Nhưng nỗi khát khao được học bơi và niềm mong mỏi dạy bơi cho trẻ thì vẫn còn đó…
Vì sao Đề án dạy bơi cho trẻ mãi nằm trên giấy?
Chỉ trong hơn 10 ngày đầu tháng 5 đã xảy ra những vụ đuối nước thương tâm gây tử vong nhiều học sinh… Theo thống kê của Bộ Y tế và Bộ LĐ-TB&XH, đuối nước là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ em, số liệu thống kê (với đối tượng trong độ tuổi từ 0-19) cho thấy trung bình mỗi ngày có 10 trẻ em và người chưa thành niên bị chết đuối.
Dạy bơi cho trẻ đã nhiều năm trở thành vấn đề nóng và dường như năm nay lại càng nóng hơn khi có quá nhiều vụ chết đuối thương tâm diễn ra chỉ trong một thời gian ngắn. Quảng Ninh là một trong những địa phương được đánh giá là có nhiều nỗ lực trong công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Để phòng chống tai nạn thương tích và đuối nước cho trẻ em, hàng năm tỉnh Quảng Ninh đã bố trí kinh phí cho 14/14 huyện, thị xã tổ chức các lớp dạy bơi miễn phí.
Qua 5 năm từ 2011-2015 đã có 224 lớp bơi cho trẻ em được tổ chức, kinh phí từ nguồn ngân sách hỗ trợ 72 lớp, từ nguồn xã hội hóa 152 lớp. Con số này cho thấy tỉnh Quảng Ninh đã làm rất tốt việc vận động các nguồn hỗ trợ từ xã hội, cộng đồng để bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Tuy nhiên, khi nói về vấn đề dạy bơi cho trẻ em, bà Đinh Thị Thanh Thủy – Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Quảng Ninh vẫn bày tỏ lo ngại khi kinh phí đầu tư cơ sở vật chất cho việc dạy bơi, học bơi còn khó khăn.
“Muốn làm tốt được việc này thì phải có hợp tác công - tư trong đó sự tham gia của cộng đồng xã hội, doanh nghiệp là rất cần thiết. Tuy nhiên, doanh nghiệp, cộng đồng hiện nay vẫn chưa mặn mà” – bà Thủy cho biết.
“Ngành Giáo dục không thiếu nhân lực dạy bơi cho trẻ em, chỉ thiếu bể bơi” – đó là lời khẳng định của ông Dương Văn Bá - Phó Vụ trưởng Vụ Học sinh – Sinh viên, Bộ GĐ-ĐT tại cuộc họp báo Tháng hành động vì trẻ em năm 2016 mới đây. Ông Bá cho biết, cách đây 5-6 năm Bộ GD-ĐT đã xây dựng đề án về dạy bơi cho trẻ em trong trường học để trình Chính phủ mà đến nay vẫn chưa thể phê duyệt được vì việc xây dựng cơ sở vật chất, hệ thống bể bơi trong các trường học rất khó khăn, kinh phí rất lớn mà không có nguồn.
Hiện nay, để đẩy mạnh việc dạy bơi cho trẻ, mới chỉ có sự phối hợp nhỏ lẻ của một số nhà đầu tư, ngân hàng xây dựng hệ thống bể bơi nhỏ trong trường. Để khắc phục tình trạng này, ngày 12/5 vừa qua, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đã ký Chỉ thị đề nghị Sở GD-ĐT các tỉnh rà soát trên địa bàn, báo cáo chính quyền địa phương để có sự phối hợp, hỗ trợ, kết nối với hệ thống bể bơi hiện có để hỗ trợ dạy bơi cho học sinh.
Sớm đưa ra mô hình bể bơi cho trẻ em
Năm 2016, quận Thanh Xuân (Hà Nội) bắt đầu thực hiện Đề án Phát triển giáo dục và đào tạo giai đoạn 2016-2020; trong đó có yêu cầu học sinh tiểu học khi ra trường phải có chứng chỉ biết bơi. Theo thống kê của Phòng GD-ĐT quận Thanh Xuân, năm học 2015-2016, toàn quận có 3.205 học sinh lớp 5, trong đó có trên 1.200 học sinh biết bơi, còn lại khoảng 2.000 học sinh chưa biết bơi.
Để thực hiện Đề án, ngành GD-ĐT quận Thanh Xuân yêu cầu các trường tiểu học trên địa bàn rà soát số học sinh lớp 4, lớp 5 chưa biết bơi, xây dựng phương án tổ chức dạy bơi phù hợp; phấn đấu học sinh lớp 5 hoàn thành việc học bơi trước ngày 31/5/2016. UBND quận phối hợp với các trung tâm thể thao, doanh nghiệp có bể bơi hỗ trợ các trường miễn phí sử dụng bể bơi dạy cho học sinh. Nhà trường và phụ huynh trả phần kinh phí đi lại và tiền dạy của giáo viên.
Nếu trường học nào xa không gần bể bơi, quận sẽ hỗ trợ lắp bể bơi thông minh tại nhà thể chất ở các trường để dạy. Một khóa bơi thời gian tối đa là từ 10 đến 12 ngày, mỗi buổi 1 giờ. Sau khi hoàn thành khóa học, học sinh biết bơi 25 mét và đúng kỹ thuật.
Trả lời báo chí, ông Phạm Gia Hữu - Trưởng phòng GD-ĐT quận Thanh Xuân cho biết: “Dạy bơi bước đầu còn nhiều khó khăn, quận ủng hộ về kinh phí cho học sinh đăng ký học bơi là 30% từ nguồn ngân sách quận”. Quận Thanh Xuân không phải là địa phương đầu tiên của TP Hà Nội triển khai dạy bơi cho học sinh tiểu học. Trước đó, huyện Thanh Trì và quận Cầu Giấy đã phổ cập bơi cho học sinh tiểu học nên dù trên địa bàn có nhiều ao, hồ, nhưng vài năm trở lại đây, gần như không có học sinh nào bị đuối nước.
Thực tế từ quận Thanh Xuân cho thấy, việc dạy bơi cho trẻ không khó nếu người lớn quyết tâm làm. Bằng chứng là vấn đề khó khăn về bể bơi đã được hóa giải bằng phương án: “Nếu trường học nào xa không gần bể bơi, quận sẽ hỗ trợ lắp bể bơi thông minh tại nhà thể chất ở các trường để dạy”. Đây cũng là một trong 3 việc phải làm mà ông Đặng Hoa Nam – Cục trưởng Cục Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em đề cập tới.
Theo ông Nam, điều kiện tự nhiên ở Việt Nam vốn rất nhiều ao hồ, sông nước, nên vai trò và ý thức của gia đình trong việc dạy bơi cho trẻ em rất quan trọng. “Để dạy trẻ không chỉ biết bơi mà còn biết kỹ năng an toàn dưới nước, có 3 việc phải làm. Đó là Cục Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em phối hợp với cơ quan ban ngành đưa ra mô hình bể bơi cho trẻ; khuyến khích vận động các doanh nghiệp thực hiện trách nhiệm xã hội gắn với kinh doanh để dạy bơi cho trẻ; dành cơ sở vật chất thích đáng cho trẻ em học bơi” – ông Đặng Hoa Nam nhấn mạnh..