Không thể lơ là, mất cảnh giác
Sau “cơn lốc” TP Hồ Chí Minh, hiện Thủ đô Hà Nội đang hàng ngày, hàng giờ đối mặt với “cơn bão” COVID-19 khi mỗi ngày số ca bệnh càng có chiều hướng tăng cao, nhất là các ca mắc trong cộng đồng. Cùng với đó, số ca tử vong cũng bắt đầu xuất hiện và tình trạng quá tải bệnh nhân diễn ra ở hầu hết các cơ sở y tế.
Tâm lý buông xuôi “sống chung với dịch” và sự tự tin “đã tiêm phòng dịch” khiến nhiều người vẫn vô tư đi ăn uống, tiếp xúc như chưa hề có đại dịch. Ngay đến cả dịch vụ karaoke vốn bị cấm triệt để thì đâu đó vẫn còn những cơ sở vi phạm. Đám cưới, đám hỏi cũng không vì các quy định khắt khe của dịch bệnh mà trì hoãn hoặc hạn chế khách khứa.
Theo PGS. TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, nhiều người cho rằng đã tiêm vaccine sẽ không mắc bệnh hoặc chỉ ở thể nhẹ, từ đó buông lỏng việc bảo vệ bản thân là rất nguy hiểm. Với tỷ lệ tiêm vaccine cao, đa số các ca bệnh sẽ chỉ diễn biến nhẹ hoặc không có triệu chứng. Tuy nhiên, không vì thế mà chúng ta chủ quan. Thực tế, vẫn có trường hợp tiêm rồi nhưng vẫn diễn biến nặng và tử vong, dù không nhiều. Mặt khác, nhiều trường hợp nhiễm virus nhưng không có triệu chứng. Vì thế trong giao tiếp, tiếp xúc hàng ngày rất khó để biết được liệu người đối diện hay bản thân mình có mang mầm bệnh hay không.
“Những hoạt động tập trung đông người như liên hoan, đám tang, đám cưới… sẽ là môi trường rất tốt để SARS-CoV-2 lây lan. Đặc biệt, khi số mắc tăng cao, y tế quá tải, việc số trường hợp diễn biến nặng, tử vong tăng cao là hệ quả tất yếu” - PGS.TS Trần Đắc Phu khuyến cáo.
Đẩy mạnh tiêm mũi vaccine tăng cường
Trước tình trạng gia tăng số ca mắc trên địa bàn Thủ đô, PGS. TS Trần Đắc Phu cho rằng đã đến lúc thành phố phải kiểm soát tình hình, không để số ca mắc tăng cao hơn nữa, nếu không tình trạng quá tải hệ thống y tế sẽ xảy ra. Cùng với việc thực hiện tốt 5K, trong giai đoạn hiện nay người dân nên hạn chế tiếp xúc, tránh những địa điểm nguy cơ lây lan cao như chợ búa, hội họp không an toàn.
Bên cạnh đó, Hà Nội nên tiếp tục kiện toàn các cơ sở tiếp nhận, điều trị bệnh nhân COVID-19; tiếp tục tập huấn cho cán bộ, nhân viên y tế để tất cả bệnh nhân đều được tư vấn, theo dõi và điều trị kịp thời; các cơ sở y tế cần nhanh chóng chuẩn bị thêm giường bệnh, cơ sở vật chất để phòng trường hợp F0 diễn biến nặng sẽ được can thiệp ngay, giảm tỷ lệ tử vong. Về việc tiêm vaccine, ngoài việc đảm bảo tiêm 2 mũi cho người dân, thành phố cần tiến tới tiêm mũi tăng cường cho người suy giảm miễn dịch, người cao tuổi, mắc bệnh nền, nhanh chóng tiêm mũi nhắc lại khi đảm bảo được nguồn vaccine.
Liên quan đến việc tiêm vaccine tăng cường cho người dân, theo TS.BS Trần Nam Trung, chuyên gia dịch tễ học, trước hết phải ưu tiên mũi tăng cường cho đối tượng người cao tuổi (từ cao xuống thấp) và người có bệnh nền, đặc biệt bệnh gây suy giảm miễn dịch hoặc do đang điều trị làm suy giảm miễn dịch. Yếu tố ưu tiên tiếp theo nên dựa vào loại vaccine dùng cho mũi cơ bản. Mũi tăng cường cũng nên ưu tiên cho vùng nào dịch đang có nguy cơ cao trước.
Với những người bị bệnh suy giảm miễn dịch hoặc đang điều trị làm suy giảm miễn dịch thì phải bổ sung thêm 1 mũi cơ bản rồi sau đó có thể tiếp tục một mũi tăng cường. Với những đối tượng còn lại, Bộ Y tế khuyến cáo 6 tháng dựa theo bằng chứng miễn dịch do vaccine suy giảm sau 6 tháng. Tuy nhiên, theo vị chuyên gia này: 6 tháng là quá lâu cho một số người, nhất là người cao tuổi/có bệnh nền. Vì thế, chiến lược của Việt Nam nên mềm dẻo hơn cho nhóm cao tuổi/bệnh nền và có thể rút ngắn xuống dưới 6 tháng cho nhóm này tùy tình hình dịch.