Đừng bắt trẻ thành các… cụ

(PLO) -Tuần qua, trên mạng xã hội đã thu hút sự chú ý bởi chia sẻ của một nickname facebook có tên N.H.T.A về chuyện chụp ảnh kỷ yếu của các bé Trường Mầm non Bắc Hà, TP Hà Tĩnh.
Hình minh họa
Hình minh họa

Với hình ảnh kỷ yếu kèm nội dung: “Đúng là bôi bác. Mần ăn ri ai chấp nhận được chứ riêng mình là ngao ngán hết chỗ nói. Mỗi em nộp 300k tiền chụp ảnh. 1 ảnh cá nhân 250k và ảnh tập thể 50k. Họ chụp mỗi cá nhân sau đó ghép lại thành ảnh tập thể. Sau này con lớn lên nhìn lại ảnh ni chắc chắn hắn cũng phản đối chứ không phải mình. 43 cháu x 300k = 12 triệu 900k tiền ảnh. Và đây là siêu phẩm”.

Chỉ trong thời gian ngắn, bức ảnh tập thể cùng thông tin trên đã thu hút hàng nghìn người like (thích) và share (chia sẻ). Rất nhiều bình luận đồng tình với vị phụ huynh này và bức xúc với người chụp ảnh.

Có thể nói, xu hướng chụp ảnh kỷ yếu từ mầm non cho đến đại học phát triển mạnh với nhiều hình thức khác nhau và khá kì công. Đặc biệt là rất nguy hiểm như trường hợp tối 9/4, 2 học sinh bị sóng cuốn mất tích khi đang chụp ảnh kỷ yếu.

Và nữa, nhiều người còn cho rằng các cháu chỉ mới học Mầm non mà thầy cô đã yêu cầu các phụ huynh đóng góp số tiền gần 13 triệu đồng để làm ảnh kỷ yếu như vậy là không nên. Ai cũng hiểu, chụp ảnh kỷ yếu hay còn gọi là chụp ảnh tốt nghiệp, chụp ảnh cuối khóa nhằm để lưu giữ những kỷ niệm đẹp, những khoảnh khắc trong từng giai đoạn, từng mốc của cuộc đời mỗi người.

Đó dường như là một cuốn nhật ký sinh động đáng yêu về một thời áo trắng ngây ngô, trong trẻo. Là những khoảnh khắc sẽ theo mỗi người tới nhiều năm tháng sau này với những cảm xúc tuyệt đẹp sẽ chẳng thể trở lại lần thứ hai trong đời… Song không vì thế mà các bạn phải quá lãng phí mà mất thời gian, vật chất để làm nên những bộ ảnh cầu kì mà… hiểm nguy.

Trở lại tấm ảnh khó tin của các bé tốt nghiệp… mầm non, phân trần về ảnh được cắt ghép, đều tăm tắp như một, cô hiệu trưởng trường mầm non này giải thích đại ý rằng, chụp một lúc hơn 40 học sinh cùng lớp 5 tuổi rất khó để có một bức ảnh thực sự đẹp, bởi vì các em rất... hiếu động.

Thế nhưng, “hiếu động” là đặc điểm tâm sinh lý hết sức bình thường với lứa tuổi của các bé mầm non. Nếu như thợ ảnh ghi lại những khoảnh khắc rất tự nhiên ấy, các bé có thể đang cấu chí bạn, đang nghịch ngợm, nhảy nhót… thì đó là điều hết sức dễ thương hơn là bắt trẻ ngồi nghiêm ngắn không được thì… ghép. Sau này nhìn lại, những đứa trẻ ấy khi lớn lên sẽ thấy mình đáng yêu ra sao. Chứ nhất định không phải là sự dập khuôn, cứng nhắc của cô hiệu trưởng. 

Dễ hiểu vì sao sự dập khuôn, máy móc, vô cảm ấy xảy ra ngay ở một quận nội thành của Hà Nội. Khi mà Phiếu khảo sát dành cho công chức được mang xuống cho lứa tuổi tiểu học với những câu hỏi đại loại như tuần bạn… “sinh hoạt” mấy lần?…

Và đừng trách sao chúng ta có những học sinh máy móc, khuôn phép với những gợi ý làm văn cũng là những câu hỏi li ti tính điểm tới 0,25 điểm. Trong khi văn là cảm xúc, là sự sáng tạo chứ không phải giải đáp tỉ mỉ như… Toán. Và học trò của chúng ta thụ động sẽ chẳng có gì lạ… 

Đọc thêm