Hương ước của một làng được lập nên bởi sự đồng thuận của một cộng đồng dân cư nên ai cũng phải theo, được tuân thủ nghiêm ngặt, điều khoản nào cũng xác định rõ hành vi với chế tài xử phạt rõ ràng. Hương ước thể hiện rất rõ bản sắc văn hóa của cộng đồng dân cư đó, lâu ngày cứ theo thế mà làm, mà ứng xử với nhau, thành quen và dân dã gọi là lệ làng.
Văn hóa làng quê. |
Hương ước là tên gọi chung, nhưng ban đầu là những khoán ước riêng lẻ dần tập hợp lại mà thành. Có thể lấy minh chứng từ Hương ước của một làng cụ thể để chứng minh điều này.
Xã Dương Liễu (huyện Đan Phượng, Tp. Hà Nội) có bản Khoán ước được lập đầu tiên năm 1666 (Cảnh Trị, đời vua Lê Huyền Tông) có tên “Dương Liễu xã khoán ước” gồm quan viên và “mọi người lớn nhỏ trong xã cùng nhau đặt ra khoán ước”.
Bản Khoán ước này quy định ngay điều đầu tiên: “Nếu ai cậy anh, cậy em, cậy thế, cậy quyền mà ngăn trở làm trái khoán ước thì bị phạt 5 quan tiền cổ, không tha”. Những hành vi không tuân thủ pháp luật, lộng quyền, tố cáo sai, cưới gả mà con không thuận tình, quan viên tự tiện mời khách đến ăn uống hoặc nói năng bừa bãi trong nhà người khác khi có việc,… đều bị làng xử phạt với các hình thức khác nhau từ phạt tiền đến không cho ngồi ăn uống cùng, nếu người bị phạt chết con cái phải chịu thay, nếu không làng sẽ không làm đám tang cho.
Từ bản Khoán ước đầu tiên này rồi cứ qua từng thời kỳ mà có những khoán ước tiếp tục bổ sung, kéo dài đến năm 1800. Cuối cùng, một bản Hương ước hoàn chỉnh ra đờ vào năm 1907 với tên gọi “Hương ước xã Dương Liễu” gồm 18 điều quy định hành vi ứng xử trên hầu hết các lĩnh vực đời sống hàng ngày, từ chính trị đến bầu lý phó, từ sưu thuế đến sinh tử giá thú, từ việc cầu cống đến định điền binh ngạch,… Mở đầu bản Hương ước này là “tuyên ngôn” trang trọng: “Cổ nhân nghiêm lề luật/ Kim nhật hữu đa chương”.
Bản Hương ước xã Dương Liễu còn quy định cụ thể về việc tế lễ, khao vọng, tuần tra, canh phòng, trộm cắp,… chỉ xin dẫn một điều làm ví dụ: Điều 10 “Nói về việc đánh nhau thưa kiện”. Nội dung của Điều này là: “Trong làng người nào đánh nhau thưa kiện việc gì, trước phải tường trình Tổng lý cùng tòa Hội đồng, phân xử như việc đánh nhau bị thương nặng thì phải giải trình, thương nhẹ thì hỏi chứng cớ cho công minh, kẻ nào trái nhẽ bắt phạt 2 đồng sung công như việc thưa kiện cứ người nào trái nhẽ mà bắt phạt như thế, nếu kẻ nào không chịu mà đi kêu huyện, kêu tỉnh, thưa quan trên xét xử y như lời dân xử thì phạt thêm 3 đồng sung công”.
Như vậy, người xưa đã giải quyết pháp luật theo lệ làng mà vẫn công minh, đáng chú ý là kẻ không chịu mà thưa lên trên, vẫn bị xử như vậy thì còn bị phạt nặng hơn. Có lẽ cổ nhân đã tiên liệu được tình trạng “khiếu nại vượt cấp” rồi chăng?.
Một xã có khoán ước từ gần 350 năm trước và tồn tại đến tận ngày nay, rõ ràng đó là một cộng đồng dân cư có truyền thống văn hóa, xứng đáng trong hàng ngũ được vinh danh “mỹ lý, danh hương”, có người đỗ Tiến sĩ đời Lê Thần Tông là ông Phí Đăng Nhậm, làm quan đến chức Công khoa đô cấp sự trung, dân làng hưởng sự bình yên, đúng là nếu người xưa “nghiêm lề luật” thì ngày nay con cháu “đa sự chương”.
Dân gian thường nói: “Phép vua thua lệ làng” để ám chỉ cái việc lộng hành của quan viên địa phương hay sự khép kín đến bưng bít của tập tục làng xã. Song, những khoán ước hoặc hương ước làng xã được xây dựng trên lệ làng nhưng chỉ chọn cái tinh hoa và phù hợp pháp luật (phép vua) mà làm nên một lệ làng văn hóa, nghiêm cẩn, giữ bình yên cuộc sống và lẽ công bằng xã hội. Điều 10 vừa dẫn ở trên là một minh chứng.
Ngày nay, gìn giữ và phát huy truyền thống của cha ông xưa “cổ nhân nghiêm lề luật” mà có phong trào xây dựng các hương ước trong cộng đồng dân cư. Tuy nhiên, có hương ước đấy nhưng lại khó đi vào trong cuộc sống và tác dụng tốt đẹp của hương ước bị hạn chế rất nhiều. Lý do là xây dựng hương ước chỉ theo phong trào, làm ra rồi để đấy lấy thành tích mà thôi.
Ngay khi soạn thảo hương ước cũng chỉ là một số người làm, thậm chí “photocopy” có chỉnh sửa đôi chút của các làng, xã khác nên không có sự đặc thù riêng của cái địa phương ấy. Kiểu làm đâu được như ngày xưa là quan viên và “những người lớn nhỏ trong xã cùng nhau đặt ra”, đã thế, khi thực hiện lại không nghiêm hoặc đánh trống bỏ dùi, thiếu người gương mẫu.
Hương ước xưa quy định những người có trách nhiệm thực hiện hương ước (tức quan viên trong làng) mà để cho người dân vi phạm hương ước thì bị phạt đầu tiên. Ngày nay, có học được người xưa đâu?.
Phùng Ngọc Đức