Vất vả... đón Tết
Với tâm lý muốn có được cái Tết tươm tất, vẹn toàn, nhiều gia đình đã có những ngày đón Tết quá tất bật. Nào dọn dẹp, bày biện nhà cửa, sửa soạn bàn thờ, tiệc tất niên... Công việc ở công sở chưa kết thúc, việc nhà chồng chất khiến ai ai cũng trở nên “đầu bù tóc rối”.
Chị Nguyễn Thị Lệ Thuỷ, giáo viên tiểu học, ngụ đường Lê Văn Việt, quận 9, TP HCM chia sẻ: “Không biết việc đâu ra ngày Tết mà nhiều việc đến như vậy. Vừa đi làm, tôi vừa tranh thủ đi mua quà cáp và đồ ăn uống trong nhà ngày Tết.
Vừa nghỉ làm thì lao đầu vào dọn dẹp mọi ngóc ngách trong nhà. Rồi cả nhà trang trí bày biện nhà cửa, có đến 4 bàn thờ cần chưng hoa quả bánh mứt. Rồi chưa kịp thì đến buổi cúng tất niên cũng phải làm cho tươm tất. Loay hoay thế nào mà phải đến tối 30 Tết mọi chuyện mới tạm ổn. Mệt phờ là đi sửa soạn cúng giao thừa...”.
Câu chuyện của chị Lệ Thuỷ là chuyện quen của rất nhiều gia đình ngày Tết. Những ngày đón xuân dường như không đem đến nhiều niềm hân hoan rộn ràng mà đi kèm gánh nặng và áp lực với nhiều gia đình, đặc biệt là phụ nữ, “nhân tố chính” phải lo toan để gia đình có cái Tết “ngon lành”.
Một áp lực lớn khác của thời điểm đón Tết, ngoài việc dọn dẹp bày biện, là vấn đề quà cáp. Làm gì thì làm, quà Tết là phải có, nào cấp trên, ông bà nội ngoại hai bên gia đình, các mối quan hệ ơn nghĩa, rồi đồng nghiệp bạn bè.
Tặng quà cho nhau dịp Tết là một phong tục dễ thương, mang ý nghĩ tốt đẹp. Nhưng đôi khi nó cũng làm nhiều người phải “khóc thét” khi quá tốn kém tiền bạc, tâm sức và thời gian. Đó là khi món quà trở thành một “thủ tục” mang tính hình thức, thậm chí bị biến thành những hành động mang ý nghĩa tiêu cực.
Đó là còn chưa kể đến những gian nan của các cặp vợ chồng xa quê. Hết tranh luận ăn Tết quê ai, rồi “cháy” vé tàu xe về quê, “tay xách, nách mang” trên hành trình dài trở về quê nhà sau một năm làm lụng vất vả…
Có nhiều yếu tố để biến Tết trở thành một “gánh nặng” thay vì dịp nghỉ ngơi và tận hưởng. Để rồi, đôi khi, trong nhịp sống quay cuồng, giật mình nhìn lại, người ta bỗng tự hỏi, đâu rồi những ngày thong thả Tết xưa?
Bỏ thủ tục, ăn Tết thực chất
Tết mang đến nhiều niềm vui, nhưng cũng quá nhiều điều đáng phải bàn đến, khi mà những “hủ tục” dưới danh nghĩa “phong tục truyền thống” vẫn còn tồn tại đâu đó. Những ngày giáp Tết này, người người nô nức mua giấy tiền vàng mã cúng tất niên, rồi tục “phóng sinh” đồ thờ cũ ra sông ngòi, kênh rạch, gây ô nhiễm môi trường.
Lì xì, mừng tuổi trẻ nhỏ đáng ra là một phong tục ý nghĩa và đáng yêu dịp Tết, nhưng đây đó cũng bị “biến tướng”, khiến trẻ con thì mong ngóng tiền lì xì mệnh giá lớn, cha mẹ trẻ con thì như một cuộc “vay nợ và trả nợ” lẫn nhau. Và nữa, không ít bao lì xì trở thành công cụ của biếu xén, hối lộ, lấy lòng.
Nhưng đáng nói nhất phải kể đến “phong trào” ăn nhậu ngày Tết. Từ trước Tết, nhộn nhịp tiệc tất niên. Trong Tết, là gia đình họp mặt, là bạn bè gặp gỡ… và rất nhiều những cuộc gặp, hàn huyên biến thành cuộc nhậu, bởi có “rượu vào thì lời mới ra”, bởi người Việt gặp gỡ ngày xuân “có tí rượu mới vui”. Nhưng tàn những cuộc nhậu ấy là gì?
Là những người phụ nữ trong nhà còng lưng dọn dẹp, là những hậu quả do say xỉn gây ra: Tai nạn, tử vong, gây bao đau thương trong ngày đầu năm… Biết rằng, chuyện thay đổi là không dễ, không phải một sớm một chiều, nhưng nếu mỗi người tự thân thay đổi chính mình, thay đổi trong gia đình nhỏ của mình, có lẽ sẽ tạo ra sự thay đổi trong cách đón Tết, đón xuân. Để ngày Tết trở thành một lễ hội dân tộc đầy ý nghĩa và trọn vẹn.
Chuyên viên tâm lý Lê Thị Minh Nga đã chia sẻ những suy nghĩ về sự “xấu xí” trong đón Tết: “Theo tôi, rất nhiều người chúng ta trong khi mải mê chạy theo những yếu tố hình thức để tạo ra một cái Tết “hoàn hảo” đã đánh rơi mất những ý nghĩa đẹp đẽ mà giản dị của Tết cổ truyền. Ví dụ như những ngày đón Tết.
Theo tôi, những ngày se lạnh cuối năm đang tới chính là dịp mà người ta nên tận hưởng không khí mùa xuân thay vì “cắm đầu” lo Tết. Việc dọn nhà, bày biện là nên làm, nhưng nên có những kế hoạch hợp lý: Ví dụ việc dọn dẹp đã được thực hiện từ từ, trước đó vài tuần, không dồn việc mà làm. Rồi nên phân công cho các thành viên trong gia đình để cùng nhau sửa soạn. Và tốt nhất cũng không nên quá cầu toàn.
Thay vì lao đầu vào ti tỉ việc như thế, thử nghĩ nếu chúng ta đơn giản hoá bớt, rồi cùng gia đình pha tách trà thưởng khí xuân, cùng nhau dạo chợ hoa, ngắm phố xá thì có phải những ngày đón Tết sẽ vui hơn bao nhiêu?
Còn nữa, cũng chính vì quan niệm “Tết là phải thế này, thế kia”, nên dẫn đến bao hủ tục khó bỏ. Nhưng chỉ cần chúng ta nghĩ một cách nhẹ nhàng, Tết là dịp để quây quần, để đoàn viên, được ở bên nhau trong không khí mùa xuân là vui, thì sẽ không phải mượn những hình thức cầu kì vô nghĩa, mượn đến rượu bia để tưng bừng”.