Chung quy, chỉ tại cái giống lúa có tên là Thiên Ưu 8 mà người ta đã nhập về, quảng cáo cho nó, sử dụng đại trà mới nên nông nỗi. Bây giờ, khi sự việc đã bị phanh phui thì mới thấy là đã ra sức quảng cáo cho giống lúa này. Trong hồ sơ giống lúa có chỉ dẫn là giống lúa này “kháng rầy ở mức trung bình” nhưng khi quảng cáo thì ở mức “khá” thậm chí “khả năng kháng sâu rầy rất tốt”.
Thực tế, mất mùa là do giống lúa này bị sâu rầy phá hoại và kịch bản bào chữa diễn ra đúng “quy trình”, nghĩa là lãnh đạo Sở NN&PTNT tỉnh cho rằng “tại thời tiết và bà con nông dân” cũng y như tàu thép gỉ hỏng là do “nước biển quá mặn và bà con ngư dân không vận hành đúng quy trình”.
“Dậu đổ, bìm leo”, các vị Chủ tịch huyện cũng chất vấn gắt gao ngành Nông nghiệp để xảy ra mất mùa làm ra vẻ mình là người khách quan đứng ngoài cuộc. Các lãnh đạo địa phương không thể vô can trong chuyện này, họ cũng phải chịu trách nhiệm khi để bà con nông dân “của mình” bị dụ dỗ mua giống lúa kháng rầy kém về gieo trồng chứ?.
Trước đó, tại kỳ họp HĐND Thanh Hóa, trên ghế chủ tọa, Bí thư kiêm Chủ tịch HĐND tỉnh cũng truy vấn gắt gao và quy trách nhiệm Giám đốc Sở Giao thông về những dự án chậm tiến độ do ngành này quản lý. Qua hai diễn biến trên có thể thấy là sự xuê xoa với khuyết điểm, trì trệ đã dần mất đi và thay vào đó là một tinh thần thẳng thắn đối với trách nhiệm của người lãnh đạo ban, ngành trong tỉnh.
Điều này hẳn sẽ có tác động tích cực đến những người khác về trách nhiệm mình được giao phó. Quy trách nhiệm là một việc còn xử lý trách nhiệm lại là việc khác, bởi để xảy ra tình trạng mất mùa hoặc dự án chậm tiến độ, đội vốn thì còn liên quan đến công tác chỉ đạo, điều hành và trách nhiệm liên đới của những người khác nữa. Phải chờ!
Cơn bão số 2 đang đổ bộ vào các tỉnh miền bắc miền Trung và công tác phòng chống bão đang được triển khai quyết liệt ở các địa phương này. Tại Nghệ An, có chỉ thị rằng “nếu Chủ tịch huyện để xảy ra thiệt hại về người trong bão phải chịu trách nhiệm”. Câu này nghe quen quen bởi từng nghe nhiều lần, ví dụ, nơi nào để xảy ra phá rừng thì người đứng đầu địa phương đó phải chịu trách nhiệm, hay ai để xảy ra tình trạng nhà máy thua lỗ, “đắp chiếu” thì phải nhận sai, thậm chí bỏ tù. Tuy nhiên, phá rừng vẫn diễn ra, nhà máy thua lỗ vẫn đấy, chẳng ai bị làm sao cả.
Không để việc “quy trách nhiệm” chỉ là lời nói suông hay như một sự cảnh báo, đã quy trách nhiệm thì phải xử lý đến nơi, đến chốn, người gây ra phải trả giá thích đáng cho sự thiếu trách nhiệm của mình. Nếu không, sự “quy trách nhiệm” sẽ trở nên nhàm chán và mất thiêng!