“Đũa thần” nào gỡ khổ cho lao động nữ ở nông thôn?

(PLO) - Việt Nam có gần 54 triệu lao động, gần 50% trong số này là lao động nữ. Hầu hết lao động nữ sống ở nông thôn làm những công việc giản đơn, vất vả, làm thì nhiều mà hưởng thì ít và nghỉ thai sản là giấc mơ khó thực hiện... 
Gần 50% phụ nữ nông thôn phải trở lại làm việc, lao động, sản xuất khá sớm sau khi sinh. Ảnh minh họa

Thiệt thòi đủ đường

Nghiên cứu của Viện Khoa học lao động và xã hội - Bộ LĐ-TB&XH về vấn đề lao động nữ cho thấy hầu hết lao động nữ làm việc trong những lĩnh vực có chuyên môn không cao. Cụ thể như công nhân da giày, dệt may, dịch vụ, chiếm hơn 70% tổng lao động trong các ngành này. Tỷ lệ lao động nữ khu vực phi chính thức khá cao, 62,4% lao động nữ làm việc trong gia đình không hưởng lương và tự làm; 41,1% lao động nữ làm những công việc giản đơn; hơn 43% lao động nữ làm công việc nông nghiệp. Tỷ lệ thất nghiệp ở lao động nữ cũng thấp hơn so với nam giới. Số liệu thống kê cũng cho thấy, phụ nữ làm công hưởng lương thấp hơn nam giới, trung bình là 4,58 triệu đồng so với 5,19 triệu đồng của lao động nam.

Cuối năm 2016, Trung ương Hội LHPN Việt Nam đã tổ chức nghiên cứu về “Thực trạng và đề xuất chính sách thai sản cho phụ nữ nông thôn” tại 3 tỉnh Hưng Yên, Quảng Trị, Đồng Nai với 600 phụ nữ có gia đình thuộc nhiều độ tuổi, nghề nghiệp; trình độ học vấn đa phần là thấp. Kết quả nghiên cứu ban đầu cho thấy, 1,9% chị em chưa đi khám thai trong suốt quá trình thai kỳ; 47% đi khám thai ở trạm y tế xã, số còn lại đi khám ở các cơ sở khác. 

Đặc biệt có đến gần 50% phụ nữ nông thôn phải trở lại làm việc, lao động, sản xuất khá sớm sau khi sinh, điều này dẫn đến sự hạn chế về điều kiện nghỉ dưỡng, chăm sóc sau sinh và nuôi con bằng sữa mẹ; trên 60% phụ nữ nông thôn mang thai có nguồn thu nhập chính của gia đình là từ người chồng, chỉ có 3,4% có thu nhập chính từ bản thân.

Kết quả khảo sát cũng cho thấy có đến trên 90% phụ nữ nông thôn mang thai không được Nhà nước, địa phương hỗ trợ...Khảo sát nhu cầu, mong muốn của chị em cho thấy, có đến trên 65% phụ nữ nông thôn mang thai lần đầu cho rằng Nhà nước nên có chính sách hỗ trợ chi phí sinh con tại cơ sở y tế, được hỗ trợ tiền mặt khi sinh con đúng chính sách dân số…

Giải pháp nào hiệu quả?

Từ hai nghiên cứu này có thể tổng kết một hiện trạng rằng, phụ nữ nông thôn đang phải đối mặt với nhiều vấn đề tồn tại liên quan đến công việc và sức khỏe. Ô nhiễm môi trường sản xuất nông nghiệp và nông thôn tác động xấu đến sức khỏe của phụ nữ nhiều hơn nam giới, bởi phụ nữ là người đảm nhận chính các hoạt động sản xuất, trồng trọt và chăn nuôi.

Việc thực hiện chức năng sinh sản của phụ nữ cũng là một gánh nặng khi phụ nữ nông thôn không được hưởng các chế độ thai sản như phụ nữ thuộc các lĩnh vực làm công ăn lương khác, họ cũng không được hưởng các tiêu chuẩn về bảo hiểm xã hội, y tế trong thời gian mang thai, sinh nở.

Trăn trở về vấn đề tìm giải pháp để phụ nữ nông thôn khỏi thiệt thòi đủ đường, bà Nguyễn Thị Tuyết Mai - Trưởng ban Gia đình - Xã hội, Trung ương Hội LHPN Việt Nam nêu quan điểm rằng: “Hiện nay, phần đông phụ nữ nông thôn đang phải hoạt động ở những ngành nghề nặng nhọc và độc hại, ảnh hưởng tới sức khoẻ sinh sản, trong khi nhận thức của người dân và bản thân phụ nữ về chăm sóc sức khoẻ khi mang thai và nuôi con nhỏ còn hạn chế; thời gian nghỉ ngơi, chế độ dinh dưỡng trước và sau khi sinh chưa được quan tâm đúng mức…

Hơn nữa, nhóm phụ nữ ở nông thôn, phụ nữ làm việc ở khu vực phi chính thức hiện chưa nhận được sự ưu tiên từ chính sách thai sản. Họ chưa được nghỉ sinh và cho con bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu như khuyến cáo nên cần xem xét có quy định hỗ trợ nhóm này”.

Giám đốc Trung tâm Phụ nữ và Phát triển bà Cao Hồng Vân cho biết: “Chúng tôi đã nghĩ đến việc xây dựng chính sách này từ lâu, tuy nhiên việc nghiên cứu, hoàn thiện chính sách này gặp rất nhiều khó khăn. Bởi số lượng phụ nữ nông thôn, buôn bán nhỏ rất lớn (chiếm 72% phụ nữ cả nước), việc chi ngân sách hỗ trợ kinh tế cho nhóm này rất khó thực hiện. Hơn nữa, việc chị em ở nông thôn thực hiện quy định nghỉ tuyệt đối trong một khoảng thời gian nào đó cũng khó quản lý… Việc giải quyết những vấn đề xung quanh việc đưa ra chính sách thai sản cho phụ nữ nông thôn, đưa ra một phương thức phù hợp cần phải có thời gian và cần sự chung tay của các đoàn thể, các tổ chức trong xã hội”.

Đọc thêm