Tấm lưng gầy của người mẹ gần như đã sụp xuống, mồ hôi và nước mắt vã ra như tắm, nhưng nghị lực và tình yêu thương đã hết lần này đến lần khác tiếp sức cho chị cứu sống “người con” không máu mủ ruột rà.
Mẹ con đồng cảnh ngộ
Từ quốc lộ 50 (đoạn qua xã Đa Phước, huyện Bình Chánh) rẽ vào một con đường hẹp quanh co, hai bên là ruộng đồng xanh ngắt. Hỏi đến nhà của chị Hồng bán vé số có người con nuôi mắc bệnh ung thư não, không ai là không biết đến.
Nơi ở của mẹ con chị nằm tít cuối ngõ cụt của đoạn đường ruộng gồ ghề, là mảnh đất trống khoảng 15 m2 nằm giữa hai căn nhà (1 nhà xây và một nhà lá), phía trên có mái lá che chắn còn bốn bề trống hoác. Nếu người phụ nữ gầy gò trông già hơn tuổi đang ngồi khom lưng nhặt rau không giới thiệu là nhà thì có lẽ ai cũng nghĩ rằng đó là cái chái bếp của căn nhà bên cạnh.
Chị Hồng vốn là trẻ mồ côi. Cha mẹ đã mất vì bạo bệnh khi chị còn thơ dại. Ngày cha mẹ không may qua đời, chị may mắn được người bà cô bên họ nội thương tình ẵm về chăm nom. Cô của chị cũng chẳng khấm khá gì, bởi cả hai vợ chồng đều làm thuê làm mướn lại đông con. Lớn lên chị đi làm thuê làm mướn, từ giặt áo quần, giữ trẻ, thậm chí là bốc vác, quét rác ở các khu chợ...
Năm 23 tuổi, khi đang làm thuê cho một gia đình ở quận 10 chị Hồng đem lòng yêu thương một người đàn ông làm thợ hồ. Chị rớt nước mắt kể: “Khi tui đang mang thai đứa con đầu lòng được 8 tháng thì vợ chồng thường sinh sự cãi vả. Một ngày anh bực dọc đi làm rồi đến tối cũng không về nhà. Tui tưởng anh chỉ giận dỗi đi đâu đó vài ngày rồi về với vợ con nhưng không phải vậy.
Anh đi mà cũng không nói với tui một câu. Một mình tui vượt cạn sinh nở cận kề cái chết, may mà được cô và vài người hàng xóm giúp đỡ. Khi con gái của tui đã được 6 tuổi, anh mới trở về, cũng không nhìn mặt con, chỉ kêu tui ký vào tờ đơn ly dị...”
Người phụ nữ dáng gầy xác ve ôm đứa trẻ bên cạnh vào lòng: “Còn đây là con nuôi tôi. Tội nghiệp nó, có mẹ nhưng bị mẹ bỏ rơi từ khi mới sinh. Tui thương nên ôm về nuôi coi như con đẻ. Mấy năm nay nó bệnh tật suốt, đã mấy lần chết hụt nên giờ trở nên khù khờ, không chủ động được sinh hoạt cá nhân, không biết mình tên là gì, bao nhiêu tuổi”.
Khoảng 14 năm về trước, chị Hồng gặp người phụ nữ sinh ra bé Tâm tại cổng của một bệnh viện tư. “Tui đi bán vé số ngang qua thì gặp, nghe cô ấy than thở muốn bỏ đứa bé nhưng giờ cái thai đã quá lớn không bỏ được. Cô ấy nói sau khi sinh sẽ cho người ta nuôi, hi vọng người đó cho mình một khoản tiền để trang trải chứ bản thân không có khả năng nuôi dưỡng.
Tui thấy tội nghiệp quá nên thuyết phục cố gắng nuôi con chứ cho người ta biết người đó có thương như mình. Khoảng 1 tháng sau, tui lại gặp. Cô ấy dúi đứa bé vào tay tui nói nhờ tui trông hộ vài ngày vì giờ không nhờ được ai. Nói rồi cô ấy bỏ đi và sau đó không một lần tìm về nhận con nửa”.
Chị kể thêm: “Tui cũng có con nhỏ. Một mình tui phải nuôi 3 miệng ăn, quần quật làm bao nhiêu cũng không đủ chạy gạo. Khi bé hơn 1 tuổi, chờ mãi không thấy mẹ của bé đến tìm, tui ôm bé ra công an phường trình báo để nhờ tìm mẹ cho bé, nhưng người ta kêu giờ chỉ còn cách đưa bé vào trại trẻ mồ côi. Nghe đến đó tui không kìm được nước mắt, không đành lòng để bé phải chịu những bất hạnh không cha mẹ, tui lại ôm bé về đặt tên là Nguyễn Hồng Tâm theo họ của tui, mẹ con rau cháo nuôi nhau”.
Hơn 10 năm ở bệnh viện nhiều hơn ở nhà
Bé Tâm khi sinh ra cũng bình thường như những đứa trẻ khác, nhưng từ năm 3 tuổi thì móng tay móng chân bắt đầu xuất hiện những vết lở loét. 5 tuổi, Tâm đã phải chịu đựng những cơn sốt dai dẳng hành hạ, ở vùng má phải bị một khối u lớn. Thương con, chị Hồng vét hết tất cả số tiền dành dụm được ôm con đến bệnh viện cầu cứu.
Chị phải vay mượn thêm từ nhiều nơi mới đủ nộp tiền phẫu thuật khối u cho con. Từ viện trở về nhà, Tâm dần khá hơn nhưng chỉ một thời gian sau bệnh tình lại tái phát, thường xuyên bị lên cơn sốt mê man kèm theo những cơn co giật.
Lần thứ hai đưa con đến bệnh viện, Tâm được chuẩn đoán mắc phải căn bệnh viêm não úng tủy. Người mẹ dù không một ngày mang nặng đẻ đau nhưng thương đứa con nuôi như con đẻ: “Bác sĩ nói phải phẫu thuật, bảo tui chuẩn bị trước 100 triệu. Tui không có tiền, không còn biết vay ai vì khoản nợ trước còn chưa trả. Tui phải đưa cháu về cầm cự. Khi đau quá tui lại đành ôm con lên viện nằm.
Lần thứ 3, cháu bị viêm màng não mủ. Phải nằm đến liệt giường, phù nề toàn thân. Tui sợ con “đi” đến nỗi đêm nào cũng thức trắng để chắc chắn rằng con còn thở. Lúc đó, may mắn được nhiều người hảo tâm thương tình gom góp cho tui có được tiền phẫu thuật”.
Vết thương cũ chưa kịp lành thì năm 2013 Tâm bị phát hiện đã di chứng trở thành ung thư não, phải chuyển đến bệnh viện Chợ Rẫy phẫu thuật tiếp khối u. “Nhiều năm mẹ con tui ở bệnh viện nhiều hơn ở nhà. Con gái tui phải nhờ lại người ta chăm sóc hộ, còn tui ở bệnh viện. Bệnh viện Chợ Rẫy mổ xong, lại chuyển bé về bệnh viện Nhi Đồng 1.
Lúc đó, bé đã rất yếu, các bác sĩ nói rằng bé chỉ còn 1 phần sống, bảo tui đưa cháu về chỉ chờ “ra đi” được thanh thản. Ngày hôm sau, bé đã ngừng thở hoàn toàn. Tui ôm con khóc cạn cả nước mắt. Khi đó, không có tiền làm tang cho con, có người thương tình xin được cho cháu chiếc hòm. Trong khi mọi người đang cầu nguyện, tui sờ vào tay cháu thì những ngón tay bất ngờ cử động. Ai nấy cũng hốt hoảng đưa cháu ra ngoài chuyển đến bệnh viện, may mắn cháu được hồi sinh”.
Sau lần chết đi sống lại đó, Tâm trở nên khù khờ. “Nó vui thì chơi chứ buồn là la hét, hay cắn tui. Vệ sinh cá nhân cũng không chủ động được. Nhiều khi phát bệnh, nó không biết mình là ai, nhà ở đâu nên cứ chạy đi lang thang. Năm nay thôi nó đã “mất tích” đến 4 lần, may mà còn tìm được.
Hồi trước, 3 mẹ con chị thuê trọ ở quận 10. Nhưng từ ngày bé Tâm lâm bệnh, chị không kiếm được tiền nên chuyển về xã Đa Phước sinh sống. Để tiết kiệm, mẹ con chị thuê căn chòi sâu cuối hẻm vì giá rẻ.
“Mẹ con tui chỉ cần kê cái giường ngả lưng. Đến ngày mưa gió, chủ nhà người ta thương cho mẹ con tui vào nhà trú nhờ. Vậy đã là may lắm. Khi mới chuyển đến chưa quen biết ai, những lần con phát bệnh, tui phải vượt đoạn đường dài cõng con ra tận đường lớn mới đón được xe lên bệnh viện. Về sau này, mọi người thương tình gặp lúc hoạn nạn đều cho mẹ con tui đi nhờ”.
Hàng ngày chị đi bán vé số, những lúc hết vé lại đi dọn nhà thuê. “Đi đâu tui cũng phải dùng dây dù buộc tay nó vào tay tui vì tui sợ nó phát bệnh chạy mất. Nghĩ đến cảnh nó phải sống lang thang đói khát nơi đường chợ thì tui không thể nào chợp mắt được.
Suốt những năm tháng đằng đẵng cơ cực, con bị bệnh tật hành hạ tui vẫn không buông xuôi huống hồ là bây giờ. Giờ tui chỉ mong nó được mạnh khỏe. Tui cũng bệnh tật đầy mình, không biết có thọ được bao lâu nhưng sẽ luôn dắt tay con đi đến đoạn đường cuối cùng, không để con phải bất hạnh, bơ vơ...”.