Đức Thọ (Hà Tĩnh): Người dân mất kế mưu sinh?

(PLO) - Đơn của người dân thôn 5 Đông Dũng, xã Đức Dũng, huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh đề nghị làm rõ việc gần 30 hộ dân bị “chèn ép” trong cuộc sống mưu sinh bằng nghề đánh bắt cá trên hồ thủy lợi Bình Hà nằm trên địa bàn hai xã: Đức Dũng, Nga Lộc (huyện Can Lộc), nhưng chưa một cơ quan nào giải quyết.
Người dân bức xúc trước sự việc dùng xuồng máy đâm chìm thuyền

Mất nghề đánh bắt cá…vì bản hợp đồng và “yêu sách” vô lý?

Được biết, hơn 30 năm qua, đã có nhiều thế hệ người dân xã Đức Dũng sinh sống chủ yếu dựa vào nghề đánh bắt cá tại hồ Bình Hà (tên thường gọi là hồ Khe Lang). Gần 30 hộ dân nhờ vào việc đánh bắt cá, tôm để nuôi con cái ăn học và từ năm 2000 đã vươn lên thoát nghèo nhờ vào việc mưu sinh trên hồ.

Nhưng tháng 09/2015, với tư cách là chủ quản lý của các công trình thủy lợi, trong đó có hồ Bình Hà, Công ty TNHH Một thành viên Thủy lợi Bắc Hà Tĩnh (Cty Thủy lợi Bắc Hà Tĩnh tại số 176, đường Trần Phú, thị xã Hồng Lĩnh) ký hợp đồng kinh tế với ông Đào Quốc Phong thầu sử dụng mặt nước hồ Bình Hà. Việc ký hợp đồng này chẳng khác nào đẩy người dân vào đường cùng vì mất kế mưu sinh trong 7 tháng qua.

Sự việc chưa dừng lại đó, phía ông Đào Quốc Phong sau khi ký hợp đồng đã ra “yêu sách” nếu người dân nào muốn đánh bắt cá trên hồ thủy lợi Bình Hà thì phải đóng 45 triệu đồng mới được tiếp tục đánh bắt, khiến nhiều hộ dân bức xúc…

Phản ánh với chúng tôi, ông Nguyễn T.A (SN 1978) bức xúc nói: “Hiện tại, chúng tôi không biết phải cầu cứu ai nữa. Theo tôi được biết cấp xã và huyện không có đủ thẩm quyền giải quyết việc này. Đồng tình với ý kiến của tôi, nhiều người cũng đã làm đơn lên UBND xã Đức Dũng, Công ty TNHH MTV Thủy lợi Bắc Hà Tĩnh, Sở NN&PTNT Hà Tĩnh và UBND tỉnh Hà Tĩnh, nhưng đến nay các cơ quan chức năng vẫn án binh bất động”.

Được biết, theo hợp đồng ký giữa Công ty TNHH MTV Thủy lợi Bắc Hà Tĩnh với ông Đào Quốc Phong thì mỗi năm ông Phong chỉ phải nộp 13 triệu đồng. Tuy nhiên, ngay sau đó phía ông Phong lại tự ý đưa ra “yêu sách” vô lý đối với người dân nơi đây nếu muốn đánh bắt cá phải nộp cho Tổ hợp đồng kinh tế của ông là 45 triệu đồng/1 hộ dân.

Một người dân phản ánh: Chúng tôi mong cơ quan chức năng và UBND tỉnh Hà Tĩnh sớm vào cuộc để chấm dứt tình trạng chèn ép từ phía ông Phong, cũng như làm rõ việc Công ty TNHH MTV Thủy lợi Bắc Hà Tĩnh ký hợp đồng như vậy có đúng không? Đồng thời sớm đưa ra giải pháp để cứu người dân nơi đây, khi cuộc sống mưu sinh hằng ngày cho mỗi gia đình đều trông chờ vào việc đánh bắt cá.

Cần quan tâm đến cuộc sống người dân

Kể từ khi có bản hợp đồng kinh tế trên, nhiều người dân xã Đức Dũng lao đao trong cuộc sống suốt 7 tháng qua. Theo những người dân cho biết, mỗi ngày họ kiếm được từ 150-200.000 nghìn đồng mỗi ngày nhờ việc đánh bắt cá trên hồ Bình Hà.

Tìm hiểu thêm chúng tôi được biết, một vài người dân đã gặp trực tiếp Giám đốc Công ty TNHH MTV Thủy lợi Bắc Hà Tĩnh với mong muốn sớm có phương pháp thỏa thuận với Tổ hợp đồng kinh tế nhằm tạo điều kiện giúp đỡ người dân sớm quay trở lại công việc đánh bắt cá. Mặc dù nhận được câu trả lời bằng miệng là: “Các hộ dân hãy vào đánh bắt cá như thường lệ, nhớ xin phép Tổ hợp đồng kinh tế là được”. Nhưng khi một số người dân đưa thuyền vào hồ đánh bắt cá, ngay lập tức bị Tổ hợp đồng kinh tế của ông Phong dùng xuồng máy tốc độ cao đâm làm thuyền chìm ngay tại chỗ. Rất may chưa có hậu quả chết người xảy ra.

Trao đổi với phóng viên, ông Đào Xuân Quế - Phó Chủ tịch HĐND xã Đức Dũng cho rằng: “Sau khi sự việc xảy ra chúng tôi phải họp hòa giải, nhờ sự can thiệp của Công an huyện Đức Thọ mới đảm bảo được an ninh trật tự. Hơn nữa tránh trường hợp gây gổ đánh nhau giữa các bên, không để xảy ra án mạng. Chính quyền xã không có thẩm quyền giải quyết, nhưng cố gắng ổn định lòng dân…”.

Trái với ý kiến trên, một người dân than thở: “Mới đây có cuộc họp hòa giải giữa các bên, nhưng chính quyền chẳng có một tình ý bảo vệ phía chúng tôi. Trong sự việc này, các cơ quan liên quan không giải quyết dứt điểm cho dân thì cũng phải sớm làm rõ vấn đề. Tốt hơn nữa đừng “ép dân” quá sẽ dẫn đến việc các con tôi buộc thôi học vì không đi đánh bắt cá được lấy đâu ra tiền nuôi con ăn học? Do đó, các cơ quan chức năng cần sớm giải quyết cho người dân chúng tôi ổn định cuộc sống...”.

Đọc thêm