Đừng biến phát triển du lịch thành “xâm lăng văn hóa”

(PLVN) - Sự phát triển mạnh mẽ của ngành công nghiệp du lịch đem đến cho nhiều địa phương những nguồn lợi kinh tế lớn. Nhưng bên cạnh đó là những rủi ro mà về lâu về dài có thể khiến một vùng đất bị cạn kiệt, suy tàn về nhiều mặt.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Hà Lan là một trong những quốc gia thu hút du lịch hàng đầu khu vực châu Âu nhưng thời gian vừa qua cũng đã xuất hiện sự bất mãn của người dân về hiện tượng du lịch ồ ạt. Với số lượng du khách còn lớn hơn dân số, người Hà Lan hàng ngày phải đối mặt với hầu hết những người lạ mặt trên đường. Hoa tulip bị giẫm nát. Cửa hàng lưu niệm mọc khắp nơi và đời sống thường nhật bị xáo trộn. Cư dân Hà Lan cũng đã lên tiếng vì cảm thấy đang trở thành “người lạ” trên chính mảnh đất của mình.

Vừa qua, Hà Lan đã có những chính sách nhằm hạn chế lượng du khách ồ ạt tới tham quan quốc gia này. Theo đó, trước mắt, khách sạn và các cửa hàng lưu niệm bị hạn chế cấp phép, sân bay cũng hạn chế chuyến... Hà Lan không phải quốc gia châu Âu duy nhất đối mặt với hiện tượng du khách ồ ạt kéo đến như những binh đoàn. Pháp, Tây Ban Nha, Nga, Ý... giờ đây cũng chứng kiến cảnh du khách đông hơn dân bản xứ. 

Không phải người dân nào cũng vui mừng và đón nhận lợi lộc từ sự phát triển du lịch. Tại một số nước châu Âu đã diễn ra những cuộc biểu tình với mong muốn hạn chế lượng du khách ồ ạt. Không chỉ riêng châu Âu, rất nhiều nước châu Á cũng đang bị cơn lốc du lịch làm ảnh hưởng với hai mặt hệ lụy. 

Việt Nam hiện đang ở giai đoạn đầu của chiến lược thu hút du lịch. Châu Á, đặc biệt các nước Đông Nam Á với vẻ đẹp sơ khai, chưa được khám phá nhiều những năm gần đây đã thu hút sự chú ý của du khách trên thế giới. Năm 2018, ngành du lịch đã đón 15,6 triệu khách quốc tế, phục vụ trên 80 triệu lượt khách nội địa, tổng thu đạt 620 nghìn tỷ đồng. Thế nhưng sự phát triển du lịch mạnh mẽ, nếu không có sự quy hoạch, quản lý tốt, sẽ biến thành  “vỡ trận”, gây nhiều hệ lụy cho đời sống người dân.

 Có thể thấy rõ điều này ở nhiều địa phương: Sapa nhà cao tầng mọc như nấm, một đô thị nhỏ bé nên thơ vùng cao đã bị thay thế bằng một đô thị mới lổn nhổn. Trẻ con bỏ học đi bán hàng, người người nhà nhà làm du lịch tự phát. Đà Lạt thì mô hình home stay đủ các loại chất lượng nhiều hơn nhà dân, phá vỡ quy hoạch đô thị…

Bên cạnh sự phá vỡ quy hoạch đô thị, sự ô nhiễm và cạn kiệt môi trường còn là một điều nguy hại hơn đáng phải ngẫm nghĩ: đó là sự mất mát, “tan loãng” dần các giá trị văn hóa, đời sống cư dân bản địa, những điều đã làm nên nét đẹp của một vùng đất.

Đó liệu có phải là hệ quả tất yếu của sự phát triển du lịch ở bất cư nơi nào? Bài học từ các nước đang phát triển du lịch đến đánh mất chất lượng sống là một kinh nghiệm lớn cho du lịch Việt Nam. Chúng ta đang ở bước khởi đầu quan trọng, vì mọi thứ dễ dàng sửa sai khi nó mới chớm khởi phát. Đừng ham chuộng số đông, đừng “thả cửa” cho những đường bay, dịch vụ lưu trú rẻ mạt, những tour du lịch “không đồng”, bởi cái lợi có trước mắt, nhưng tác hại thì lâu bền. Thay vào đó, tìm điểm nhấn, quản lý hiệu quả, đầu tư vào chất lượng là cách để Việt Nam tạo nên một thương hiệu du lịch có tầm quốc tế, đem đến nguồn lợi lớn xây dựng đất nước mà không cần số lượng ồ ạt đi cùng những cuộc “xâm lăng văn hóa”.

Đọc thêm