kỳ sáng thứ bảy hằng tuần, tổ vận động người dân sống chung quanh ao tham gia dọn dẹp vệ sinh môi trường ở khu vực, vớt rác thải trong ao.
Các hộ dân cam kết tự giác chấp hành, nhắc nhở người khác cùng tuân thủ quy định không xả rác thải xuống ao, không bán hàng lấn chiếm lòng, lề đường, xả rác bừa bãi. Hằng ngày, Công an phường phối hợp bảo vệ tổ dân phố thường xuyên kiểm tra nhắc nhở hoặc xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán chung quanh ao vi phạm vệ sinh môi trường, lấn chiếm lòng, lề đường.
Phòng Tài nguyên - Môi trường của quận phối hợp Công ty Thoát nước Hà Nội xử lý nước ao bằng chế phẩm sinh học Redoxy-3C và thả bè thủy sinh. Chỉ sau một thời gian ngắn, ao Dài vốn là ao tù nước đọng, chứa nhiều rác, nước bẩn hôi tanh nồng nặc đã được làm sạch, trả lại vẻ đẹp trong lành, êm đềm trong khu dân cư đông đúc.
Tháng 7/2019, tại Hội nghị giao ban báo chí Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, lãnh đạo quận Nam Từ Liêm đã thông tin về việc nhân rộng mô hình cộng đồng tham gia giám sát ô nhiễm mặt nước. Theo đánh giá của lãnh đạo quận, chỉ sau một thời gian, ao Dài vốn là ao tù nước đọng, chứa nhiều rác, nước bẩn hôi tanh nồng nặc đã được làm sạch, trả lại vẻ đẹp trong lành.
Trên cơ sở thành công của mô hình này, thời gian tới chính quyền quận tiếp tục chỉ đạo các phòng ban, UBND các phường nhân rộng mô hình cộng đồng tham gia giám sát ô nhiễm mặt nước tại tất cả ao hồ trên địa bàn.
Về phía người dân, ông Đỗ Huy An,Tổ trưởng dân phố số 2 Mễ Trì Hạ cho biết, những hộ dân sống chung quanh ao phấn khởi lắm vì được hưởng không khí trong lành, cảnh quan đẹp. Họ không tùy tiện vứt rác, đổ nước bẩn xuống ao như trước, mà còn tham gia tổng vệ sinh vào sáng thứ bảy hằng tuần, quan sát nhắc nhở nhau, thấy rác dưới ao là bảo nhau vớt.
Tổ giám sát ngày nào cũng đi kiểm tra chất lượng nước ao bằng các thiết bị đo nhanh, thấy dấu hiệu vượt ngưỡng là báo cho phòng chuyên môn của quận có biện pháp xử lý. Tổ còn vận động làm thêm bè bèo thả trong ao để cải thiện chất lượng nước; đặt thêm hai thùng rác ở ven ao nhằm hạn chế hành vi xả rác bừa bãi…
Người dân có quyền biết để cùng thực hiện, cùng kiểm tra
Mới đây, ngày 21/2/2020, tại hội thảo “Chia sẻ kinh nghiệm thúc đẩy thực thi Luật Tiếp cận thông tin lần thứ 2” do Liên minh Châu Âu tài trợ, báo cáo của Liên minh nước sạch đã cho thấy những con số liên quan đến mô hình cộng đồng giám sát ô nhiễm nước ở Sơn La.
Theo đó, người dân thực sự muốn có thông tin liên quan đến chất lượng nguồn nước, tác động ô nhiễm nước, xử phạt các đơn vị gây ô nhiễm, các nguồn gây ô nhiễm…từ phía các cơ quan nhà nước. 97% số người được khảo sát trả lời quan tâm đến vấn đề ô nhiễm nước tại địa phương.
Người dân ở quận Nam Từ Liêm cùng tham gia giám sát ô nhiễm nước. |
Tương tự, ở Bình Dương, người dân đặt câu hỏi về ô nhiễm nước suối Bưng Cù ảnh hưởng đến sản xuất lúa, sức khoẻ như thế nào? ở Đà Nẵng, người dân quan tâm đến ô nhiễm nước Âu thuyền Thọ Quang gây mùi hôi khó chịu, rác thải nhựa trong nước biển có ảnh hưởng đến sức khoẻ không? ở Thái Bình, người dân thắc mắc chất lượng nước kênh cấp vào ao nuôi thuỷ sản có nguy cơ ô nhiễm và gây chết cho tôm, cá không?…
Cần nhìn nhận sự quan tâm này của người dân dưới hai góc độ luật pháp. Đó là các luật chuyên ngành như Luật Bảo vệ môi trường, Luật Tài nguyên và Luật Tiếp cận thông tin. Hiện nay, theo đánh giá của nhiều chuyên gia pháp lý thì các luật chuyên ngành mới chỉ quy định những nội dung thông tin phải công khai mà chưa quy định quy trình công khai và cung cấp thông tin theo yêu cầu của các cơ quan nhà nước.
Trong khi đó, Luật Tiếp cận thông tin được đánh giá là lấp khoảng trống mà các luật chuyên ngành chưa có; quy định quyền tiếp cận thông tin của công dân; quy định trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong công khai thông tin và cung cấp thông tin theo yêu cầu của người dân; yêu cầu cơ quan nhà nước ban hành quy chế, quy trình cung cấp thông tin cho người dân.
Ở Sơn La, theo báo cáo của Liên minh nước sạch, trong các năm 2016-2018 người dân đã cùng tham gia giám sát ô nhiễm nước khu vực đầu nguồn suối Bó Cá (đầu vào của nguồn nước sinh hoạt cho người dân thành phố Sơn La) và nhận thấy nguồn gây ô nhiễm là: rác thải (rác thải sinh hoạt hầu hết chỉ đốt, vỏ chai, lọ, bao bì thuốc bảo vệ thực vật chưa được xử lý tốt, còn vứt bừa bãi ra đầu nguồn nước); là nước thải sơ chế café (các doanh chưa kiểm soát được nước thải)…
Từ việc tham gia giám sát này người dân hiểu được quyền tiếp cận thông tin mà pháp luật đã trao cho mình để từ đó nhìn thấy các khó khăn đã và đang cản trở việc giám sát cộng đồng của họ. Còn chính quyền qua đó cũng hiểu được nhu cầu thực sự cũng như những rào cản trong tiếp cận thông tin của người dân để đánh giá việc thực thi Luật Tiếp cận thông tin.
Đừng bỏ qua sức mạnh internet
Theo Kết quả đánh giá thực thi Luật Tiếp cận thông tin dựa trên khảo sát với hơn 250 cơ quan nhà nước trên toàn quốc và nghiên cứu sâu hơn ở 8 tỉnh, thành phố gồm Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Điện Biên, Sơn La, Quảng Bình, Quảng Trị và Đà Nẵng thì vấn đề hạ tầng cung cấp thông tin cho người dân được đặc biệt lưu ý khi kết quả đánh giá cho thấy, 11% địa chỉ thư điện tử bị lỗi; trang thông tin điện tử của UBND cấp huyện và xã/phường do công chức Phòng VH-TT vận hành bị quá tải gây ảnh hưởng đến nguyên tắc kịp thời trong công khai và cung cấp thông tin; người dân khó sử dụng công cụ google để tìm kiếm trang thông tin điện tử của UBND xã/phường; cơ sở hạ tầng thông tin cũng chưa tiếp cận được với người khuyết tật…
Điều này cũng phù hợp với nhận định của các chuyên gia rằng Việt Nam chưa tận dụng được nền tảng công nghệ thuận lợi cho việc phổ biến kiến thức và chính sách pháp luật, trong khi đó Việt Nam hiện có khoảng 59,2 triệu người sử dụng internet, chiếm khoảng 60% dân số.
“Chúng tôi đánh giá cao việc Chính phủ khai trương Cổng Dịch vụ công quốc gia vào tháng 12/2019. Đây là bước đi lớn để đưa Chính phủ đến gần với người dân hơn và ngược lại” - bà Ngô Thu Hà- Giám đốc Trung tâm Thúc đẩy giáo dục và Nâng cao năng lực Phụ nữ (CEPEW) thay mặt Nhóm nghiên cứu cho biết.