Bức tranh “Phật Quan Âm thiên thủ thiên nhãn” có kích thước khổng lồ 11,8 m x 16 m, trọng lượng trên 100 kg, được làm trên gấm và chỉ thêu cao cấp. Tranh cuộn này thuộc thể loại Thongdrol - tranh cuộn Phật giáo khổng lồ vùng Himalaya, được sản xuất trong thời gian kỷ lục 6 tháng để kịp khai mở vào dịp Lễ hội Quan Âm Đại Bảo Tháp Tây Thiên (Tam Đảo, Vĩnh Phúc).
Đây là Pháp bảo được Đức Gyalwang Drukpa, người đứng đầu Truyền thừa Phật giáo Kim cương thừa Drukpa thế giới, tặng Đại Bảo Tháp Tây Thiên nhân chuyến viếng thăm hoằng pháp của Ngài và Tăng đoàn Truyền thừa Drukpa tại Việt Nam (từ 14/3 đến 2/4/2017).
Món quà kỷ niệm mối Pháp duyên vừa tròn 10 năm của Ngài với đất nước Việt Nam, và đặc biệt với Đại Bảo Tháp Mạn đà la Tây Thiên, bảo tháp tâm linh do đích thân Ngài thiết kế, gia trì yểm tâm và hướng dẫn hoàn thiện. Đức Gyalwang Drukpa là bậc lãnh đạo tâm linh đứng đầu Truyền thừa Drukpa thuộc Phật giáo Đại thừa - Kim Cương thừa, có lịch sử khởi nguồn cách đây nghìn năm từ Ấn Độ.
|
Đức Gyalwang Drukpa tặng phật tử Việt bức tranh thêu phật quan âm khổng lồ |
Ngài được người dân vùng Himalaya tôn kính là hiện thân của Đức Phật Quan Âm và hóa thân chuyển thế của nhiều Đại Thành tựu giả trứ danh trong quá khứ như Đức Naropa, Đức Gampopa… liên tục trở lại nhân gian để lợi ích chúng sinh.
Ông Trần Chiến Thắng, Phó Chủ tịch Tổ chức kỷ lục Việt Nam, cho biết việc sáng tác bức tranh thêu Phật Quan Âm đòi hỏi tổ hợp 40 nghệ nhân thuộc các chuyên ngành vẽ, thêu, may, với sự hiện diện của các nghệ nhân cao cấp chuyên trách công trình tâm linh cho Hoàng gia Bhutan.
Tác phẩm không chỉ có kích thước khổng lồ mà còn là một kiệt tác nghệ thuật Phật giáo độc bản theo chuẩn mực cao nhất của Hoàng gia Bhutan. Bức tranh thể hiện hình ảnh Đức Đại Bi Quan Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn ở chính giữa. Đức Đại Trí Văn Thù ở phía dưới bên phải, Đức Đại Lực Kim Cương Thủ phía dưới bên trái, ở trên là hình ảnh Ngũ Trí Phật.
Suốt quá trình sáng tác, để đảm bảo sự tập trung và chất lượng tác phẩm, các nghệ nhân và thợ thủ công làm việc trong một hội trường lớn. Họ phải giữ gìn kỷ luật và rèn luyện tinh thần như trong các kỳ chuyên tu nhập thất của các tu sĩ Phật giáo.
Theo quan niệm, mỗi nét vẽ, mũi kim, đường chỉ đều là sự cúng dàng lên Đức Phật Quan Âm và lời ước nguyện thành kính để tình yêu thương của Đức Quan Âm nơi bức tranh cuộn được ban trải tới mọi hữu tình chúng sinh.
|
Bức tranh khổng lồ được các nghệ nhân Bhutan thực hiện suốt nửa năm |
Toàn bộ quá trình được thực hiện dưới sự giám sát nghiêm ngặt của các bậc Thượng sư (Rinpoche) và chư Tăng cao cấp. Mỗi bước đều được thực hiện theo các nghi lễ tâm linh và khi hoàn thiện có nghi thức gia trì, tịnh hóa riêng để đảm bảo sự thanh tịnh và linh thiêng của tác phẩm theo đúng truyền thống Phật giáo Himalaya.
Theo đánh giá của GS Đỗ Quang Hưng, Đại học Quốc gia Hà Nội, dường như Phật giáo Bắc tông và Nam tông ở Việt Nam xa lạ với truyền thống thờ phụng tranh Phật, đặc biệt là tranh Phật ở kích cỡ lớn và lộng lẫy cả về màu sắc và chất liệu như bức tranh cuộn Phật Quan Âm lần đầu tiên xuất hiện này.
“Vì thế, khi bức tranh quý trưng bày trong không gian hùng vĩ như ở đất Phật Tây Thiên, thì nó như càng cuốn hút, càng kích thích sự suy tư về Đức Quan Âm, về tâm Phật mà còn làm gia tăng “chiều kích” mới mẻ của nghệ thuật Phật giáo”- GS Hưng nhận định.
Trong dịp này, tranh cuộn Phật giáo sẽ được xác nhận kỷ lục Việt Nam là bức tranh thêu trên gấm do Tổ chức Kỷ lục Việt Nam Vietkings công nhận. Theo ông Trần Chiến Thắng, Phó chủ tịch Hội kỷ lục Việt Nam, đây là bức tranh Phật giáo lớn nhất và nặng nhất tại Việt Nam đến thời điểm hiện nay.