Đừng 'đá bóng' trách nhiệm

(PLO) - Cuối cùng, sau bao ngày xôn xao dư luận, sự cố vỡ đập chứa bùn thiếc ở huyện Quỳ Hợp (Nghệ An) khiến cá chết hàng loạt, người dân hoang mang cũng đi đến hồi kết.

Đơn vị trực tiếp gây nên hậu quả là Xí nghiệp thiếc Suối Bắc thuộc Công ty CP Kim loại màu Nghệ Tĩnh đã nhận sai sót và bước đầu hỗ trợ tài chính với những hộ dân bị ảnh hưởng. Về phía các cấp quản lý, Sở Công Thương Nghệ An cũng đã nhận trách nhiệm khi không sâu sát kiểm tra, rà soát mức độ an toàn của hồ chưa bùn thải. Tuy nhiên, sau sự cố này, người dân vẫn chẳng thể an tâm. Họ lo sợ nguồn nước quanh khu vực bị nhiễm độc. Đã có gia đình không dám dùng nước giếng từ sau sự cố mà phải đi xin từ nơi khác. 

Nhắc lại, ngày 9/3, người dân các xã Châu Thành, Châu Cường, Châu Quang bất ngờ phát hiện trên dòng suối Bắc, dòng Nậm Huống - hệ thống đầu nguồn chính của sông Dinh có nhiều bùn đen quánh và nước thải màu vàng tràn xuống. Lần theo dấu vết, người ta phát hiện bể chứa chất thải của Xí nghiệp thiếc Suối Bắc đã bị vỡ.

Nhiều hộ dân bị thiệt hại nặng, hoa màu, cá chết ngổn ngang. Những điều tra ban đầu cho thấy, đơn vị khai thác đã vi phạm về mặt thiết kế an toàn đập chứa, chưa thực hiện cam kết tại báo cáo đánh giá tác động môi trường được phê duyệt. Đáng nói, sự việc tương tự như trường hợp vỡ đập bùn thải của Xí nghiệp thiếc Suối Bắc không phải là sự cố môi trường lần đầu dư luận biết tới. Trước đó, bài học vỡ đập chứa chất thải từ các doanh nghiệp khai thác than ở Mông Dương, Quảng Ninh hồi năm 2015 vẫn còn nguyên giá trị. 

Những sự vụ này giống nhau ở quy cách cẩu thả, vô trách nhiệm của đơn vị khai thác. Và nó đang cho thấy, có một điểm chung từ những doanh nghiệp khai thác khoáng sản, xây dựng, sản xuất công nghiệp này là họ thường hứa đủ điều với địa phương và người dân trong việc đảm bảo môi trường, an toàn xử lý chất thải. Tuy nhiên, những cam kết đó không khác kiểu “lời nói gió bay” là bao. 

Cần phải khẳng định, chính quyền địa phương cũng có một phần trách nhiệm khi để xảy ra sự cố vỡ đập. Tuy nhiên, trước sự cố này, dư luận càng thất vọng khi nghe sự thoái thác, “đá bóng” trách nghiệm từ phía các cấp quản lý.

Chẳng hạn, ông Hà Đăng Ninh - Chủ tịch UBND xã Châu Thành, nơi xảy ra sự cố cho biết, vì các thủ tục phê duyệt, cấp phép khai thác đều do cấp trên làm nên lâu nay xã cứ nghĩ công ty đã có đầy đủ các thủ tục, chấp hành đúng quy định về xây dựng công trình bảo vệ môi trường rồi mới khai thác như thế.

Ở cấp cao hơn, ông Vi Văn Tường - Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳ Hợp lại “đá” trách nhiệm sang cho tỉnh. Ông Phó Chủ tịch huyện cho rằng, do tỉnh phê duyệt dự án nên doanh nghiệp họ chỉ báo cáo kết quả đã thực hiện với tỉnh thế nào đó, chứ huyện không nắm được (?!). 

Thiết nghĩ, nếu các cơ quan quản lý nhà nước chỉ trông chờ vào sự cam kết của các doanh nghiệp mà thiếu cơ chế kiểm tra, giám sát thường thì những sự cố kiểu này tin chắc sẽ còn tái diễn. Ở vụ việc trên, rõ ràng là ngoài trách nhiệm từ phía đơn vị khai thác trực tiếp, nhưng câu hỏi đặt ra là trách nhiệm của những cơ quan giám sát môi trường địa phương ở đâu khi nguy cơ vỡ đập chứa bùn này là hiện hữu và hoàn toàn có thể lường trước được? Phải chăng, cứ phải có sự cố, người dân bị thiệt hại… việc quản lý mới lại được rà soát, thắt chặt.