Từ vụ ngộ độc Botulinum do ăn chả lụa bán dạo: Cục An toàn thực phẩm đưa ra khuyến cáo

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Không ít vụ ngộ độc thực phẩm nghiêm trọng diễn ra trên địa bàn TP HCM gần đây đã làm dấy lên nỗi lo về an toàn thực phẩm trong cộng đồng, đặc biệt thời điểm nắng nóng.
Bạn có thể bị ngộ độc thực phẩm do trong thực phẩm có độc tố botulinum. (Nguồn: vinmec.com)
Bạn có thể bị ngộ độc thực phẩm do trong thực phẩm có độc tố botulinum. (Nguồn: vinmec.com)

Nhiều vụ ngộ độc nghiêm trọng

Mới đây, tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP HCM) liên tiếp có 3 ca bệnh nhập viện vì ngộ độc Botulinum. Theo TS.BS Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới, Trưởng đơn vị Hồi sức Chống độc, Bệnh viện Chợ Rẫy, cả 3 bệnh nhân đều sống tại TP Thủ Đức, thuộc 2 gia đình khác nhau. Trong đó, 2 anh em (26 tuổi và 18 tuổi) ngộ độc do ăn bánh mì chả lụa bán dạo, còn người đàn ông 45 tuổi nhập viện sau khi ăn loại mắm để lâu ngày. Cả 3 đều có biểu hiện mệt mỏi, đau đầu, choáng váng, đau bụng và tiêu chảy.

Được biết, Botulinum là một trong các nguyên nhân hàng đầu gây ngộ độc thực phẩm cấp tính, thường xuất hiện ở các sản phẩm thực phẩm không bảo đảm vệ sinh trong quá trình chế biến đóng gói hoặc bảo quản không phù hợp. Không ít vụ ngộ độc Botulinum diễn ra trên cả nước đã gây hậu quả nặng nề.

Ngoài ra còn nhiều vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra do các tác nhân khác như vi sinh, hóa học và vật lý... Nguyên nhân ngộ độc thực phẩm có thể đến ở mọi khâu, từ lựa chọn nguyên liệu, sơ chế, chế biến, cho đến bảo quản, bày bán. Theo báo cáo của Bộ Y tế, bốn tháng đầu năm 2023, cả nước xảy ra 25 vụ ngộ độc với 344 người bị ngộ độc, trong đó có 8 người tử vong.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu an toàn thực phẩm hiện nay. Không ít doanh nghiệp và cá nhân có hành vi gian lận và vi phạm quy định về nguồn gốc thực phẩm để tăng lợi nhuận. Cạnh đó, hệ thống chuỗi cung ứng thực phẩm trong nước liên quan đến nhiều bên, từ người sản xuất, phân phối, đến bán lẻ, qua nhiều khâu, có thể tạo kẽ hở xảy ra vi phạm và thiếu kiểm soát nguồn gốc thực phẩm. Mặt khác, thực trạng bán hàng rong và kinh doanh thức ăn hè phố nguy cơ thiếu vệ sinh cũng là một nguyên nhân.

Bảo quản thực phẩm đúng cách

Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cảnh báo, ngộ độc do Botulinum là ngộ độc nặng, nguy cơ tử vong cao, ảnh hưởng lâu dài tới sức khỏe. Nguyên nhân của loại ngộ độc này xuất phát từ việc sản xuất các sản phẩm thực phẩm ở dạng đóng gói kín (gồm: chai, lọ, lon, hộp, túi) không bảo đảm an toàn, dẫn tới sự xuất hiện của một số vi khuẩn sinh độc tố gây bệnh và phổ biến là vi khuẩn Clostridium botulinum gây ra chất độc Botulinum.

Tại hướng dẫn tạm thời chẩn đoán, điều trị ngộ độc Botulinum, Bộ Y tế đề cập đến các loại thực phẩm gây ngộ độc Botulinum cổ điển là thịt hộp, do đó vi khuẩn gây bệnh được gọi là vi khuẩn độc thịt. Tuy nhiên, các vụ ngộ độc trên thế giới cho thấy, các loại thực phẩm từ rau, củ, quả, thịt, hải sản... được sản xuất không bảo đảm và đóng gói kín, như đồ hộp, can, lon, chai, lọ, bao, túi, gói cùng với môi trường bảo quản bên trong không bảo đảm dẫn tới bào tử phát triển thành vi khuẩn và sinh ngoại độc tố gây ngộ độc.

Để phòng, chống ngộ độc do Botulinum, theo khuyến cáo của Cục An toàn thực phẩm, trong sản xuất, chế biến phải dùng những nguyên liệu bảo đảm an toàn thực phẩm, tuân thủ theo đúng yêu cầu quy định về vệ sinh trong quy trình sản xuất. Trong quy trình sản xuất đồ hộp, phải chấp hành chế độ khử khuẩn một cách nghiêm ngặt. Đối với người tiêu dùng, chỉ sử dụng các sản phẩm thực phẩm, nguyên liệu thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng; tuyệt đối không sử dụng sản phẩm đóng hộp đã hết hạn sử dụng, bị phồng, bẹp, biến dạng, hoen gỉ, không còn nguyên vẹn hoặc có mùi, màu sắc thay đổi khác thường...

Cũng theo Cục An toàn thực phẩm, thức ăn khi chế biến và đun sôi 100 độ C 5 đến 10 phút thì vi khuẩn gây độc tố Botulinum đã bị tiêu diệt. Do đó, người tiêu dùng cần tuân thủ việc ăn chín, uống sôi. Mặt khác, cần nâng cao kiến thức, hiểu biết về cách sử dụng, bảo quản đồ ăn, không cất đồ ăn thừa ngay lập tức vào tủ lạnh. Thực phẩm tươi sống, như: thịt, cá… nên rửa sạch trước khi cho vào bảo quản trong ngăn đá. Không nên tự đóng gói kín các thực phẩm và để kéo dài trong điều kiện không phải đông đá. Với các thực phẩm lên men, đóng gói hoặc che đậy kín theo cách truyền thống (như dưa muối, măng, cà muối...) cần bảo đảm phải chua, mặn; khi thực phẩm hết chua thì không nên ăn. Khi xuất hiện các triệu chứng ngộ độc Botulinum, cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Để phòng tránh nguy cơ ngộ độc Botulinum, TS.BS Lê Quốc Hùng, Trưởng Khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy, khuyến cáo người dân trong khâu chế biến các loại thức ăn đóng chai, lọ hay bọc kín cần làm sạch môi trường, lau chùi, vệ sinh thường xuyên khu vực chế biến để tránh bụi bẩn, đất, cát và các vi khuẩn độc hại bám vào thực phẩm. Việc đóng gói thực phẩm nên áp dụng các kỹ thuật hiện đại. Các nhà sản xuất khi đóng gói thường chiếu tia khử khuẩn để cho thực phẩm an toàn. Người dân tự đóng gói tại nhà nguy cơ mất an toàn rất cao. Một biện pháp BS Hùng cho rằng người dân nên áp dụng khi đóng, gói kín thực phẩm là sử dụng độ mặn trên 5% muối/100gr thức ăn do vi khuẩn không phát triển được ở môi trường mặn quá.

Đọc thêm