Đừng đẩy con đến chân tường

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Mới đây, trên mạng xã hội xuất hiện bài viết của một nữ sinh đã học đại học, nhưng vẫn bị mẹ quản lý bằng cách lắp camera trong phòng cá nhân. Qua lời chia sẻ cho thấy cô gái rất bức xúc khi bị quản lý bằng chiếc camera từng giây, từng phút, khiến bản thân ở nhà mà cứ như ở tù, cảm thấy khó khăn trong chính căn phòng của mình.
Đừng đẩy con đến chân tường

Bài chia sẻ của cô gái đã nhanh chóng nhận được sự quan tâm, đồng cảm của nhiều người. Nhiều ý kiến đều bày tỏ mong muốn được bố mẹ thấu hiểu cảm xúc bị mất tự do của mình. 

Nhìn ở góc độ cha mẹ, trong các mối quan hệ gia đình, có lẽ khó khăn nhất chính là làm cha mẹ. Các bậc cha mẹ có con đang trong độ tuổi mới lớn thường dành nhiều sự quan tâm cho con cái với mong muốn con sẽ trưởng thành mà không mắc sai lầm phải trả giá. Nhưng mỗi người lại có cách thể hiện sự quan tâm đó khác nhau, người thì trở thành bạn của con để cùng lắng nghe, thấu hiểu, chia sẻ; người lại chọn trở thành “quản ngục” khiến con mất tự do, oán thán. 

Ở góc độ con cái, thanh, thiếu niên là lứa tuổi phát triển cá tính và sự độc lập. Để khẳng định “cái tôi” của bản thân, nhiều bạn trẻ đã hành động theo xu hướng phá vỡ các quy tắc của bố mẹ, ngay cả khi biết bố mẹ làm vậy cũng chỉ tốt cho mình. 

Còn nhớ, cách đây không lâu thông tin từ Bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM cho biết bệnh viện tiếp nhận bệnh nhi 13 tuổi trong tình trạng dập gan. Nguyên nhân được xác định là do bé gái giận mẹ kiểm tra điện thoại của mình nên nhảy từ tầng 8 xuống tự tử. May mắn bé không rơi thẳng xuống đất mà rớt xuống mái tôn tầng 2, sau đó rơi xuống đụng xe máy rồi mới tiếp đất. Đây không phải lần đầu xảy ra việc tương tự. Đồng ý rằng đó là một việc làm thiếu suy nghĩ của lứa tuổi thanh thiếu niên, nhưng liệu có phần nào lỗi của các bậc phụ huynh?

Bàn về vấn đề này, TS. Trần Thu Hương, chuyên gia tâm lý thanh thiếu niên nêu quan điểm: “Thật ra là một em bé 13 tuổi hành động như vậy chứng tỏ em đang rất uất ức giống như chúng ta, khi chúng ta bị đẩy đến tận cùng của chân tường, chúng ta cảm thấy bị tổn thương, không còn gì bấu víu thì mới có hành động tự sát, tự làm hại bản thân. Điều đó chứng tỏ em bé rất khó chịu, sốc và bất mãn với hành vi kiểm soát của cha mẹ lâu nay và hành động kiểm soát điện thoại như một giọt nước tràn ly”.

Theo TS. Trần Thu Hương, đã là con người đều có thế giới riêng tư. Chúng ta đừng nghĩ thế giới riêng của chúng ta là to tát, còn của các con là không quan trọng. Các con có những bí mật, những câu chuyện thầm kín muốn cất giữ cho riêng mình. Có thể những bí mật đó với người lớn thì bình thường nhưng với các con, nếu lộ ra ngoài sẽ vô cùng khủng khiếp. Rõ ràng lăng kính cửa cha mẹ và trẻ ở tuổi dậy thì là khác nhau hoàn toàn. Chúng ta đừng xem thường điều đó. Hãy tôn trọng con, tôn trọng quyền riêng tư của con.

“Phần lớn cha mẹ đều có suy nghĩ muốn biết tất cả mọi chuyện về con vì nghĩ con còn nhỏ chưa thể tự giải quyết mọi chuyện. Nhưng chúng ta kiểm soát bảo vệ con như thế nào thì đó là cả một câu chuyện dài. Mỗi người đều có một thế giới riêng, chúng ta không muốn bị mọi người biết những chuyện riêng tư của chúng ta, thì các con cũng vậy. Ở một góc độ nào đó thì trẻ em vẫn cần có sự kiểm soát hay chúng tôi gọi là dõi theo của cha mẹ. Kiểm soát không có gì là quá xấu nếu như có sự thỏa thuận đồng tình giữa các thành viên mà nên tránh việc lén lút xem trộm thế giới riêng tư của các con”, theo TS. Trần Thu Hương.

Rõ ràng rằng qua các câu chuyện của những đứa con bị cha mẹ giám sát chặt hoặc tước mất quyền riêng tư, có thể thấy dù ít dù nhiều chúng đều phải chịu những tác động lên tâm lý cá nhân. Thực tế đã chứng minh dạy dỗ con cái là cả một quá trình. Nếu yêu thương đi kèm với kiên nhẫn, thấu hiểu, song hành thì con cái sẽ hiểu được sự yêu thương của cha mẹ để sẵn sàng chia sẻ. Còn nếu như cha mẹ lấy cái tôi của mình để lấn át cái tôi của con cái, hoặc đặt quá nhiều kỳ vọng vào con cái thì chỉ tạo ra áp lực, đẩy con cái ra xa hơn mà thôi.

Đọc thêm