Đừng lo khi con không có điểm

Năm học mới bắt đầu, quy định mới của ngành giáo dục khuyến khích không chấm điểm lớp 1 được các nhà giáo dục hưởng ứng, nhưng nhiều phụ huynh lại lo lắng vì theo họ như thế khác gì… đánh đồng tất cả, “dìm hàng” nhân tài ?!

Năm học mới bắt đầu, quy định mới của ngành giáo dục khuyến khích không chấm điểm lớp 1 được các nhà giáo dục hưởng ứng, nhưng nhiều phụ huynh lại lo lắng vì theo họ như thế khác gì… đánh đồng tất cả, “dìm hàng” nhân tài ?!

Tranh cãi trái chiều

Những năm học trước, các bé lớp 1 dù đã học cả ngày ở trường, nhiều phụ huynh học sinh (PHHS) cho biết, chỉ cần cô giáo phàn nàn là con mình “tư duy kém”, “chậm tiếp thu”… thậm chí cho điểm kém là phụ huynh tức tốc xin học thêm cô.

Hình minh họa
Hình minh họa

Bởi cô giáo mặc nhiên cho rằng trẻ vào lớp 1 là phần lớn đã đọc thông viết thạo, thậm chí nhiều em còn học hết chương trình lớp 1 ngay từ mẫu giáo bởi sự hối thúc và lo lắng của phụ huynh.

Một PHHS có con 5 tuổi cho biết, đầu năm học, chị nhận được thư ngỏ dưới danh nghĩa Ban đại diện cha mẹ HS và các giáo viên chủ nhiệm lớp mẫu giáo lớn về việc các con được chuẩn bị 2 cặp sách để học chữ. Điều băn khoăn của vị PHHS này là việc làm trên, tuy công khai, nhưng có thực sự cần thiết với một trẻ 5 tuổi không? Tại sao các bé còn quá nhỏ đã sớm phải học thêm theo kiểu “ngày ngày mang theo cặp bài tập đến lớp - về nhà” như vậy?

Hoa là tám, sao là chín, hai hoa là mười

Bị cấm chấm điểm, nên hiện nay nhiều trường tiểu học trên địa bàn Hà Nội, nhất là các trường dân lập đã “sáng tạo” ra một kiểu đánh giá khác thay cho điểm. Chị Nguyễn Mai A. (ở Giáp Bát, HN) cho biết, con chị đi học ở một trường dân lập về ê a một bài thuộc lòng rất độc đáo: “hoa là tám, sao là chín, sao nhẩy là chín cộng cô khen, hai hoa là mười…”.

Trao đổi với các phụ huynh khác, chị A. được biết đây cũng chính là một cách “lách luật” để chấm điểm.

Trên diễn đàn web trẻ thơ, một phụ huynh tâm sự: “Ngày khai giảng, mình đã nói với cô là cháu không đi học trước, cháu chưa biết viết, cô nói rằng không sao, vài tháng cháu sẽ quen... Ba ngày sau, mình đi đón con nhận được lời cô phàn nàn rằng cháu nhà chị viết sai, viết chậm lắm, cô uốn mãi nhưng vẫn chậm hơn các bạn, mà viết chậm như thế này thì không thể học theo các bạn được đâu”.

Kèm với lời chê, trong vở viết cô chấm cho luôn hai điểm 2. Quá bức xúc, phụ huynh này viết: “Ngay những ngày đầu tiên vào trường, con đã bị cô hết lời chê bai, phàn nàn, rồi bị luôn điểm kém, thử hỏi các cháu có còn hứng thú để học hành nữa hay không?”.

Tuy nhiên, khi Bộ GD- ĐT đưa ra chủ trương bỏ chấm điểm lớp 1 khi mà  số đông dư luận xã hội cho rằng thực sự đây là một đổi mới trong cách đánh giá học sinh tiểu học, hạn chế tối đa áp lực điểm số đối với giáo viên và học sinh, thì lại nảy sinhmột luồng ý kiến trái chiều khác.

Những ý kiến này cũng của PHHS. Họ thì cho rằng đã đi học thì phải có điểm mới biết được sức học của con tới đâu, các con mới có động lực học tập. Không ít phụ huynh cũng không mấy tin tưởng vào việc nhận xét của cô có thực sự chính xác hay không khi mà mỗi lớp học luôn quá tải, 50-60 HS…

Không nên lo lắng

Theo PGS TS Nguyễn Công Khanh, Giám đốc Trung tâm đảm bảo chất lượng giáo dục và khảo thí, ĐH Sư phạm Hà Nội, việc không chấm điểm cho học sinh lớp 1 sẽ giúp các em và cả phụ huynh bớt đi áp lực với cuộc đua luyện chữ, tập đọc từ bậc mầm non sẽ giảm. Ông Khanh cho rằng, phụ huynh nào cũng muốn con mình học giỏi học tốt, mà học giỏi học tốt đối với phụ huynh thì đôi khi đơn giản chỉ là điểm cao.

Do vậy, nếu tập trung đánh giá các em bằng nhận xét các điểm mạnh điểm yếu để các em tiến bộ trong quá trình học tập thì tốt hơn, nó góp phần làm giảm kỳ vọng của phụ huynh. Phụ huynh thấy giáo viên nhận xét con còn chưa được ở điểm nào thì có thể giúp con-  ông Khanh phân tích.

Nguyên Bộ trưởng Bộ GD- ĐT Trần Hồng Quân  cũng chia sẻ, phụ huynh lo lắng là điều tất yếu khi không biết điểm số của con, song quan trọng hơn là phụ huynh và nhà trường cần chủ động phối hợp chặt chẽ việc học tập của các cháu. Bởi bản thân việc chấm điểm chưa thể đánh giá đúng khả năng của mỗi cháu, nay bỏ việc này đi thì sự phối hợp trở nên cấp thiết.

Cùng chung quan điểm trên, GS. TS. Viện sỹ Phạm Minh Hạc, Chủ tịch Hội tâm lý giáo dục Việt Nam cũng cho rằng phụ huynh không nên quá căng thẳng bởi việc bỏ chấm điểm là một điều tốt cho các cháu. Trường học và gia đình phải có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa và điều quan trọng nhất là các đơn vị chuyên môn cần phải làm kiên quyết, thanh tra thật tốt để hướng dẫn này có thể phát huy tốt hiệu quả. Đồng thời phải tuyên truyền tốt để phụ huynh không nên quá hoang mang

Và mới đây nhất, trong lá tâm thư đầu năm học gửi tới các bậc phụ huynh, GS Văn Nhu Cương đã nói những điều rất đáng để những người làm cha làm mẹ suy nghĩ: “"Xin các vị hãy bình tĩnh khi đánh giá con mình, đừng đánh giá con theo hai thái cực, hoặc con mình là nhất hoặc chẳng làm nên trò trống gì.”  Phải chăng “hai thái cực” mà GS Văn Như Cương nhắc đến có căn nguyên từ việc coi trọng điểm số?

Hà My

Đọc thêm