Dừng buôn bán động vật hoang dã để ngăn ngừa bệnh truyền nhiễm

(PLVN) - Đó là giải pháp được các đại biểu đưa ra tại Toạ đàm “Chính sách bảo tồn các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp của một số nước châu Á, kinh nghiệm đối với Việt Nam” do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) phối hợp với Văn phòng Quốc hội Việt Nam tổ chức hôm qua (30/6).
Toàn cảnh tọa đàm.
Toàn cảnh tọa đàm.

Tại Tọa đàm, TS Phạm Đình Toản, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết: Sự bùng nổ của dịch Covid-19 đã cảnh báo các quốc gia trên thế giới phải đặt ra biện pháp ngăn chặn buôn bán, sử dụng động vật hoang dã. Việt Nam là quốc gia có đa dạng sinh học cao nhất trên thế giới, với nhiều chủng, loài vi sinh vật, thực vật, động vật ở cả trên cạn và dưới nước, là nơi cư trú của nhiều loài động, thực vật hoang dã thuộc nhóm tiêu biểu và nguy cấp, quý hiếm trong Sách Đỏ thế giới. 

Mặc dù chưa có kết luận từ Tổ chức Y tế thế giới về nguồn gốc dịch Covid-19 có phải bắt nguồn từ động vật hoang dã hay không, song nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, đại dịch Covid-19 gây ra bởi loại virus SARS-CoV-2 có thể có nguồn gốc từ dơi truyền sang người qua việc tiếp xúc với vật chủ trung gian.

Các nhà khoa học Mỹ cũng chỉ ra rằng, tỷ lệ tử vong do virus có nguồn gốc từ động vật hoang dã luôn cao, như đối với Ebola là 50%, hay 60-75% với virus Nipah lây truyền qua loài dơi ở Nam Á.

Cùng quan điểm, ông Steven Broad, Giám đốc Traffic Toàn cầu nhấn mạnh: Nguồn gốc của dịch Covid-19 chưa được công bố, nhưng nhiều ý kiến cho rằng, dịch bệnh bắt nguồn từ động vật hoang dã và liên quan trực tiếp tới buôn bán động vật hoang dã.

Cụ thể, phần lớn những ca nhiễm đầu tiên ở Trung Quốc đều đã từng làm việc hoặc tới khu chợ ở Vũ Hán, nơi động vật hoang dã được bán công khai và kết quả nghiên cứu ban đầu cho rằng, có khả năng bệnh lây truyền là từ dơi qua tê tê rồi sang người.

Ngoài ra, nhiều nghiên cứu đã chứng minh nguy cơ và ảnh hưởng của “bệnh lây truyền từ động vật sang người”, đó là những bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn, virus, nấm hoặc ký sinh trùng lây từ động vật qua vật chủ trung gian (thường là động vật có xương sống) sang người.

Theo đó, những bệnh có thể kể đến như virus Ebola, cúm gia cầm và sốt rét. Tổ chức Y tế thế giới đã liệt kê ra hơn 30 bệnh (và nhóm bệnh) chính lây truyền qua động vật và Trung tâm Kiểm soát phòng ngừa dịch bệnh cũng báo cáo, cứ 4 bệnh truyền nhiễm ở người thì 3 trong số đó có nguồn gốc từ động vật. Những bệnh đó có liên quan tới nhiều loài động vật thuần dưỡng và động vật hoang dã và những loài này có thể là nguồn gốc, vật chủ trung gian truyền bệnh.

Từ tháng 1/2013-12/2017, các cơ quan thực thi pháp luật đã tham gia, phát hiện, bắt giữ, xử lý 1.504 vụ vi phạm về săn bắt, vận chuyển, buôn bán, nuôi nhốt… động vật hoang dã trái pháp luật.

Theo ông James Compton, Giám đốc cao cấp Khu vực châu Á - Thái Bình Dương (Tổ chức Traffic), để xuất khẩu các loài động vật và thực vật bản địa Úc hoặc các loại được liệt kê trong Cites (Công ước về thương mại quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp) phục vụ thương mại thì phải xây dựng chương trình và được phê duyệt (ví dụ như kế hoạch quản lý động vật hoang dã).

Theo đó, các kế hoạch quản lý động vật hoang dã thường gồm các hệ thống nhân giống phạm vi rộng và có thể do bang hoặc cơ quan Chính phủ tại địa phương đó xây dựng (tương đương với cấp tỉnh, thành phố tại Việt Nam) và chịu trách nhiệm quản lý các loài đó. Kế hoạch quản lý động vật hoang dã thường sẽ được phê duyệt trong vòng 5 năm.

Ông James Compton cũng chỉ ra kinh nghiệm mà Úc đã áp dụng thành công trong việc bảo vệ động vật hoang dã. Đó là ban hành những hình phạt cao nhất thế giới như 10 năm tù và 210.000 đô la Úc với cá nhân (1.050.000 đô la Úc đối với pháp nhân) cho tội phạm buôn lậu động vật hoang dã.

Đọc thêm