Dùng dây dù thay dây xích, 3 người tử vong trên chuyến đò giữa sông

(PLO) -Chập tối ngày 11/1/2017, chuyến đò chở hơn 20 người, ra đến giữa sông Krông Ana (huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk) thì bất ngờ bị chìm. Trên đò không có áo phao, hơn 20 con người hoảng loạn la hét giữa dòng nước chảy xiết, cố bám víu vào bất cứ thứ gì có được để bảo toàn mạng sống. 3 người trong số họ đã gặp nạn thương tâm.  
Lực lượng chức năng triển khai tìm kiếm các nạn nhân
Lực lượng chức năng triển khai tìm kiếm các nạn nhân

Vào khoảng 17h30 ngày 11/1, ông Trần Văn Học (SN 1977, ngụ thôn 2, xã Ea Trul, huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk) lái đò, chở 20 người dân qua sông Krông Ana, hướng từ địa phận xã Hòa Tân về thôn 2, xã Ea Trul. 

Khi đi đến khúc cua giữa sông, đoạn nước chảy xiết thì đò bất ngờ bị chìm khiến cả 21 người rơi xuống nước. Trong số đó, có 3 người bị nước cuốn trôi, mất tích; 18 người còn lại phần thì biết bơi, phần thì may mắn bám víu vào các vật nổi trên sông nên được cứu sống. 

Ngay sau khi xảy ra vụ việc trên, người dân đã cấp báo lên chính quyền địa phương để nhờ hỗ trợ, tìm kiếm các nạn nhân mất tích. Đến gần 19h cùng ngày, bà con đã tìm thấy thi thể chị Nguyễn Thị Định (SN 1985) và chị Nguyễn Thị Bích (SN 1976, cùng ngụ buôn Tung 2, xã Buôn Triết, huyện Lắk). Riêng anh Phan Xuân Quyền (SN 1993, ngụ thôn 2, xã Ea Trul) đến ngày 13/1 vẫn chưa tìm thấy. 

Theo ghi nhận của PL&TĐ tại hiện trường, trong các ngày 12 và 13/1, lực lượng chức năng cùng người dân đã tìm kiếm nhiều lượt, rà soát rất kĩ các khúc sông để tìm kiếm thi thể nạn nhân Quyền. Tuy nhiên, do sông sâu, nước chảy xiết, cộng thêm nhiều đoạn sông có nhiều chướng ngại vật nên công tác tìm kiếm vẫn chưa mang lại kết quả. 

Trao đổi với PL&TĐ về vụ việc, ông Cao Văn Thọ, Chủ tịch UBND xã Ea Trul cho biết, trước đây, do không có cầu nên bà con thường đu dây cáp qua sông để làm đồng. Cách đây khoảng 2 năm, Công an tỉnh Đắk Lắk đã hỗ trợ địa phương một chiếc đò và 10 áo phao để giúp bà con có phương tiện qua sông an toàn trong mùa mưa lũ.

Sau đó, phía UBND xã Ea Trul đã ký hợp đồng về việc trông coi, bảo quản và sử dụng con đò này đối với ông Lê Văn Đấu (SN 1976, ngụ thôn 2, xã Ea Trul). Tuy nhiên, phía xã không thu tiền hợp đồng. Khi sử dụng đò, ông Đấu chủ yếu chở người và hàng hóa qua lại để làm đồng cho mình, ít khi chở khách, việc người này có thu tiền của khách hay không thì xã không nắm rõ.

Hôm xảy ra vụ việc nói trên, ông Học điều khiển đò chở những người đến trồng khoai lang thuê cho ông Đấu trở về nhà. Cả ông Đấu và ông Học đều không có giấy phép điều khiển phương tiện giao thông đường thủy. Hợp đồng bảo quản, khai thác đò với ông Đấu cũng đã hết hạn vào tháng 2/2016 nhưng xã chưa ký lại. 

Anh Hải cùng hai con nhỏ trong đám tang vợ
Anh Hải cùng hai con nhỏ trong đám tang vợ

Ông Thọ trao đổi: “Trong năm 2015, Bộ Xây dựng đã tiến hành khảo sát, lên kế hoạch xây cầu dân sinh bắc qua sông Krông Ana (trên địa phận xã Ea Trul). Tuy nhiên, đến nay công trình chưa được triển khai. Hằng ngày, bà con trong vùng vẫn phải sử dụng các phương tiện khác nhau để vượt qua sông, đi làm đồng và xảy ra chuyện đáng tiếc”. 

Theo chị Nguyễn Thị Thu (SN 1987, ngụ xã Buôn Triết, người đi trên đò bị chìm), hôm xảy ra vụ việc, trong xã Buôn Triết có tổng cộng 14 người vượt chặng đường gần 40km để lên đò, đi qua sông trồng khoai lang mướn. Họ nhận trồng tất cả 8 ha khoai lang, khi nào làm xong thì sẽ nhận tiền công. Ngày 11/1 vừa rồi chính là ngày công đầu tiên chị Thu và bà con.

Khi trở về đến giữa sông, chị Thu thấy con đò cua gấp nên nước tràn vào mũi đò khiến ai nấy đều hoảng sợ. Chỉ 3 – 4 đợt nước ập vào thì đò chìm hẳn. Khung cảnh lúc đó rất hỗn loạn, ai vớ được gì thì vớ rồi phó mặc số mệnh cho dòng nước. “Trên đò chủ yếu là phụ nữ, chỉ có khoảng 5 người đàn ông. Khi đò chìm, những người biết bơi cũng không xoay sở được vì nước quá xiết. Lúc đó, tôi vớ được một bó dây khoai nên may mắn thoát nạn”, chị Thu chia sẻ. 

Một người may mắn thoát chết khác là chị Nguyễn Thị Hường (SN 1987, cùng ngụ xã Buôn Triết) chia sẻ: “Khi vừa bước lên đò chuẩn bị về, tôi thấy, người lái đã dùng búa ngồi đập nối lại mắt xích gần bánh lái. Khả năng dây xích có vấn đề nên sau đó, người lái đò dùng dây dù cột lại.

Lúc đó tôi đã có cảm giác bất an nhưng đò không có một chiếc áo phao để mặc vào phòng thân. Lúc té xuống nước, tôi vớ được một tấm ván nên nổi lên. Sau đó, có người ở trong bờ quẳng 2 cái can cho tôi bám vào mới thoát nạn”, chị Hường chia sẻ. 

Nhiều người dân có mặt trong đám tang nạn nhân Bích nhận định, không chỉ lý do trên, còn thêm khả năng người lái đò thiếu kinh nghiệm mới xảy ra tai nạn đáng tiếc. Bởi lẽ, mũi đò thường ngang, không cong lên như mũi thuyền, khi cua không khéo và mạnh thì dễ bị chao nghiêng khiến nước tràn vào.

Bà con cũng mong mỏi vụ tai nạn vừa rồi là bài học đắt giá, cảnh tỉnh cho người dân những nơi khác biết coi trọng tính mạng của mình, phải mang áo phao, can nhựa khi đi đò để phòng lúc bất trắc, không nên khinh suất, lơ là khi đi lại trên sông nước. 

Đọc thêm