Đưa mọi đối tượng liên quan ma túy đi cai nghiện để trong sạch địa bàn?

(PLO) -  “Nhiều địa phương muốn “trong sạch địa bàn” nên đưa tất cả những đối tượng có liên quan đến sử dụng ma túy, không phân biệt mức độ, có nơi cư trú hay không vào trung tâm cai nghiện nên quá tải”, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH cho biết.
Học viên tại Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội số I Hà Nội (ảnh: hanooi.gov.vn)

Sáng nay (18/4), Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH đã trả lời chất vấn tại phiên họp của UBTVQH về vấn đề chuyển đổi, quản lý các trung tâm cai nghiện trong cả nước.

Cai nghiện bắt buộc nhưng thiếu chế tài

Người sử dụng ma túy tổng hợp có rối loạn tâm thần và một số có hành vi ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự an toàn xã hội. Tổng kết của ngành Công an cho thấy, 60% vụ án liên quan đến ma túy.

Những người cai nghiện bắt buộc hầu như đã cai nghiện tại gia đình, cộng đồng nhưng đều là do “gia đình tự nguyện” chứ không phải do bản thân người nghiện.

Thời gian gần đây tại các tỉnh: Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tây Ninh đã để xảy ra sự việc học viên  cai nghiện gây rối tập thể, đập phá cơ sở, bỏ ra ngoài với số lượng lớn, gây tình trạng mất an ninh, trật tự trong khu vực địa phương.

Trả lời chất vấn của ĐBQH về nguyên nhân của tình hình này, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH chỉ ra, việc lập hồ sơ đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc của một số địa phương chưa đúng quy định của pháp luật như: việc xác định tình trạng nghiện; việc xác minh nơi cư trú dẫn đến sự bức xúc của các học viên.

Một số trường hợp cơ quan lập hồ sơ xác định là nghiện ma túy, người bị lập hồ sơ cho rằng họ mới sử dụng nhưng chưa nghiện; hay là việc cơ quan lập hồ sơ kết luận không có nơi cư trú ổn định, người bị lập hồ sơ lại cho rằng có nơi cư trú ổn định…

Thậm chí, “nhiều địa phương muốn “trong sạch địa bàn” nên đưa tất cả những đối tượng có liên quan đến sử dụng ma túy, không phân biệt mức độ, có nơi cư trú hay không vào trung tâm cai nghiện nên quá tải” – Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH cho biết.

 Cùng với đó, cơ sở chật vật chất, trang thiết bị xuống cấp quá tải; điều kiện ăn ở không đảm bảo (học viên phải nằm trên sàn bê tông, nhà vệ sinh không đảm bảo) tạo ra sự bức bối của học viên.

Cán bộ làm công tác tư vấn trị liệu, quản lý, tư vấn tâm lý và kỹ năng còn yếu, chưa được tập huấn bài bản, thiếu kinh nghiệm nắm bắt sớm các hiện tượng bất thường; thiếu thông tin nên không phân loại được học viên, để học viên có tiền án, tiền sự, học viên bất hảo ở chung với các học viên khác, đã kích động, lôi kéo các học viên đập phá cơ sở để trốn.

Học viên cai nghiện ma túy học nghề (ảnh: eva.vn)

Phần lớn người nghiện ma túy vào cai nghiện là nghiện ma túy dạng tổng hợp, thường bị rối loạn tâm thần và gần 40% học viên có tiền án, tiền sự nên luôn kích động, chống đối cán bộ.

Cán bộ làm việc tại cơ sở cai nghiện ma túy không được phép sử dụng các chế tài để răn đe, trấn áp, xử lý học viên có hành vi vi phạm nội quy, quy chế của cơ sở như: chống đối, chửi cán bộ, không tuân thủ quy trình cai nghiện…

Ngay cả khi học viên trốn ra ngoài thì cũng chỉ tìm và vận động họ quay lại nên học viên không sợ như tại Bà Rịa - Vũng Tàu, một học viên từng thú nhận với Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: “trốn ra nếu bị bắt thì lại quay về, không làm sao nên không sợ”.

Đề nghị chuyển đối tượng cai nghiện “cộm cán” sang cơ sở của ngành Công an

Một vấn đề nữa khiến ngành LĐTB&XH rất vất vả là sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong việc đảm bảo an ninh trật tự tại các cơ sở cai nghiện chưa thường xuyên, thiếu chặt chẽ.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung bày tỏ, Bộ LĐTB&XH là phải chịu trách nhiệm về tình hình trong trung tâm cai nghiện, nhưng là một cơ quan dân sự lại phải quản lý nhóm đối tượng liên quan đến ma túy, rất phức tạp nên khó khăn.

Trong khi đó, cơ quan công an chỉ chịu trách nhiệm bên ngoài trung tâm hoặc chỉ can thiệp khi được yêu cầu để đối phó với sự cố xảy ra trong trung tâm.

Vì vậy, để thực hiện tốt công tác quản lý học viên tại các cơ sở cai nghiện, Chính phủ, các Bộ, ngành đã chỉ đạo UBND các tỉnh, TP nghiên cứu xây dựng Quy định về tiêu chuẩn, định mức kỹ thuật, cơ sở vật chất, trang thiết bị của cơ sở cai nghiện đồng bộ, thống nhất. Bố trí đủ kinh phí để thực hiện tốt công tác cai nghiện tại địa phương.

Thực hiện tốt việc phân loại học viên ngay từ khâu tiếp nhận để có phương án sắp xếp, bố trí theo các Tổ, Đội phù hợp với từng loại học viên. Đảm bảo thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ cho học viên trong thời gian chấp hành cai nghiện tại cơ sở cai nghiện.

Tăng cường kỷ luật, kỷ cương, bảo đảm trật tự an toàn trong cơ sở cai nghiện cũng như địa phương nơi cơ sở cai nghiện trú đóng. Đối với những đối tượng cộm cán không chấp hành nội quy, quy chế của Cơ sở cai nghiện chuyển sang cơ sở giáo dục thuộc ngành Công an.

Hiện cả nước có 210.751 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý, tăng 10.617 người so với cùng kỳ năm 2015 (200.134 người); ngoài nghiện Heroin, số người sử dụng ma túy tổng hợp dạng Amphetamine (ATS), cỏ mỹ “XLR-11” tăng nhanh, đặt biệt ở các tỉnh, thành phố phía Nam như: TP HCM, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu....

Cả nước có 40.059 học viên được điều trị cai nghiện tại các cơ sở, trong đó cai nghiện bắt buộc theo quyết định của Tòa án cho 17.488 học viên, tăng 12.461 học viên so với năm 2015 (với 10.422 học viên không có nơi cư trú ổn định, chiếm 59,5%).

Cai nghiện tự nguyện tại cơ sở công lập cho 3.576 học viên; Điều trị thay thế bằng thuốc Methadone cho 53.070 người, trong đó tại các cơ sở của ngành y tế là 50.230 người, ngành LĐTB&XH là 2.840 người;

Cai nghiện tại cơ sở tư nhân: 5.300 học viên; Quản lý sau cai tại cơ sở quản lý sau cai: 1.763 học viên; Quản lý tại cơ sở xã hội là 2.583 người (trung bình quản lý từ 15-30 ngày). Cai nghiện tại cộng đồng cho 3.566 người. Quản lý sau cai tại cơ sở cai nghiện 2.943 người.

Đọc thêm