Mới đây báo chí đưa tin lễ mừng thọ 9 cụ bà, cụ ông ở xóm 7 xã Nga Tân, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa không hề nhận quà biếu và phong bì của bất kỳ ai, vì các cụ quan niệm tổ chức mừng thọ để sống vui sống khoẻ chứ không phải bán cỗ lấy tiền... Món quà duy nhất 9 cụ bà, cụ ông nhận là tình cảm tri ân của con cháu, chia sẻ niềm vui cùng xóm giềng bầu bạn.
|
Hình minh họa |
Trong và sau Tết Nguyên đán là dịp để rất nhiều các vùng quê, các dòng họ tổ chức mừng thọ cho các cụ cao niên.
Thế nhưng, việc từ chối nhận phong bì như 9 cụ bà, cụ ông ở Thanh Hóa nói trên lại khá hiếm gặp. Trong khi đó, lại có rất nhiều gia đình ở cả thành phố, lẫn nông thôn tổ chức mừng thọ cho bố mẹ linh đình tốn kém, khoe mẽ, nặng về tư tưởng phong bì, phong bao hoặc lễ vật đắt tiền, thậm chí lợi dụng mừng thọ để trục lợi. Người khá giả còn đỡ, người chạy ăn từng bữa cũng cố đi vay mượn để làm cho bằng bạn bằng bè. Để rồi từ đó món nợ miệng cứ kéo dài mãi…
Nhân chuyện này cũng nghĩ đến chuyện phong bao mừng tuổi cho trẻ trong Tết. Theo tục xưa, đó chỉ là món tiền nhỏ mang ý nghĩa tượng trưng, đựng trong bao đỏ để mang đến sự may mắn, sức khỏe cho con trẻ.
Nhưng ngày nay, phong tục tốt đẹp đó hầu như đã không còn. Thay vào đó là sự biến tướng về “sức nặng” tiền bạc của những phong bao lì xì, mừng tuổi. Người lớn thì dựa vào đó để thể hiện, để lấy lòng cha mẹ đứa trẻ được mừng, còn trẻ con thì ngó vào số tiền được mừng để “đánh giá” xem người mừng… tốt hay xấu, thảo lòng hay ky bo. Tệ hơn nữa khi cha mẹ và con cái thản niên trao đổi, bình luận với nhau về những món tiền mừng…
Thế mới biết, ở góc độ văn hóa, ứng xử trong gia đình, đừng nghĩ rằng hủ tục là những cái gì xấu xa, nặng nề đã lùi rất xa trong quá khứ. Mà đôi khi, hủ tục lại tồn tại trong chính suy nghĩ và việc làm của chúng ta, thông qua những tập tục tốt đẹp hàng ngày.
H.Minh