Cụ thể ngày 27/4/2017 vừa qua, Phòng 2 Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm buôn lậu (C74) đã phối hợp với Công an quận Hoàn Kiếm và Công an quận Hà Đông bắt giữ thành công đối tượng Nguyễn Mậu Chiến cùng một số đối tượng khác với tang vật thu giữ khoảng 36kg sừng tê giác, 2 cá thể hổ con đông lạnh, ngà voi, da sư tử và một số sản phẩm chế tác từ ngà voi và các loài ĐVHD khác.
Hiện đối tượng đã bị khởi tố với hai tội danh tàng trữ hàng cấm và vận chuyển hàng cấm. Các cơ quan chức năng có liên quan cũng đang gấp rút hoàn thiện hồ sơ để sớm truy tố và đưa đối tượng ra xét xử theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cũng đã ra quyết định khởi tố vợ của Chiến là đối tượng Lê Thị Hồng (trú tại Văn Quán, Hà Đông, Hà Nội) về tội danh tàng trữ hàng cấm. Luật Hình sự 2015 ra đời và lần sửa đổi mới 2017 chính thức áp dụng vào 1/8/2017 vừa qua đã có những quy định nghiêm ngặt hơn với hành vi vận chuyển buôn bán ngà voi. Theo đó, chỉ cần vận chuyện, buôn bán từ 2kg ngà voi trở lên đã có thể bị xử lý hình sự, với chế tài, hình phạt gấp đôi luật cũ. Cạnh đó, luật cũng quy định nghiêm ngặt về hành vi vận chuyển trái phép qua biên giới, và hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn để vận chuyển buôn bán ngà voi…
Tuy nhiên, hành vi phạm tội của tội phạm buôn bán ĐVHD ngày càng tinh vi. Theo đánh giá của thế giới, từ năm 2012 đến nay, thủ đoạn của dân buôn lậu ngà voi qua cửa khẩu Việt Nam ngày càng tinh vi, khó nhận biết hơn. Theo ông Lê Nguyên Linh - Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn, chỉ trong 3 tháng cuối năm, đã có hơn 6 tấn ngà voi được thu giữ tại đây tương đương với trên 300 con voi bị giết hại. Có những lần hải quan cửa khẩu nhận được thông tin quốc tế có container nhập ngà voi vào Việt Nam, nhưng kiểm tra mãi mà không phát hiện được, sau đó, phải rà soát nhiều lần mới phát hiện ngà voi được che giấu trong lõi gỗ rất tinh vi, vì cấu tạo chất giữa gỗ và ngà voi khá giống nhau nên khó phát hiện ra. Những kẻ buôn lậu còn lập ra những công ty “ma” nhằm tiện cho việc nhập cảnh các container từ châu Phi về…
Mặt khác, trong nhiều vụ án về ĐVHD hệ thống tố tụng Việt Nam dường như vẫn còn nương tay với loại tội phạm này. Theo một nghiên cứu gần đây của Trung tâm Giáo dục thiên nhiên ENV trên cơ sở phân tích dữ liệu thu thập được từ năm 2010 về các vụ án buôn lậu và buôn bán lớn ĐVHD nguy cấp, quý, hiếm, số lượng đối tượng chịu án phạt tù giam trong những vụ án này tương đối thấp.
Nếu tính riêng kết quả xử lý các vụ buôn lậu và buôn bán lớn ĐVHD trong giai đoạn 2014-2016, chỉ có khoảng 17,9% trên tổng số 156 vụ án hình sự mà ENV xác định được kết quả xử lý, có áp dụng mức hình phạt tù giam với các đối tượng phạm tội. Thay vì phải chịu hình phạt thích đáng và có tính răn đe cao nhất là hình phạt tù giam, nhiều đối tượng phạm tội trong các vụ án nói trên (ngay cả khi vận chuyển 31 chiếc sừng tê giác) cũng chỉ phải chịu mức án “tù treo”, cải tạo không giam giữ hoặc phạt tiền.
Nói về vấn đề này, trong lần trả lời phỏng vấn mới đây, bà Bùi Thị Hà, Phó Giám Đốc ENV nêu quan điểm: “Không thể phủ nhận việc điều tra và triệt phá đường dây của đối tượng Nguyễn Mậu Chiến là một chiến công vang dội trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm về ĐVHD của Việt Nam. Tuy nhiên, thành công bước đầu này chỉ thực sự có ý nghĩa khi đối tượng bị xử lý nghiêm khắc theo quy định của pháp luật.
Việc nghiêm trị những đối tượng cầm đầu các đường dây tội phạm lớn như Nguyễn Mậu Chiến là tiền đề vô cùng cần thiết để răn đe, phòng ngừa tội phạm cũng như thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của Việt Nam trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm về ĐVHD”. Đồng quan điểm, ông Đỗ Quang Tùng - Phó Chánh Văn phòng Bộ NN&PTNT cũng nhấn mạnh, với việc sửa đổi Luật Hình sự theo hướng nghiêm trị cộng với sự hỗ trợ tích cực từ các tổ chức quốc tế, thời gian tới Việt Nam sẽ chung tay hiệu quả cùng thế giới trong việc chống buôn bán ngà voi, bảo vệ loài voi.