Đừng để chùa Huyền Thiên - di tích lịch sử thuộc 'Chí Linh bát cổ' (Hải Dương) thành phế tích

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Chùa Huyền Thiên cổ tự là một trong 8 di tích nổi tiếng thuộc "Chí Linh bát cổ” gắn liền với nhiều nhân vật lịch sử và sự kiện quan trọng của dân tộc, song đến nay ngôi chùa vẫn chỉ là phế tích, dù chính quyền thành phố Chí Linh (Hải Dương) từng có những đề xuất phục dựng ngôi chùa...
Lối lên chùa Huyền Thiên
Lối lên chùa Huyền Thiên

Nằm trên vùng đất địa linh

Mảnh đất Chí Linh ngày xưa thuộc huyện Phượng Nhãn, châu Nam Sách, thời Trần về trước gọi là Bàng Châu, thời thuộc Minh thuộc phủ Lạng Giang, sau thuộc phủ Tân An. Đến thời Lê Sơ chính thức có tên là Chí Linh trấn Hải Dương.

Chí Linh không chỉ nổi tiếng bởi cảnh quan kỳ thú mà còn bởi vị trí hiểm yếu về mặt quân sự. Tiếng sóng Lục Đầu giang còn vang vọng âm hưởng chiến thắng của quân dân thời nhà Trần.

Chí Linh giầu truyền thống cách mạng, miền đất địa linh nhân kiệt, nơi hội tụ nhiều nhân tài của đất nước. Vùng đất Chí Linh được gắn liền với tên tuổi của nhiều danh nhân nổi tiếng như Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, anh hùng dân tộc - danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi, Đại Việt nho tôn Chu Văn An, bà Chúa Sao Sa Nguyễn Thị Duệ, Thiền phái Trúc Lâm Tam Tổ: Trần Nhân Tông, Pháp Loa và Huyền Quang Tôn Giả. Nơi tu hành đắc đạo của thiền phái Trúc Lâm và hội tụ chiến tích lịch sử Lục Đầu Vạn Kiếp; Thắng tích Phật giáo cấp quốc gia đặc biệt như: chùa Côn Sơn, chùa Thanh Mai, đền Kiếp Bạc.

Thành phố Chí Linh là một vùng cổ tích, một khu danh thắng nổi tiếng của miền Đông Bắc, là một trung tâm Phật giáo lớn của Việt Nam.

Trên mảnh đất địa linh này còn lưu giữ được một quần thể những di tích, những kỳ quan, những công trình xuyên suốt thời gian lịch sử để lại cho chúng ta hôm nay những giá trị quý báu, mà nổi bật là "Chí Linh bát cổ".

Nơi đây có hàng trăm di tích, trong đó có 10 di tích được xếp hạng Quốc gia, khu di tích danh thắng Côn Sơn - Kiếp Bạc được xếp hạng Quốc gia đặc biệt, hàng năm thu hút hàng triệu lượt khách đến tham quan, thắp hương chiêm bái.

Tuy nhiên, "Chí Linh bát cổ" có một di sản vô giá nguy cơ bị "lãng quên" là Huyền Thiên cổ tự.

Di sản vô giá của tiền nhân

Huyền Thiên cổ tự là một ngôi chùa tọa lạc trên núi Ông Sư, thuộc dãy núi Phượng Hoàng, nay là khu dân cư Trại Sen, phường Văn An, thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Chùa Huyền Thiên được xây dựng vào thế kỷ thứ XI thời nhà Lý. Thế kỷ XIII, nhà Trần tiếp tục tôn tạo, mở rộng với quy mô hàng trăm gian và Huyền Thiên trở thành một ngôi chùa danh tiếng đương thời.

Giáo sư sử học Lê Văn Lan từng nói: Chùa Huyền Thiên nằm ở vị trí thứ ba trong quần thể di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh “Chí Linh bát cổ”. Chùa nằm ở núi Phượng Hoàng, là một trong ba đỉnh của tam giác chiến lược và tâm linh (núi Phượng Hoàng, núi Côn Sơn và bến Vạn Kiếp).

Đây từng là một công trình độc đáo tốn không ít bút mực của các danh sĩ xưa, dưới có suối chảy rì rầm, trên có chùa, điện, miếu, tả thanh long, hữu bạch hổ tạo nên cảnh quan kỳ thú, huyền bí. Trần Nguyên Đán nhiều lần đến thăm và đã có bài thơ “Huyền Thiên tử cực cung”. Đến cuối thời Mạc, Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, hiệu là Bạch Vân tiên sinh cũng đến ẩn cư tại nơi đây.

Huyền Thiên cổ tự chính là nơi ba vị Trúc Lâm Tam Tổ (Trần Nhân Tông, Pháp Loa, Huyền Quang) tu hành, thuyết pháp cho hàng nghìn tăng ni, phật tử. Nơi đây trở thành địa chỉ Phật giáo tiêu biểu, đặc sắc của Thiền phái Trúc Lâm nói riêng và Phật giáo Việt Nam nói chung dưới thời Trần. Là nơi các vị danh tăng tu hành, hoằng dương Phật pháp, khai đạo tràng thuyết pháp giảng đạo cho các bậc quan lại cùng dân thường.

Qua các lần khảo cổ, các nhà khoa học đã phát hiện nhiều di chỉ của hệ thống kiến trúc thời nhà Trần như: Các bậc thềm, hệ thống lẵng hoa sen, gạch ngói trang trí hoa văn... minh chứng cho di tích ngôi chùa to đẹp một thời. Đặc biệt phát hiện một tấm bia đá dựng vào thế kỷ XVIII, trước một tháp đá muối hiệu là Quang Minh Tháp được xây dựng từ thời Trần, đến nay tầng trên tháp đã bị hư hại. Trên tấm bia tháp có ghi nội dung: Chùa Huyền Thiên được tôn tạo, tu bổ lại vào thời nhà Trần. Đây là một trong những di vật quý được tìm thấy và còn lưu giữ tại Huyền Thiên cổ tự.

Buổi lễ bổ nhiệm trụ trì chùa Huyền Thiên (khu dân cư trại sen, phường Văn An, TP Chí Linh và tấn phong hàng giáo phẩm Thượng tọa cho ĐĐ. Thích Thanh Dũng

Buổi lễ bổ nhiệm trụ trì chùa Huyền Thiên (khu dân cư trại sen, phường Văn An, TP Chí Linh và tấn phong hàng giáo phẩm Thượng tọa cho ĐĐ. Thích Thanh Dũng

Cấp thiết khôi phục để hồi sinh một di tích lịch sử quý báu

Trải qua bao thăng trầm, biến cố của lịch sử và các cuộc chiến tranh, chùa Huyền Thiên hiện nay chỉ còn lại phế tích, những di tồn bị hư hoại và hoang phế trong một thời gian dài. Kiến trúc chùa và động đã mất từ trước cách mạng, nay chỉ còn một ngôi tháp và một bia nhỏ.

Theo người dân địa phương, mấy chục năm trước, xung quanh khuôn viên ngôi chùa có 3 ngôi tháp, trong đó có 2 tháp đất nung và 1 tháp đá. Nhưng đến nay 2 ngôi tháp đất nung đã bị phá, chỉ còn một ngôi tháp đá.

Di tích có bức tượng Phật Thích Ca cao 35 cm, tượng Phật A Di Đà cao 40 cm bằng chất liệu đồng màu đen, 1 bát hương cổ bằng đồng. Cả ba di vật trên đều có trọng lượng 8 kg. Ngoài ra còn một mảnh chuông đồng vỡ ước tính đường kính khoảng 40 cm. Các di vật trên đang được nhà chùa giữ gìn, bảo vệ cẩn thận.

Năm 2006, chùa Huyền Thiên mới được xây dựng lại gồm 3 gian: Gian giữa thờ ba vị Trúc Lâm Tam Tổ, gian bên phải thờ đức ông; gian bến trái thờ Mẫu.

Năm 2010, UBND thị xã Chí Linh có tờ trình với UBND tỉnh xin được phục dựng di tích Huyền Thiên cổ tự, xây dựng Thiền viện Trúc Lâm Tam Tổ và trùng tu đền thờ Bà chúa Sao Sa, quy hoạch nơi đây thành trung tâm Phật giáo và khu du lịch sinh thái với diện tích khoảng 50 ha. Trong đó, chùa Huyền Thiên sẽ phục dựng lại nguyên mẫu các hạng mục vốn có trên nền cũ. Trước khi xây dựng sẽ tiến hành khảo cổ để tìm lại động cổ Vân Tiên cùng các di vật. Tuy nhiên, đến nay, chùa Huyền Thiên vẫn chưa được phục dựng với quy mô xứng tầm về một di tích giá trị đã từng tồn tại trong lịch sử.

Chứng tâm tấm lòng của nhân dân địa phương, ngày 21/5/2017, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Hải Dương tổ chức lễ bổ nhiệm chủ trì chùa Huyền Thiên và tấn phong hàng giáo phẩm Thượng tọa cho ĐĐ. Thích Thanh Dũng.

Thượng tọa Thích Thanh Dũng bày tỏ: "Có thể thấy được vị trí, vai trò, giá trị văn hóa Phật giáo tâm linh của chùa Huyền Thiên trong tiến trình phát triển Phật giáo ở Việt Nam là vô giá. Mong muốn hiện nay của chúng tôi là ngôi chùa sớm được khôi phục lại, để Chí Linh có thêm một di sản nhắc nhở các thế hệ con cháu yêu cội nguồn, yêu giá trị lịch sử cùng với thăng hoa giá trị tâm linh; để nơi đây trở thành trung tâm văn hóa Phật giáo, khu du lịch tâm linh của nhân dân, phật tử xa gần trong cả nước.

Rất cần sự quan tâm, chung tay, góp sức và tâm huyết của các cấp, ngành từ Trung ương đến địa phương, sự phát tâm công đức của nhân dân, phật tử và du khách thập phương để từng bước quy hoạch, xây dựng, trùng tu, tôn tạo và khôi phục lại thánh tích chùa Huyền Thiên cho xứng tầm với giá trị lịch sử".

Người dân địa phương cũng đề nghị chính quyền thành phố Chí Linh, Sở VHTT&DL tỉnh Hải Dương sớm có những nghiên cứu chuyên sâu cả về quy hoạch, quy mô và thiết kế xây dựng để trùng tư, xây dựng di tích lịch sử “Chí Linh bát cổ” nói chung và di tích chùa Huyền Thiên nói riêng, sao cho xứng danh với giá trị của di sản gắn liền với nhiều nhân vật lịch sử và sự kiện quan trọng của đất nước.

Đọc thêm