Vừa bảo tồn, vừa phát triển kinh tế
Theo Tổng cục Lâm nghiệp, thời gian qua Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách đầu tư cho bảo vệ và phát triển rừng đặc dụng (RĐD), rừng phòng hộ (RPH), đạt những kết quả đáng ghi nhận như: Nâng cao độ che phủ rừng, chất lượng rừng, góp phần tạo sinh kế nâng cao đời sống người dân ở những khu vực có loại rừng này.
Hiện cả nước có 14,45 triệu ha rừng; trong đó rừng đặc dụng 2,15 triệu ha; rừng phòng hộ 4,6 triệu ha. Cả nước đã thiết lập 164 Ban quản lý rừng (BQLR) đặc dụng; 231 BQLR phòng hộ. Các BQLR đang quản lý khoảng 46,7% diện tích đất lâm nghiệp. Mỗi năm các BQLR giao khoán bảo vệ rừng cho cộng đồng, cá nhân, hộ gia đình trên 402 ngàn ha, trồng mới gần 11 ngàn ha.
Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường đánh giá, trong các loại rừng, RĐD và RPH chiếm vị trí quan trọng bởi đây là nơi có đa dạng sinh học cao nhất, bảo tồn động thực vật quý hiếm; là vùng sinh thủy, “van” điều hòa tổng thể cho từng tiểu vùng khí hậu; phát triển du lịch, nghiên cứu, học tập… "Đây là nhân, là lõi của phát triển bền vững", ông Cường nhấn mạnh.
Theo ông Cường, hai nhóm rừng trên có 6,75 triệu ha nên cần tạo điều kiện cho khu vực này vừa bảo tồn vừa phát triển kinh tế. Trước đây, ngành lâm nghiệp chỉ chú trọng bảo vệ phát triển, nay Luật Lâm nghiệp yêu cầu phải chuyển nhận thức trở thành ngành kinh tế.
Tuy nhiên, thực tế các BQLR vẫn gặp nhiều khó khăn. Trả lời báo chí, ông Nguyễn Duy Thịnh, PGĐ Vườn Quốc gia (VQG) Hoàng Liên cho biết, đơn vị đã chủ động tích cực phối hợp các sở, ngành xây dựng quản lý rừng bền vững; xây dựng án phát triển du lịch sinh thái trong rừng đặc dụng.
Trước vấn đề sẽ phải hướng đến tự chủ về tài chính, ông Thịnh cho biết, hiện Vườn chủ yếu quản lý hai tuyến du dịch và có thu phí. Khoản phí thu được, Vườn được giữ lại 20% chủ yếu phục vụ chi trả việc thu phí, còn 80% nộp lại ngân sách nhà nước, do đó hầu như không có vốn để đầu tư trong khi nhu cầu khách du lịch ngày càng cao. Ông Thịnh đề nghị Trung ương, Bộ xem xét cho phép vườn có cơ chế được giữ lại 90% khoản thu cho tái đầu tư để phát triển du lịch.
Xây dựng các dạng mô hình điển hình để nhân rộng
Hiện có 45% BQLR đặc dụng và 59% BQLR phòng hộ được chi trả tiền Dịch vụ môi trường rừng (DVMTR). Rất ít trong số đó có những hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch sinh thái rừng và kinh doanh có hiệu quả thì lại càng hạn chế.
Nổi lên có 2 đơn vị là VQG Phong Nha Kẻ Bàng và VQG Ba Vì kinh doanh cả 3 loại hình dịch vụ du lịch sinh thái (tự tổ chức, liên doanh, liên kết và cho thuê môi trường rừng). Hiện có 231 BQL RPH chưa tổ chức các hoạt động dịch vụ du lịch sinh thái.
Theo Báo cáo của 129 BQLR gửi về Tổng cục Lâm nghiệp vào tháng 9/2019, có 110/129 đơn vị đã được phê duyệt phương án tự chủ. Tuy nhiên, tổng hợp số liệu từ các đơn vị này cũng cho thấy không có BQLR tự chủ chi thường xuyên và chi đầu tư; có 9/129 BQL tự chủ 100% chi thường xuyên (6,97%); 30/129 BQL tự chủ một phần chi thường xuyên (23,26 %); có tới 90/129 BQL do ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên (69,77%).
Một chuyên gia nhận định, các BQLR còn rất khó khăn trong thu hút các nguồn lực tài chính xã hội hoá và ngân sách nhà nước vẫn là nguồn chủ yếu trong đầu tư bảo vệ phát triển rừng… Bảo vệ rừng là nền tảng bảo tồn sinh học. Muốn bảo vệ rừng tốt phải bảo tồn gắn với phát triển bền vững.
“Nếu chỉ khư khư bảo tồn thì cũng là hành động vô tình níu chân sự phát triển hằng ngày, hằng giờ của rừng, của cộng đồng dân cư gắn với rừng. Phương án khai thác du lịch sinh thái trong rừng đã được nhiều nơi trên thế giới nghiên cứu và phát triển thành công. Đó là phát triển kinh tế xanh, điều này cũng đã được pháp luật về lâm nghiệp quy định, phù hợp bối cảnh tự chủ tài chính theo lộ trình của Chính phủ”, vị này nói.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, hiện cả nước có 395 BQLR đặc dụng và phòng hộ với nhiều đặc thù. Tổng cục Lâm nghiệp cần phân dạng cụ thể hơn, xây dựng các dạng mô hình điển hình để nhân rộng. Nếu quản lý tốt, rừng chính là lợi thế của Việt Nam. Du lịch, dịch vụ sẽ trở thành thế mạnh của kinh tế, là động lực, tiền đề để rừng phát triển tốt hơn, nhiều hơn, đa dạng sinh học hơn.